Sức mạnh của tin đồn đẩy Credit Suisse trở thành cổ phiếu meme

(ĐTTCO) - Meme  là loại cổ phiếu lên xuống theo tin đồn trên mạng xã hội, tức cổ phiếu tăng không phải do công ty hoạt động tốt. Thế nhưng, vì sao Credit Suisse - một trong những thương hiệu ngân hàng lớn và lâu đời nhất của Thụy Sĩ, có uy tín trên toàn cầu, thời gian gần đây bị lao dốc khi cổ phiếu của nó bị coi là meme?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Từ tai tiếng đến lao dốc
Được thành lập tại Thụy Sĩ vào năm 1856, để hỗ trợ tài chính cho việc mở rộng các tuyến đường sắt ở quốc gia châu Âu, Credit Suisse có 2 đơn vị chính: doanh nghiệp quản lý tài sản tư nhân và ngân hàng đầu tư. Nó cũng được coi là “kho chứa tiền” của các doanh nhân đang bị trừng phạt, những người vi phạm nhân quyền và các quan chức tình báo. Credit Suisse đã từng bị Chính phủ Mỹ phạt  hàng tỷ USD vì có vai trò trong việc giúp người Mỹ khai thuế sai, tiếp thị chứng khoán được thế chấp có liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cũng như giúp khách hàng ở Iran, Sudan và các nơi khác vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington.
Tại Mỹ, Credit Suisse xây dựng hoạt động kinh doanh ngân hàng đầu tư của mình thông qua các thương vụ mua lại, bắt đầu từ việc mua First Boston năm 1990. Nhưng rắc rối gần đây nhất của nó bắt đầu vào đầu năm 2021, khi Archegos Capital Management sụp đổ. Bởi Credit Suisse là một trong nhiều ngân hàng Phố Wall đã giao dịch với Archegos và bị mất 5,5 tỷ USD. 
Trước đó vào năm 2015, ngân hàng đã thuê Tidjane Thiam làm CEO. Ông Thiam đã nâng giá cổ phiếu và lợi nhuận của ngân hàng thông qua việc cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, ông này đã đi khỏi ngân hàng năm 2020 sau vụ bê bối. Credit Suisse thay thế Thiam bằng Thomas Gottstein, một giám đốc điều hành ngân hàng lâu năm. 
Khi Archegos sụp đổ, ngân hàng vẫn giữ ông Gottstein ở lại vị trí, nhưng thay Chủ tịch mới là António Horta-Osório để tái cơ cấu. Vào tháng 1-2022, ông Horta-Osório đột ngột từ chức sau cuộc điều tra về việc liệu ông có vi phạm các quy tắc cách ly trong đại dịch hay không. Nhưng ông đã kịp có những thay đổi trong thời gian tại nhiệm ngắn ngủi của mình. Đó là để giảm thiểu rủi ro, Horta-Osório cho đóng cửa hầu hết doanh nghiệp môi giới chính của ngân hàng, liên quan đến việc cho vay các công ty thương mại lớn như Archegos. 
Đến tháng 7-2022, Credit Suisse thông báo lỗ quý thứ 3 liên tiếp. Ông Gottstein được thay thế bởi ông Körner, một cựu binh của ngân hàng đối thủ là UBS. Ông Körner và Chủ tịch Axel Lehmann - người thay thế ông Horta-Osório, dự kiến công bố kế hoạch tái cơ cấu mới vào ngày 27-10, với nỗ lực thuyết phục các nhà đầu tư về khả năng tồn tại lâu dài và lợi nhuận của ngân hàng. 
Thời điểm này, cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm rất nhiều trong năm qua xuống còn khoảng 12 tỷ USD, chỉ ngang ngửa với ngân hàng cấp khu vực của Mỹ. Vì thế, Credit Suisse quyết định tách ngân hàng đầu tư ra và thuyết phục các nhà đầu tư - bao gồm cả Quỹ đầu tư công của Ả Rập Xê-út - đầu tư vài tỷ USD để hỗ trợ ngân hàng tách ra. Credit Suisse cũng tìm kiếm người mua mảng kinh doanh sản phẩm chứng khoán hóa, bộ phận tạo ra các sản phẩm để tài trợ các khoản thế chấp nhà ở, bất động sản thương mại và mua tài sản. 

Sức mạnh của tin đồn
Hôm thứ Bảy, ngày 1-10, Jim Lewis, người thường xuyên đăng bài trên Twitter với biệt danh Wall Street Silver, đã khẳng định Credit Suisse có thể sắp phá sản, với hơn 300.000 người theo dõi của mình: “Các thị trường đang nói rằng nó mất khả năng thanh toán và có thể phá sản. Thời điểm như năm 2008 sẽ sớm đến?”.Lewis nằm trong số hàng trăm nhà đầu tư nghiệp dư đưa ra đồn đoán về số phận của Credit Suisse: “Ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu sau nhiều thập niên bê bối, những nỗ lực cải cách thất bại và biến động trong quản lý”.
Cùng ngày, Hunter Kikut cũng đã tweet: “Khả năng cao Credit Suisse sẽ phá sản. Sẽ bị bán khống vào thứ Hai”. Và sau khi thị trường Mỹ mở cửa vào thứ Hai ngày 3-10, Kikut bắt đầu bán khống cổ phiếu của Credit Suisse, đánh cược rằng giá cổ phiếu sẽ giảm. Sáng hôm đó, cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm gần 6%, làm bốc hơi khoảng 600 triệu USD khỏi giá trị vốn hóa thị trường, trong khi cổ phiếu này đã bị giảm hơn một nửa giá trị kể từ đầu năm. Khi các nhà đầu tư chuyên nghiệp lo sợ điều gì đó có thể xảy ra, chi phí bảo đảm nợ của Credit Suisse chống lại việc vỡ nợ đã tăng vọt.
Tin đồn Credit Suisse gặp khó khăn đã lan truyền khắp thế giới, khiến các giám đốc điều hành ngân hàng bối rối, buộc họ phải gọi các cổ đông, đối tác thương mại và nhà phân tích để trấn an rằng mọi thứ đều ổn trước khi thị trường mở cửa trở lại vào thứ Hai kế tiếp. Thế nhưng, giới chuyên môn lại “bồi tiếp” khi cảnh báo hiện tượng Credit Suisse có khả năng làm rung chuyển thị trường tài chính.
Thực tế, Credit Suisse đã có những vấn đề từ lâu, nhưng không có khủng hoảng đột ngột hoặc sắp phá sản. Ngày 30-9, CEO Körner đã trấn an nhân viên rằng Credit Suisse đứng trên "cơ sở vốn mạnh mẽ và vị thế thanh khoản mạnh mẽ", dù những biến động thị trường gần đây có tác động ngược lại đối với những người theo dõi chứng khoán. Nhưng những tin đồn trên mạng xã hội khiến các giám đốc lo lắng. Credit Suisse đã xem xét vấn đề một cách nghiêm túc. Ngày 1-10, các giám đốc ngân hàng đã gọi điện cho khách hàng để trấn an rằng, Credit Suisse có số vốn lớn hơn con số các nhà quản lý yêu cầu. 
Thực ra các nhà giao dịch nghiệp dư trên mạng xã hội không thể giao dịch các sản phẩm phức tạp như Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) - các sản phẩm bảo vệ chống lại việc các công ty gia hạn các khoản nợ của họ. Nhưng suy đoán của họ đã đẩy giá của các giao dịch CDS lên mức trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 
Một số nhà quản lý tài sản cho biết, họ đã thảo luận về số phận của Credit Suisse tại các cuộc họp nội bộ sau cơn bão meme bùng phát vào đầu tháng 10. Mặc dù họ không thấy rủi ro trước mắt đối với khả năng thanh toán của Credit Suisse, nhưng một số vẫn quyết định cắt giao dịch với ngân hàng cho đến khi rủi ro giảm bớt. 
 Nỗi lo lớn hiện nay của Credit Suisse là việc người cho vay rút hạn mức tín dụng và người gửi tiền rút tiền mặt, có thể khiến tiền bị tháo ra khỏi ngân hàng một cách nhanh chóng.

Các tin khác