Rửa tiền xuyên biên giới - “Đại dịch” của các nền kinh tế

(ĐTTCO) - Trong một sự kiện về tội phạm kinh tế bên lề hội nghị G20 tại Indonesia, tôi có dịp gặp lại những người bạn một thời cùng nhau làm việc trên các dự án phòng chống rửa tiền (PCRT) và tội phạm tài chính tại châu Âu.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
 Chúng tôi cùng nhau thảo luận về các thủ đoạn rửa tiền đã và đang xuất hiện trong giai đoạn sau đại dịch Covid, và đồng thuận với nhau dù mang bất cứ hình thái nào, rửa tiền có yếu tố xuyên biên giới đang là “đại dịch” của các nền kinh tế.
Các thủ đoạn rửa tiền tầm trung xuống sơ cấp
Rửa tiền, dù phức tạp hay sáng tạo đến quy mô nào, cũng cần trải qua 3 giai đoạn cơ bản: Che giấu nguồn gốc bất hợp pháp, chuyển đổi nguồn gốc bất hợp pháp thành hợp pháp, và đưa tiền “sạch” trở lại nền kinh tế.
Hiện nay, một số nước có quy định PCRT chặt chẽ làm giới tội phạm không thể rửa hoặc tiêu thụ tiền có nguồn gốc bất hợp pháp. Trong khi đó, một số quốc gia lại không có hoặc có rất ít những quy định này. Và đây chính là nơi để giới tội phạm tài chính thực hiện hành vi rửa tiền.
Theo cách làm truyền thống, hành vi rửa tiền xuyên biên giới được thực hiện là sử dụng số lượng lớn nhân lực để mang tiền mặt đến quốc gia mục tiêu. Tuy nhiên, cách làm này thường tốn thời gian và không xử lý được số lượng tiền lớn.
Trong những năm 90 và 2000, tiệm vàng và các tổ chức kinh doanh kim loại quý trở thành kênh rửa tiền ưa thích của giới tội phạm. Các chủ thể này thường có quan hệ với các đối tượng ở các quốc gia phát triển, những người có nhiều tiền mặt từ hoạt động trồng cần sa, buôn người và các hoạt động bất hợp pháp khác.
Để rửa khoản tiền lớn, các chủ thể sẽ tận dụng nhu cầu đổi tiền du học và công tác của cá nhân, nhu cầu mua sắm ngoại tệ nhỏ và trung bình của một số doanh nghiệp. Theo đó, thay vì chi trả ngoại tệ trực tiếp cho bên mua, các tiệm vàng chỉ đạo các đối tượng tại quốc gia mục tiêu giao ngoại tệ trực tiếp cho người thân hoặc đối tác của bên mua. 
Như vậy, giao dịch được thiết kế theo cách bên mua giao nội tệ cho các đối tượng là tiệm vàng và tổ chức kinh doanh kim loại quý, ở quốc gia mục tiêu, các đối tượng tội phạm giao ngoại tệ tiền mặt cho người thân hoặc đối tác của bên mua. Điều này về bản chất là 2 giao dịch nội địa diễn ra gần nhau và che giấu hoàn toàn bản chất rửa tiền xuyên biên giới. Tiệm vàng và các tổ chức kinh doanh kim loại quý thông qua các giao dịch kinh tế hợp pháp để chuyển nội tệ cho các bên liên quan của các đối tượng tội phạm nước ngoài đang sinh sống và làm việc trong nước.
Quy trình biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch” quy mô lớn
Đối với các giao dịch với quy mô tầm cỡ, việc sử dụng cá nhân, tiệm vàng hoặc công ty kinh doanh ngoại tệ, thường không hiệu quả và cũng không được thiết kế để tiến hành giao dịch quy mô lớn. Đây là tình huống các doanh nghiệp lớn, ngân hàng và đối tác xuyên biên giới trong các giao dịch kinh doanh chính thống được giới tội phạm lợi dụng, hoặc dựng lên để tiến hành các hành vi rửa tiền quy mô lớn.
Tôi đã từng được nghe nhiều trường hợp giới tội phạm tại Mexico tận dụng doanh nghiệp, ngân hàng và các giao dịch kinh tế hợp pháp để rửa tiền có nguồn gốc từ các hoạt động buôn bán thuốc phiện về Mỹ. Để thực hiện trót lọt các giao dịch này, giới tội phạm sẽ dựa vào nguyên tắc “mọi giao dịch đều là giao dịch nội địa” và “thông qua các thương vụ xuất nhập khẩu và đầu tư hợp pháp”, để chuyển đổi nguồn tiền bất hợp pháp thành nguồn tiền hợp pháp. Thủ đoạn rửa tiền sẽ diễn ra như sau:
Đầu tiên, một tội phạm Mexico mà tôi tạm gọi là Jose, sẽ tìm gặp và trao đổi về nhu cầu và quy mô nguồn tiền cần rửa với một doanh nhân, thường mang quốc tịch Mỹ và Mexico, mà tôi tạm gọi là Gonzalez. Trong xã hội Mexico, Gonzalez là doanh nhân thành đạt, đang điều hành nhiều doanh nghiệp hợp pháp và có quan hệ rộng rãi với giới chủ doanh nghiệp tại nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ.
Giai đoạn tiếp theo, Gonzalez sẽ liên hệ với doanh nhân Mỹ, mà tôi gọi là John, để dàn xếp giao dịch theo phương thức: sau khi Gonzalez nhận pê-sô bằng tiền mặt từ Jose, John sẽ thông qua doanh nghiệp Mỹ, gọi là công ty A của mình để chuyển USD sang tài khoản của một trung gian hoặc doanh nghiệp tại Mỹ, gọi là công ty B, do Jose chỉ định hoặc do Jose và Gonzalez dựng lên trước đây.
Sau đó, trung gian hoặc doanh nghiệp được chỉ định sẽ tiến hành giao dịch hoán đổi tiền tệ với một ngân hàng Mỹ, bao gồm một giao dịch mua pê-sô và bán USD giao ngay và một giao dịch mua USD và bán pê-sô có kỳ hạn. Pê-sô được mua giao ngay sẽ được thanh toán thông qua giao dịch nhập khẩu hoặc tư vấn hợp pháp cho một doanh nghiệp khác Jose sở hữu, nhưng không đứng tên trên giấy tờ, tại Mexcio, gọi là doanh nghiệp C.
Trong tương lai, doanh nghiệp thực hiện giao dịch hoán đổi ngoại tệ, tức công ty B, trong quá trình hoạt động kinh doanh bình thường, bao gồm hoạt động bán hàng của Mexico, sẽ thu về pê-sô và dàn xếp giao dịch kỳ hạn. 
Như vậy, thông qua 3 doanh nghiệp (A, B và C), ngân hàng và John, Jose đã rửa khoản tiền bất hợp pháp thông qua chuỗi giao dịch kinh tế hợp pháp, nội địa và diễn ra trong quá trình hoạt động kinh doanh bình thường trong nền kinh tế. Khoản tiền bất hợp pháp, về bản chất đã được Jose “trao tay” cho Gonzalez ngay tại giai đoạn đầu của quá trình rửa tiền.
Giao dịch này được giới chuyên môn PCRT đánh giá là dạng thức phức tạp và sáng tạo nhất trong các hành vi rửa tiền gần đây. Dạng thức này được phức tạp hóa và dàn xếp thành nhiều tầng lớp thông qua hệ thống sở hữu doanh nghiệp chồng chéo, các dịch vụ pháp lý về thành lập và sở hữu doanh nghiệp, sự pha trộn các dòng tiền từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (dòng tiền hoạt động) với phát hành trái phiếu và cổ phiếu (dòng tiền tài trợ), và lớp vỏ bọc “doanh nhân thành đạt” trong xã hội.

Bài học rút ra cho các quốc gia
PCRT là cuộc chiến cần sự chung tay giúp sức của các cơ quan chức năng, định chế tài chính và các ngành nghề trong xã hội. Bởi lẽ tội phạm tài chính thường xuyên sử dụng bình phong là các doanh nghiệp và doanh nhân hoạt động hợp pháp trong một nền kinh tế.
Tại các quốc gia phát triển, cơ chế giám sát và hợp tác, như cơ chế điều tra, thông báo giao dịch đáng nghi và chia sẻ thông tin dù còn nhiều hạn chế, đang phát huy vai trò nhất định trong công tác PCRT. Các cơ chế hợp tác vẫn đang được các quốc gia phát triển tiếp tục mở rộng và tinh chỉnh, để đạt được hiệu quả mong muốn trong việc thu thập thông tin trọng yếu cho việc phát hiện các hành vi rửa tiền và việc điều tra và truy tố các hành vi này.
Đối với các quốc gia đang phát triển, bước đầu tiên có thể học hỏi từ các quốc gia phát triển, là đánh giá đúng tình hình và thực hiễn trong nền kinh tế, sự chỉ đạo và lãnh đạo của chính phủ, sự chung tay hành động các ngành nghề kinh tế để phòng chống hành vi rửa tiền và tội phạm tài chính. 

Các tin khác