Sức ép "Tăng trưởng xanh" với xuất khẩu nông sản vào EU

(ĐTTCO)-Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt con số kỷ lục 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Tuy nhiên, về thị trường xuất khẩu, tính đến hết tháng 11/2022, châu Á vẫn chiếm đến 44,7% thị phần, trong khi đó thị trường chất lượng cao và quan trọng như châu Âu chỉ chiếm 11,3% thị phần...
Sức ép "Tăng trưởng xanh" với xuất khẩu nông sản vào EU

Mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam đã tận dụng được nhiều lợi thế trong xuất khẩu nông sản sang châu Âu từ việc tham gia vào Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) nhưng kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này nhìn chung còn thấp. Một trong những nguyên nhân chính là thị trường Liên minh châu Âu (EU) có điều kiện, tiêu chuẩn rất cao về hàng hóa nông sản nhập khẩu.

Cụ thể, ngoài các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hiện EU đang thảo luận về một "Thỏa thuận Xanh" nhằm giảm sự rò rỉ các-bon do việc nhập khẩu nông sản từ các quốc gia có hệ thống sản xuất sử dụng nhiều các-bon. Do đó, việc tiếp cận thị trường EU của các quốc gia xuất khẩu nông sản chắc chắn sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn.

Tuy nhiên, hiện nay các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn chưa tiếp cận hiệu quả với các yêu cầu tăng trưởng xanh. Theo Báo cáo "Hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh ở Việt Nam" của Ngân hàng Thế giới (WB), thì nông nghiệp là một nhân tố lớn góp phần vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Đây là lĩnh vực phát thải cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia (vào năm 2020). Khoảng 48% lượng khí thải của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí mê-tan phát ra từ sản xuất lúa gạo.

Chính vì vậy, nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang EU, ngành nông nghiệp Việt Nam cần quan tâm hơn nữa về các chỉ số tăng trưởng xanh trên cơ sở xây dựng chính sách, lộ trình thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, khí mê-tan trong nông nghiệp phù hợp với cam kết quốc tế.

Theo Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, đến năm 2030, sẽ giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt hơn 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên hơn 30%; chuyển đổi 300.000ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn về kinh tế và môi trường; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt hơn 2% tổng diện tích đất trồng trọt; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2-3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước; mở rộng quy mô áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Để đạt được các mục tiêu này thì cần nhiều điều kiện, trong đó quan trọng nhất là chi phí cho nên đây là thời điểm cần tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng, phát triển nông nghiệp xanh. Bên cạnh đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái. Thực hiện chuyển đổi số và đổi mới công nghệ để sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Các tin khác