Tuyến buýt nhanh BRT: Hiệu quả không như kỳ vọng, để lại nhiều hệ lụy

(ĐTTCO)-Dù mang nhiều kỳ vọng “đột phá” cho vận tải hành khách công cộng Thủ đô, song sau gần 5 năm vận hành, khai thác, tuyến BRT 01 không chỉ bộc lộ hàng loạt sai phạm, lãng phí, đội giá, mà hiệu quả khai thác chỉ như buýt thường…
Tuyến buýt nhanh BRT: Hiệu quả không như kỳ vọng, để lại nhiều hệ lụy

Hàng ngày phải lưu thông trên trục Tố Hữu - Lê Văn Lương, ông Bùi Thanh Toàn, ở Thanh Xuân, Hà Nội luôn phải chật vật với quãng đường trùng với lộ trình tuyến buýt nhanh BRT 01 Bến xe Kim Mã- Yên Nghĩa.

Dù đi bằng xe máy, quãng đường chỉ cách chỗ làm hơn 5km, nhưng ông Toàn thường phải mất hơn 30 phút đi xe, vì tắc đường.

Ông Toàn cho biết thêm: "Tình trạng tắc đường hầu như ngày nào cũng xảy ra, cộng với tuyến đường BRT mà tôi thấy rất bất tiện và bất cập, nhất là đường đã hẹp rồi, mật độ thì đông, làn BRT lại chiếm rất nhiều diện tích, thành ra đường luôn luôn bị tắc".

Tương tự, chị Bùi Thu Trang, ở Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội cũng không chọn sử dụng tuyến BRT dù hàng ngày phải đi qua một đoạn trùng với lộ trình tuyến BRT 01, bởi ngoài việc đi bộ từ nhà ra bến xe Kim Mã, chị Trang còn phải đi thêm 1 chặng bằng xe ôm, khá bất tiện. 

'Thấy bất tiện vì BRT chỉ đi qua một số tuyến cố định, không đáp ứng hết nhu cầu của mọi người. Như em muốn đến Khuất Duy Tiến em lại phải đi ra đây rồi quay ngược lại', chị Trang chia sẻ.

Một số hành khách cũng bày tỏ, tuyến BRT chưa thực sự hiệu quả để người dân có thể từ bỏ phương tiện cá nhân:

'BRT nó chưa hiệu quả, thứ nhất nó phụ thuộc vào thời điểm người ta đi lại, thứ 2 khu vực này mức độ bệnh viện, trường học có đông hay không để người ta sử dụng'.

'Bởi vì nó không đồng bộ, có mỗi trục đường này nên không kết nối được. Đấy, nhánh xe con, xe này xe kia nó chen chúc nhau'.

Thực tế cho thấy, dù sản lượng hành khách năm sau đều cao hơn năm trước, nhưng đến nay, năm sản lượng nhất tốt nhất cũng chỉ đạt 5,5 triệu lượt khách, bình quân 42 khách/chuyến, chưa bằng một nửa công suất thiết kế.

Tốc độ vận hành chỉ cao hơn buýt thường 30%. Có được kết quả trên là do buýt BRT có một số ưu tiên đặc biệt so với xe buýt thường, bởi có làn đường dành riêng nên chạy được thông thoát, êm thuận…

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng sau gần 5 năm vận hành, khai thác, tuyến BRT 01 không những chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng, mà còn để lại nhiều hệ lụy.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN phân tích: ''Đường ông chiếm mất diện tích của nó, thế là bao nhiêu phương tiện phải đi tránh, thế nhưng có nhanh được đâu. rất lãng phí"

TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng UBATGTQG cũng cho rằng, BRT 01 đang đạt khoảng 1.000 hành khách/làn/giờ cao điểm, chỉ nhỉnh hơn một làn ô tô trong đô thị, nhưng chỉ bằng một nửa khi khai thác bằng xe máy.

Theo ông Minh, nếu để tuyến BRT như hiện nay, nó chỉ một loại xe buýt thường: "Không nên duy trì như hiện nay, mà buộc phải thực hiện một trong 2 hướng, hoặc là chuyển thành xe buýt thường, đó là bất đắc dĩ mà không ai muốn mà chúng ta cần có lộ trình và hướng cụ thể để khắc phục những bất cập hiện nay đối với xe buýt nhanh về trung chuyển, về làn, về kết nối, về chia sẻ thông tin, về tích hợp thẻ… để đưa BRT này lên một tầm cao mới với chất lượng dịch vụ khác hẳn xe buýt thường".

Các tin khác