Cần tầm nhìn xa chính sách tài khóa và tiền tệ

(ĐTTCO)-Việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành cũng không không ngoài mục đích tạo động lực để các NHTM giảm lãi suất cho vay. Nhưng hình như chính NHNN cũng cảm nhận khó đạt như mong muốn. Vậy đằng sau việc giảm lãi suất là gì? 
Cần tầm nhìn xa chính sách tài khóa và tiền tệ ảnh 1
Chính sách tiền tệ khó mà kích hoạt cho việc giảm lãi suất cho vay trong thời điểm dịch bệnh chưa thấy điểm dừng, nhưng chính sách tài khóa vẫn có dư địa nếu có tầm nhìn. Để rõ hơn vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. LÊ ĐẠT CHÍ, Khoa Tài chính UEH - một chuyên gia tài chính.
PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định thế nào khi NHNN liên tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong năm nay?
TS. LÊ ĐẠT CHÍ: - Kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến nay, với các quyết định và thông báo NHNN có khoảng 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành chính sách tiền tệ.
Lần gần đây nhất vào ngày 30-9 trong thông báo của NHNN đã tiếp tục chỉ đạo giảm lãi suất. Theo tôi hoạt động điều chỉnh giảm lãi suất này cũng như nhiều lần trước đây, có thể nhìn vào một thực tế với các đợt phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), đó là lãi suất đấu thầu TPCP đã liên tục giảm.
Minh chứng là kết quả đấu thầu ngày 7-10-2020 cho 2.000 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20 năm đã có đến hơn 5.000 tỷ đồng đặt mua với lãi suất trúng thầu chỉ 3,02%/năm. Trong khi đó với trái phiếu 15 năm, giá trị gọi thầu 5.000 tỷ đồng thì có đến 11.900 tỷ đồng đăng ký và lãi suất trúng thầu chỉ 2,66%. Hay như TPCP kỳ hạn 5 năm được phát hành vào ngày 30-9 có lãi suất trúng thầu chỉ 1,35%.
Còn kết quả đấu thầu ngày 5-8 có lãi suất trúng thầu chỉ ở mức 1,72% cho kỳ hạn 5 năm. Trong lúc đó, vào ngày 8-4 dù đấu giá không thành công nhưng mức lãi suất bỏ thầu thấp nhất là 2,6% cho kỳ hạn 5 năm. Như vậy điều dễ hiểu khi lãi suất TPCP liên tục giảm thì lãi suất của nền kinh tế sẽ phải giảm. Mức giảm này ít nhất đã lên đến 1,25%.
Tuy nhiên, điều đáng nói là lượng phát hành TPCP liên tục được đăng ký vượt mức chào bán nhiều lần, Chính phủ liên tục phát hành thành công các kỳ hạn dài 15, 20 năm và thậm chí 30 năm.
 Hoạt động điều chỉnh giảm lãi suất này cũng như nhiều lần trước đây, có thể nhìn vào một thực tế với các đợt phát hành TPCP với lãi suất đấu thầu liên tục giảm. Điều dễ hiểu khi lãi suất TPCP liên tục giảm thì lãi suất của nền kinh tế sẽ phải giảm. Có nghĩa là chính sách tiền tệ có phần đi sau chính sách tài khóa.
Điều này cho thấy hệ thống NHTM đang rất thừa tiền và các NHTM không thể từ chối tiền gửi của khách hàng để đầu tư vào TPCP, thay vì nỗ lực cho vay vào nền kinh tế. Nếu các NHTM tìm kiếm được khách hàng có chất lượng tín dụng tốt sẽ chiết khấu trái phiếu này lại cho NHNN, hoặc chào bán các chứng từ có giá thông qua thị trường mở ở mức lãi suất hiện nay là 2,5%.
Mức lãi suất này có lợi đối với các trái phiếu dài hạn, nhưng không tốt cho các trái phiếu có kỳ hạn ngắn do lãi suất trái phiếu thấp. Nhưng nếu chiết khấu lại mức lãi suất 2,5% thì NHTM sẽ chỉ mất 1,25%, trong khi NIM tối thiểu của hệ thống NHTM vẫn trên 3%. Vậy các NHTM sẽ không còn nỗ lực trong việc giảm lãi suất để thúc đẩy tín dụng khi những khách hàng đang bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Do vậy, chính sách giảm lãi suất của NHNN cần phải phân tích để đánh giá hiệu lực của các công cụ. Bởi với những minh chứng trên phần nào cho thấy việc giảm lãi suất này có đóng góp từ chính sách tài khóa, buộc NHNN phải điều chỉnh chính sách lãi suất nhằm tránh sự đối lập. Có nghĩa là chính sách tiền tệ có phần đi sau chính sách tài khóa.
- Nói như vậy nỗ lực giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ khó là động lực cho các NHTM giảm lãi suất cho vay đưa vốn vào nền kinh tế?
- Về lý thuyết, NHNN sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ sẽ thúc đẩy giảm lãi suất huy động, chi phí vốn của các NHTM, điều này sẽ thúc đẩy giảm lãi suất cho vay trong một môi trường cạnh tranh.
Nhưng điều quan trọng là các NHTM liệu có giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy cạnh tranh, tìm kiếm khách hàng mới hay không, khi những khách hàng trong nền kinh tế đang bị bất lợi từ đại dịch Covid và thậm chí không còn đủ điều kiện vay?
Chính NHNN cũng nhìn thấy điều này nên họ đã dùng công cụ có tính hành chính hơn, như trần lãi suất huy động không được cao hơn 4% cho kỳ hạn dưới 6 tháng, liệt kê các đối tượng giảm lãi suất từ Thông tư 01/2020, áp trần lãi suất cho vay đối với các đối tượng thuộc Thông tư 39/2016…
Điều này cho thấy, nếu theo đối tượng chỉ đạo thì các NHTM sẽ thực hiện vì tính pháp lý của nó. Nhưng nếu ngoài các đối tượng này ra, NHTM phải chịu trách nhiệm trước những người chủ sở hữu về hiệu quả hoạt động kinh doanh. 
Nhưng nên nhớ các NHTM phải chịu trách nhiệm về nợ xấu, hiệu quả kinh doanh, và thậm chí quỹ lương của hệ thống… Do đó, những khách hàng tốt NHTM giảm lãi suất để cạnh tranh là chuyện bình thường, các đối tượng buộc phải giảm theo quy định, phần còn lại phải chấp nhận lãi cao hoặc không được vay.
Doanh nghiệp không thuộc diện khách hàng “tốt” cho vay nếu bị dính vào nợ xấu họ không thể gánh trách nhiệm của NHTM. Đó là lý do cho thấy nhiều đối tượng doanh nghiệp này sẽ không nhận được chủ trương lãi suất giảm và đang kêu cứu.
Cần tầm nhìn xa chính sách tài khóa và tiền tệ ảnh 2 Vốn huy động của các ngân hàng vẫn chưa thật sự chảy vào nền kinh tế. Ảnh: VIẾT CHUNG 
- Như ông nói NHTM họ cũng là đơn vị kinh doanh, chịu trách nhiệm lãi lỗ trước cổ đông, vậy có giải pháp nào để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp?
- Việc giảm lãi suất như mặt bằng lãi suất của các nước trong khu vực, như mong muốn của Chính phủ, và trông chờ của các doanh nghiệp trong nền kinh tế là rất cần thiết.
Bởi nhìn tổng quan trong năm 2020 được ví như “năm dịch bệnh” thì chúng ta đang đứng trước triển vọng kinh tế tăng trưởng thấp vì sức mua trong nền kinh tế suy giảm.
Nhưng theo tôi, các số liệu kinh tế từ xuất nhập khẩu những tháng gần đây đều cải thiện và tăng trưởng, vậy lý do gì kinh tế tăng trưởng thấp? Như vậy chỉ còn một vấn đề là thị trường nội địa. Nhưng đầu tư công không giảm, vậy cái giảm chính là đầu tư và tiêu dùng tư nhân.
Như vậy, nếu NHNN nhận định tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt tối thiểu 9% nhờ hoạt động xuất khẩu cải thiện mà không cần hỗ trợ nền kinh tế, thì e rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ khó đạt được. Vậy vấn đề của nền kinh tế trong chủ trương giảm lãi suất phải đặt lên tính ưu tiên của Chính phủ chứ không còn là nhiệm vụ của NHNN.
Nếu Chính phủ muốn giảm lãi suất, theo tôi có một giải pháp.Thứ nhất, Chính phủ đưa ra giải pháp là yêu cầu Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính chủ kỳ hạn 10 năm với lãi suất hiện nay tầm 2,75%/năm.
Dùng lô trái phiếu này cho vay các doanh nghiệp trong nền kinh tế theo các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch covid với mức lãi suất bằng lãi suất TPCP thông qua tái cấp vốn ở NHNN. Lúc này mặt bằng lãi suất sẽ giảm như Chính phủ mong muốn và doanh nghiệp được tiếp thêm sức để chống đỡ.
Thứ hai, hiện nay các đối tượng được giảm lãi suất theo danh sách chỉ đạo vẫn còn lãi suất cao, Chính phủ có thể chấp nhận cho vay bù lãi suất. Chính sách cho vay bù lãi suất này không có gì mới vì trước đây đã làm nhiều.
Như vậy, nếu miễn lãi suất thì Chính phủ cũng chỉ bù 2,75% cho trái phiếu 10 năm. Nhưng nếu nhìn nhận sự phục hồi sau đại dịch ở mức 3 - 5 năm thì Chính phủ sẽ thực hiện phát hành lô TPCP kỳ hạn trên có lãi suất chỉ 1,35%/năm. Điều này cho thấy phần bù lãi suất cực kỳ thấp.
 Những nhà điều hành ngân sách cần nhìn xa hơn. Nếu suy nghĩ tiền đâu ngân sách bù lãi suất thì hãy nghĩ đến tác động phục hồi kinh tế sẽ giúp tăng thu trong tương lai. Muốn thu hoạch vườn rau phải chăm bón và tưới tiêu mà nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam quá thấm nhuần.
Như vậy, nếu Chính phủ cho vay bù lãi suất hoặc bằng lãi suất Chính phủ đi vay cho những khoản chi phí phát sinh, thì Chính phủ sẽ có ít nhất 2 cái lợi từ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đó là tiêu dùng nội địa và việc làm.
2 tác nhân này sẽ kích thích tăng trưởng và khoản thuế nộp cho ngân sách tăng lên thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân, thông qua thuế tiêu dùng cuối cùng từ thuế VAT. 
- Nhưng phát hành trái phiếu hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng từ tiền ngân sách trong khi ngân sách còn khó khăn?
- Khi nói đến ngân sách, ngay như các nước lớn đều có những khó khăn cả. Thâm hụt ngân sách luôn là một bài toán của các chính phủ. Nếu xét theo tỷ lệ thâm hụt ngân sách thì tỷ lệ này của Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ nợ trên GDP cũng được kiểm soát dưới mức an toàn… Đừng vì một chủ trương lớn đưa ra cái cớ để né trách nhiệm, và ngân sách còn khó khăn là cái cớ tốt nhất.
Do vậy những nhà điều hành ngân sách cần nhìn xa hơn, các nhà thanh tra kiểm tra hệ thống cũng phải thay đổi thì quả bóng trách nhiệm sẽ được giải quyết. Các giải pháp sẽ trở nên quyết liệt hơn.
Tôi tin, lúc đó Chính phủ sẽ lập luận việc hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết, bội chi ngân sách thông qua bù lãi suất sẽ thu lại từ thuế trong tương lai. Nhiều dự án đầu tư công thất thoát hàng ngàn tỷ nhưng hiệu quả từ tác động lan tỏa của dự án còn không có nhưng ngân sách cũng đã thâm hụt.
Tóm lại, nếu suy nghĩ tiền đâu ngân sách bù lãi suất thì hãy nghĩ đến tác động phục hồi kinh tế sẽ giúp tăng thu trong tương lai. Muốn thu hoạch vườn rau thì phải chăm bón và tưới tiêu mà nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam quá thấm nhuần.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác