Phục hồi cho người khỏi bệnh Covid-19

(ĐTTCO) - Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, mỗi ngày có hơn 2.000 người được điều trị khỏi Covid-19. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để tránh các di chứng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt, sau khi điều trị Covid-19, việc phục hồi chức năng là nhu cầu cần thiết giúp người bệnh sớm trở lại hoạt động bình thường.

Bác sĩ tại Bệnh viện Thống Nhất chăm sóc và phục hồi chức năng cho bệnh nhân từng mắc Covid-19

Bác sĩ tại Bệnh viện Thống Nhất chăm sóc và phục hồi chức năng cho bệnh nhân từng mắc Covid-19

Cần tiếp tục thăm khám sức khỏe

Sau khi được các bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 6 điều trị khỏi Covid-19, trở về nhà, ông Huỳnh Minh Tài (68 tuổi, ngụ quận 8) vẫn hay bị mất ngủ, khi ngủ thì hay giật mình, mơ nhiều, thường thức dậy sớm. Ông Tài lo nếu tình trạng này kéo dài, ông sẽ khó hồi phục hoàn toàn. Tương tự, bà Lê Minh Ngọc (56 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cũng hay bị chóng mặt, choáng váng kèm theo cảm giác buồn nôn, hồi hộp... sau khi được điều trị khỏi Covid-19. Do giãn cách xã hội nên ông Tài, hay bà Ngọc đều chưa thể đến các bệnh viện thăm khám. “Tôi mong dịch sớm được kiểm soát để đến các bệnh viện chuyên khoa khám, kiểm tra, điều trị tình trạng của mình”, ông Huỳnh Minh Tài mong mỏi.

Theo PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TPHCM, mặc dù hầu hết những người mắc Covid-19 sẽ khỏe hơn trong vòng vài tuần kể từ khi nhiễm bệnh, nhưng có một số người lại gặp phải các tình trạng “hậu Covid-19”. Các tình trạng này có thể có nhiều loại và mắc kết hợp nhiều bệnh trong thời gian khác nhau. Các triệu chứng Covid-19 kéo dài sau khi khỏi bệnh thường gặp bao gồm: ho kéo dài, đau họng, khô họng, thay đổi khứu giác hoặc vị giác. Một số người lại có cảm giác khó thở với nhiều mức độ khác nhau, hoặc bị giảm trí nhớ. Cũng có người đối mặt với tình trạng đau đầu, mất ngủ…, hay mắc chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng, chán ăn...

Còn TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, cho rằng, bệnh nhân sau khi được chữa khỏi Covid-19 có thể gặp tình trạng gia tăng đáp ứng miễn dịch muộn, tương tự như các bệnh lý thấp khớp, giảm tiểu cầu, viêm cầu thận cấp… giống như tình trạng xảy ra sau một đợt viêm họng do vi trùng hay nhiễm siêu vi. Vì vậy, ngay cả khi test Covid-19 đã âm tính, một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân vẫn xuất hiện tình thế nguy cơ và vẫn phải tiếp tục được can thiệp y khoa. Bệnh nhân từng mắc Covid-19 cũng có khả năng bị sẹo xơ vi thể ở nhu mô phổi do trước đó bị viêm phổi lan tỏa. Các vết sẹo xơ nếu dày đặc, hoặc các phế nang bị bít tắc nhiều sẽ có thể làm phổi giảm co giãn khi hô hấp. Đáng lưu ý, người bệnh có thể bị tổn thương tâm lý và tinh thần, cần được thăm khám, theo dõi sức khỏe để đảm bảo hồi phục hoàn toàn.

Can thiệp kịp thời

Theo các chuyên gia, các di chứng “hậu Covid-19” ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng sống của người khỏi bệnh. Do đó, người bệnh cần phải được can thiệp kịp thời để cải thiện tình trạng này. Trước tình trạng bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh phải đối mặt với các di chứng về thể chất, tinh thần, mới đây Bệnh viện Thống Nhất TPHCM đã thành lập Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau Covid-19 với quy mô 50 giường, dự kiến có thể tăng lên 100 giường tùy theo tình trạng, số lượng bệnh nhân. Khoa cũng có hệ thống oxy khép kín, các thiết bị y tế hiện đại có thể đảm bảo việc cấp cứu, thăm khám cũng như chẩn đoán với bệnh nhân nặng.

PGS-TS-BS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết, mỗi ngày, TPHCM có hàng ngàn người xuất viện sau khi điều trị Covid-19. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng hoàn toàn khỏe mạnh và ổn định tâm lý sau khi khỏi Covid-19. Theo đó, có khoảng 30% bệnh nhân hậu Covid-19 cần được hỗ trợ về y tế do chưa thực sự hồi phục về thể chất, có người trầm cảm, căng thẳng. Những F0 từng nguy kịch, phải thở máy vẫn còn di chứng phổi và họ rất cần được chăm sóc. Do vậy, Khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng được thành lập với mục tiêu tiếp tục điều trị bệnh lý nền (nếu có) cho người khỏi Covid-19, tập vật lý trị liệu, theo dõi phục hồi chức năng. Tại đây, các y bác sĩ sẽ kết hợp sử dụng thuốc y học cổ truyền, chăm sóc theo chế độ dinh dưỡng dành riêng cho người khỏi Covid-19.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2. Trong đó, hướng dẫn phân loại thể lâm sàng tương ứng với các kỹ thuật phục hồi chức năng. Mục tiêu trước mắt là điều trị phục hồi chức năng người bệnh Covid-19. Trong đó, quan trọng nhất là cải thiện chức năng hô hấp, tăng thông khí, giảm công hô hấp, giảm mức độ khó thở; tăng khả năng tống thải đờm dịch; tăng cường khả năng vận động cơ thể và các cơ tham gia hô hấp; ngăn ngừa các biến chứng khác; ngăn chặn sự suy giảm thể chất và tinh thần. Mục tiêu dài hạn là phục hồi sức khỏe và các chức năng sinh hoạt hàng ngày, để bệnh nhân trở lại công việc và hòa nhập cộng đồng.

Các tin khác