Giám sát kiểm tra hoạt động phát hành trái phiếu cần được nâng cao

(ĐTTCO) - Đây là một trong các ý kiến được đưa ra tại hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN): Niềm tin và giải pháp” do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp tổ chức sáng nay 30-11 tại TPHCM.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Nhận xét tổng quan tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, kênh huy động vốn qua TP, một trong các cấu phần của thị trường vốn cùng với kênh tín dụng và kênh cổ phiếu, đã đóng vai trò quan trọng trong việc khai thông nguồn vốn cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua việc một số DN phát hành TP trái luật, sử dụng vốn sai mục đích bị cơ quan chức năng mạnh tay xử lý, khiến niềm tin nhà đầu tư giảm sút. Điều này khiến khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành mới sụt giảm, khối lượng mua lại trước hạn tăng mạnh.

Ngoài ra, khó khăn chung của ngành bất động sản và các tin đồn tiêu cực trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, DN lớn cũng khiến kênh huy động vốn TP trở nên hạn chế, thiếu sức sống.

Trước tình hình hiện tại, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Luật sư Phạm Ngọc Hưng đã nhận định, các nhà đầu tư khi chưa hiểu biết rõ về TP và cả đơn vị phát hành sẽ dễ ngậm trái đắng. Bên cạnh đó, một số đơn vị phát hành che giấu thông tin và mục đích thật sự của việc phát hành TP. Thông tin về tài sản bảo đảm của DN phát hành cũng mập mờ khiến nhà đầu tư cũng cảm thấy mơ hồ theo.

Không những thế, cần xét đến vai trò môi giới của ngân hàng và công ty chứng khoán. Họ môi giới với mục đích sinh lời thì phải chịu trách nhiệm khi cung cấp thông tin không đầy đủ cho khách hàng. Về điều này cần có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn. Một vấn đề hết sức quan trọng là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước (như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước...) trong việc giám sát kiểm tra hoạt động phát hành TP cần được nâng cao.

Nhìn vào các khó khăn hiện tại, ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch CTCP Tư vấn Quốc tế (CIB) đã đề xuất 3 nhóm giải pháp để giải tỏa áp lực TP đáo hạn. Một là, DN nên liệt kê xem tài sản còn lại những gì. Đối với DN đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại thì có thể dùng nguồn tiền mặt để mua lại, giúp giải tỏa bớt áp lực. Nếu không đủ tiền, DN có thể đi thêm vay hoặc thế chấp một phần TP với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại.

Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh ổn định, DN có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn. Trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, DN có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi TP thành cổ phiếu. 

Hai là, với những DN có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém khả quan, yêu cầu mua lại TP thực sự là áp lực không nhỏ. Vì vậy, DN cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc rõ rằng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, DN buộc phải bán các tài sản mình đang có để thanh toán với các trái chủ, đó có thể là đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối...

Ba là, DN cần tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, các công cụ mua bán nợ tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến. Đồng thời, nếu có một thị trường TP thứ cấp hoạt động bài bản, thì các trái chủ khi cần bán lại sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực cho DN.

Đồng thời, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế chia sẻ, thực tế nhà đầu tư Việt Nam mua TP không phải vì lãi suất cao, họ muốn tìm một kênh đầu tư ổn định, lãi suất cao hơn tiền gửi NH. Trong khi đó, TPDN giai đoạn 2020-2022 chủ yếu là TP bất động sản, trong đó, công ty chưa niêm yết chiếm trên 80%. Và cũng trong giai đoạn này, TPDN đa số vừa do các NHTM phát hành và cũng mua lại với lượng lớn TPDN từ các công ty bất động sản, chiếm tới hơn 40% lượng TP phát hành và giao dịch trên thị trường TPDN.

Qua đó, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, TPDN hiện nay chưa thực sự là nguồn vốn cung cấp quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là các công ty sản xuất kinh doanh. Hiện tại, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư và hỗ trợ cho các công ty sản xuất kinh doanh cũng như các các giải pháp minh bạch và lành mạnh hoá thị trường TPDN tại Việt Nam.

Các tin khác