Báo động gia tăng bệnh không lây nhiễm

(ĐTTCO) - Bệnh không lây nhiễm (KLN) được xem là một trong những vấn đề sức khỏe thời đại, khi số người mắc bệnh không ngừng gia tăng, để lại hậu quả nặng nề nhưng nhiều người dân vẫn chưa ý thức được mức độ nguy hiểm.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các triệu chứng, dấu hiệu của bệnh

Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các triệu chứng, dấu hiệu của bệnh

Bệnh diễn tiến âm thầm
Thời gian gần đây, chị Võ Minh Tâm (32 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) thường xuyên cảm thấy cơ thể mệt mỏi, sụt cân, da sạm đen… Đi khám, chị được bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu.

Kết quả, lượng đường trong máu của chị Tâm là 120mg/Dl, bác sĩ kết luận chị bị tiền đái tháo đường, nếu không điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, vận động thì sẽ chuyển sang đái tháo đường type 2.

Tương tự, 2 tháng nay, anh Nguyễn Mạnh Tuấn (45 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) luôn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn. Do hơi thừa cân và hay nhậu nhẹt nên anh Tuấn nghĩ mình mắc bệnh tiêu hóa. Tuy nhiên, sau khi đến bệnh viện, các bác sĩ đã chuyển anh sang khoa tim mạch để điều trị.  

Theo số liệu điều tra năm 2021 của Bộ Y tế, các bệnh KLN ở Việt Nam đang có sự gia tăng đáng báo động. Cụ thể, có khoảng 17 triệu người dân bị tăng huyết áp, chiếm 26,2% dân số. Đái tháo đường cũng chiếm tỷ lệ 7,06% dân số, tức là có 4,6 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Ước tính đến năm 2045, có 6,3 triệu người bị đái tháo đường và 7,9 triệu người bị tiền đái tháo đường.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chiếm 4,2% dân số và khoảng 354.000 người mắc bệnh ung thư. Như vậy, có khoảng 23 triệu người dân Việt Nam mắc bệnh KLN. Đặc biệt, các bệnh lý tim mạch đang có xu hướng tăng mạnh. Theo GS-TS-BS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ người dân mắc các bệnh tim mạch tăng lên, trong đó tăng nhiều nhất là tai biến mạch máu não và bệnh động mạch vành. 

Với việc gia tăng mắc các bệnh lý KNL, tình trạng tử vong, tàn tật và gánh nặng bệnh tật cũng đang trở nên đáng báo động. Thống kê cho thấy, số người tử vong do các bệnh KLN chiếm khoảng 81% tổng số các ca tử vong, tỷ lệ người dưới 70 tuổi tử vong do các bệnh KLN là 41,3%, gánh nặng bệnh tật do bệnh KLN chiếm khoảng 73,7%.

Thay đổi lối sống trước khi quá muộn

Các chuyên gia cho rằng, lối sống, thói quen sinh hoạt ảnh hưởng lớn đến sự gia tăng của các bệnh KLN. Đây là những bệnh cần điều trị suốt đời và theo dõi trong thời gian dài, điều này làm tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng. Các bệnh KLN phổ biến có chung 4 yếu tố nguy cơ, đó là hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý (như ăn thừa muối, dư béo, thiếu rau xanh…).

Một khảo sát toàn quốc về các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh KLN công bố năm 2020 cho thấy, 50,6% nam giới hút thuốc, 77% nam giới uống rượu bia. Tỷ lệ dân số thừa cân là 15,6%, và 18,9% dân số bị tăng huyết áp. Đáng chú ý, hầu hết nam giới tại Việt Nam có một nguy cơ và hơn một nửa có từ 2 nguy cơ trở lên. Những yếu tố nguy cơ này đa phần tập trung ở những người trẻ. Do đó, tỷ lệ mắc các bệnh KLN đang gia tăng báo động ở bệnh nhân trẻ. 

GS-TS-BS Nguyễn Lân Việt nhìn nhận, bệnh KLN thường là những căn bệnh diễn tiến âm thầm và không có nhiều dấu hiệu rõ ràng để người mắc có thể phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu hiểu đúng về bệnh, mỗi người có thể tự phòng tránh và biết được những nguy cơ để tầm soát từ sớm, hạn chế nguy cơ mắc phải cũng như giảm thiểu tàn tật và tử vong sớm do những căn bệnh này gây ra.

Để điều trị hiệu quả các bệnh không lây nhiễm, cần 2 yếu tố chính: đó là sự hiệu quả của các phương pháp điều trị và sự tuân thủ của người bệnh. Sau khi bệnh nhân điều trị ổn định những cơn đau cấp thì cần duy trì điều trị ở giai đoạn sau đó. Vì phải điều trị bệnh trong một thời gian dài, chi phí cao, do vậy bệnh nhân nên mua bảo hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình. 

Để phòng tránh sự xuất hiện của các bệnh KLN, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, như bỏ thuốc lá, tăng cường vận động thể lực, tích cực tham gia thể dục thể thao, hạn chế rượu bia và có chế độ ăn uống hợp lý... Trong đó, hạn chế muối, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ xào rán, đồ uống ngọt, có gas, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi… Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý KLN.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa có quyết định hỗ trợ TPHCM triển khai gói can thiệp thiết yếu về bệnh KLN trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của WHO, thông qua hệ thống y tế cộng đồng. Với cách làm này, trạm y tế phường, xã cùng với mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là nơi triển khai các hoạt động tầm soát, chăm sóc các bệnh KLN cho cộng đồng.

Các tin khác