Thiết lập trật tự thị trường tiền tệ, ngoại hối

“Không nhượng bộ”, “kiên quyết xử lý”… là những thông điệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phát đi trong những ngày gần đây để thực hiện mục tiêu lập lại trật tự trên thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

“Không nhượng bộ”, “kiên quyết xử lý”… là những thông điệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phát đi trong những ngày gần đây để thực hiện mục tiêu lập lại trật tự trên thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Thực tế NHNN đã bắt đầu có các giải pháp mạnh tay để thực hiện mục tiêu này. Những ngày đầu tháng 3, trước thông tin tái diễn tình trạng một số ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên 17-18%/năm, NHNN đã chỉ đạo kiểm tra ngay. Và sau đó, đã xử lý cảnh cáo với Ngân hàng TMCP Kiên Long và Ngân hàng TMCP Phương Tây vì vi phạm vượt trần lãi suất huy động (với mức lần lượt là 17,8%/năm và 15,7%/năm).

Không dừng lại đó, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư 02 yêu cầu các NHTM thực hiện lãi suất huy động không quá 14%, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Vẫn biết đây là biện pháp hành chính, nhưng là cần thiết trong lúc này, bởi với cách làm cũ thì khó ngăn cản được tình trạng vượt trần lãi suất. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, quan điểm của NHNN là sẽ xử lý mạnh tay với những ngân hàng cạnh tranh lãi suất huy động thiếu lành mạnh, không cho phép các tổ chức tín dụng tạo định hướng kỳ vọng lạm phát trong bối cảnh hiện nay. Đây là thời điểm khó khăn chung của cả nền kinh tế. Càng khó khăn các tổ chức tín dụng càng cần thể hiện rõ trách nhiệm chính trị của mình, hy sinh quyền lợi trong ngắn hạn để đạt được quyền lợi và sự ổn định trong dài hạn.

Bên cạnh điều hành tín dụng và lãi suất linh hoạt, hiệu quả, một trong những nhiệm vụ quan trọng của NHNN được nêu trong Nghị quyết 11 là phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng. Và đặc biệt nếu vi phạm sẽ bị “tịch thu tang vật” đã dẫn tới một chuyện lạ trên thị trường ngoại hối: Hầu hết các điểm thu đổi ngoại tệ lớn trên thị trường tự do đã ngừng giao dịch trong vài ngày qua. Diễn biến này cho thấy tình trạng nhiễu loạn tỷ giá thời gian qua trên thị trường tự do là có lý do từ hoạt động đầu cơ, làm giá.

Các điểm thu đổi ngoại tệ lớn hiện nay đều là đại lý chính thức của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đó dường như chỉ là cái áo khoác bên ngoài, còn bên trong là các giao dịch chợ đen. Thực tế có các giao dịch lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn USD với giá hoàn toàn khác với tỷ giá chính thức. Nạn đầu cơ, làm giá gây nhiễu loạn thị trường cũng từ đây mà ra. Vì thế, khi thông tin có đợt kiểm tra với các biện pháp xử lý kiên quyết, mạnh mẽ, các điểm thu đổi ngoại tệ - dù là đại lý chính thức, đã lập tức ngừng giao dịch, “án binh bất động” chờ thời.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng 2 tỷ giá, rất cần những biện pháp mạnh với sự tham gia của các ngành công an, quản lý thị trường. Việc cơ quan công an vừa bắt giữ, tịch thu gần 400.000USD trong vụ giao dịch mua bán ngoại tệ trái phép vào ngày 8-3 tại Hà Nội chắc chắn sẽ có tác động mạnh đến việc lập lại trật tự trên thị trường ngoại hối.

Các đại lý thu đổi ngoại tệ ra đời trong bối cảnh các NHTM được phép kinh doanh ngoại tệ không có đủ chi nhánh để giao dịch. Không thể phủ nhận hệ thống đại lý này đã tạo thuận tiện cho hoạt động thương mại-du lịch với nhu cầu nhỏ lẻ thời gian qua. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các nguồn lực tài chính quốc tế và sự buông lỏng quản lý nên hoạt động của thị trường ngoại tệ chợ đen ngày càng lấn át, chi phối thị trường ngoại hối chính thức, làm rối loạn thị trường và giảm hiệu quả điều hành của chính sách tiền tệ.

Đến nay, số lượng ngân hàng thương mại và mạng lưới chi nhánh đã tăng lên gấp nhiều lần, đủ sức đáp ứng các yêu cầu cung cấp các dịch vụ ngân hàng trên cả nước, kể cả cung cấp dịch vụ ngoại hối. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng đã đến lúc chấm dứt hoạt động của thị trường ngoại hối phi chính thức bằng việc tổ chức hệ thống các ngân hàng thương mại đảm đương việc cung cấp các dịch vụ ngoại hối cho tất cả các doanh nghiệp và người dân Việt Nam có nhu cầu chính đáng, kể cả nhu cầu tín dụng ngoại tệ và mua bán ngoại tệ. Việc này sẽ lành mạnh hóa thị trường ngoại hối, thiết lập kỷ cương thị trường, tránh cơn sốt bộc phát…

Các tin khác