Đứng thứ 3 ASEAN về hút vốn đầu tư vào fintech nhưng Việt Nam chưa hoàn thiện hành lang pháp lý

(ĐTTCO) – Hiện Việt Nam đang có hơn 100 công ty tài chính công nghệ (fintech) đang hoạt động và hút mạnh vốn đầu tư, tuy nhiên nhưng Việt Nam chưa hoàn thiện hành lang pháp lý đối với lĩnh vực này.

Lĩnh vực fintech Việt Nam thu hút 388 triệu USD vốn đầu tư trong 9 tháng 2021.
Lĩnh vực fintech Việt Nam thu hút 388 triệu USD vốn đầu tư trong 9 tháng 2021.

9 tháng, gọi vốn 388 triệu USD 

Báo cáo Fintech ASEAN 2021 được UOB, PwC Singapore và Hiệp hội Fintech Singapore (SFA) phát hành cho biết, nguồn vốn đầu tư fintech 9 tháng đầu năm 2021 khu vực ASEAN đạt hơn 3,5 tỷ USD. Mức đầu tư này tăng hơn 3 lần so với năm 2020 và cũng là mức cao kỷ lục tính từ trước tới nay. 

Trong đó, các công ty fintech có trụ sở tại Singapore thu hút nguồn vốn mạnh nhất trong ASEAN, chiếm gần 49%, tương đương giá trị 972 triệu USD. Indonesia đứng ở vị trí thứ hai trong năm nay với mức 904 triệu USD vốn tài trợ, chiếm 26%. 

Đứng thứ 3 là Việt Nam với tổng số 167 thương vụ, tổng số tiền gọi vốn thành công là 388 triệu USD, chiếm 9%, hồi phục đáng kể so với năm trước.

Nguồn vốn tăng trở lại chủ yếu nhờ vào hai vòng gọi vốn lớn, cụ thể là 250 triệu USD vào VNPay và 100 triệu USD vào vòng gọi vốn Series D của MoMo.

Trước đó, báo cáo Fintech và NH số của MB cũng nhận định, trong năm 2020, lĩnh vực Fintech của Việt Nam đã phát triển đáng kể nhờ vào việc áp dụng các giao dịch kỹ thuật số ngày càng tăng, ngành thương mại điện tử đang bùng nổ và chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thanh toán kỹ thuật số.

Các nhà đầu tư tiếp tục lạc quan về tiềm năng của Fintech tại Việt Nam trong những năm tới, khi bơm hàng triệu USD vào các công ty Fintech khởi nghiệp trong nước. Năm 2019, Việt Nam đã đứng thứ hai trong ASEAN về tài trợ cho Fintech, thu hút 36% tổng vốn đầu tư vào Fintech của khu vực. Sự lạc quan đối với lĩnh vực này càng tăng khi Việt Nam đang trải qua thời kỳ bùng nổ về thanh toán kỹ thuật số và hoạt động thương mại điện tử trong bối cảnh COVID-19 bị hạn chế và lo ngại lây nhiễm.

Khoảng trống hành lang pháp lý

Mặc dù Việt Nam đứng thứ 3 toàn khối ASEAN trong nhóm trên và tương lai của lĩnh vực fintech đẩy hứa hẹn, nhưng đến nay, các vấn đề quan trọng liên quan đến hành lang pháp lý cho trung gian thanh toán và fintech phát triển vẫn chưa được lấp đầy.

Tại Hội nghị sơ kết tình hình hoạt động 9 tháng của các tổ chức hội viên là trung gian thanh toán và Fintech do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) chủ trì, đại diện CTCP Cổng Trung gian thanh toán Ngân lượng cho biết, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech đến nay chưa có thêm bước tiến mới. Hiện các DN chờ đợi hành lang pháp lý cho blockchain, crypto, cho vay ngang hàng (P2P Lending)… Đây là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro nên doanh nghiệp (DN) không dám làm khi chưa có hành lanh pháp ký, nhưng nếu không làm sớm sẽ chậm chân. 

Theo đó, DN này đề nghị cần sớm ban hành hành lang pháp lý đối với hoạt động có tính chất đổi mới sáng tạo này để các DN trong nước theo kịp sự phát triển thế giới.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cũng chia sẻ, hành lang pháp lý cho sandbox hiện vẫn chưa thấy cập nhật hay bước tiến mới. DN đang rất cần hành lang pháp lý cho lĩnh vực mới như P2P Lending để có cơ sở hoạt động cũng như thu hút được sự sáng tạo của các DN khởi nghiệp, đầu tư của các quỹ trong và ngoài nước.

Theo thống kê, hiện nay có khoảng trên 100 DN là công ty fintech đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là trong tài chính cá nhân, P2P Lending… Trong đó, NHNN đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 43 tổ chức không phải là NH. Trong số đó có nhiều công ty có vốn ngoại chiếm 60-70% và kể cả các công ty 100% vốn nước ngoài, tạo áp lực cạnh tranh đối với đơn vị trung gian thanh toán trong nước. Nhóm này luôn sẵn sàng mua cổ phần của fintech trong nước. Đây là cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc xây dựng cơ chế quản lý, kiểm soát lĩnh vực này.

Trước đề xuất của các đơn vị trung gian thanh toán và Fintech, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA cho biết, Hiệp hội sẽ kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến trung gian thanh toán như: Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox), khung thể chế thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending), Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Giao dịch điện tử…

Các tin khác