Sovico Group và HDBank ủng hộ 60 tỷ đồng chương trình vaccine phòng ngừa Covid-19

(ĐTTCO) - Sáng nay, 21-5, Bộ Y tế đã tiếp nhận 4 triệu liều vaccine cùng 160 tỷ đồng đầu tiên của 4 ngân hàng và 2 tập đoàn hỗ trợ cho Quỹ vaccine Covid-19.

Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận nguồn kinh phí 60 tỷ đồng mua vaccine phòng Covid-19 do ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank đại diện HDBank và Sovico trao tặng
Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận nguồn kinh phí 60 tỷ đồng mua vaccine phòng Covid-19 do ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank đại diện HDBank và Sovico trao tặng
Theo Bộ Y tế, khoảng hỗ trợ gồm số tiền tương đương 4 triệu liều vaccine Covid-19 do Tập đoàn Vingroup đóng góp, để Bộ Y tế mua vaccine tiêm cho người dân.
Tập đoàn Sovico và HDBank ủng hộ 60 tỷ đồng - tương đương 1 triệu liều vaccine.
4 ngân hàng thương mại lớn Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank thông qua vận động của Ngân hàng Nhà nước đóng góp tổng cộng 100 tỷ đồng - mỗi ngân hàng ủng hộ 25 tỷ đồng.
Thống đốc NHNN cho biết để chung tay phòng chống dịch Covid-19, từ đầu năm 2020, ngành NH đã có các nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng, NHNN và các NHTM tiếp tục hỗ trợ vào Quỹ mua vaccine Covid-19.  
Các ngân hàng cũng cam kết tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế, các lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ đã nỗ lực, cố gắng đàm phán với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng vaccine. Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán hơn 100 triệu liều, bao gồm 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều nhập từ AstraZeneca và 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Tuy nhiên, so với yêu cầu có đủ 150 triệu liều để tiêm cho 75% dân số, số lượng này vẫn thiếu,

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định nguồn hỗ trợ của các đơn vị rất quan trọng để tiếp cận mua vaccine, đảm bảo mọi người dân được tiêm ngừa. Bởi chỉ có vaccine mới có thể sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế.

Theo tính toán của Bộ Y tế, để mua 150 triệu liều vaccine Covid-19, kinh phí cần khoảng 25.200 tỷ đồng. Ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng. Trong đó, 21.000 tỷ đồng là phí vaccine, khoảng 4.200 tỷ cho vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm.

Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ phê duyệt việc thành lập Quỹ vaccine Covid-19 để huy động các nguồn tài trợ và đóng góp, bên cạnh ngân sách.

Từ đầu năm 2021, đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức tài trợ kinh phí mua vaccine Covid-19 để tiêm đại trà cho toàn dân, trong đó các ngân hàng cũng tài trợ hàng trăm tỷ đồng. 
Hôm qua, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản hỏa tốc về việc sử dụng kinh phí hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận, để mua vaccine Covid-19.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính,  hướng dẫn Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với sở tài chính địa phương, chuyển toàn bộ số kinh phí đã tiếp nhận ủng hộ (còn lại) vào ngân sách Nhà nước, để mua vaccine.
Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 ngày 8-3-2021. Theo Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã tiêm vaccine phòng đợt 1 và 2 cho 1.021.085 người. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 28.821 người.
Cũng trong ngày 21-5, Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin đợt 3 cho 63 tỉnh, thành phố và y tế công an, quân đội. Trong đó Hà Nội được phân bổ 71.000 liều, TPHCM 70.000 liều.

Các tin khác