TP.HCM sẽ phát triển nhiều tuyến xe buýt kết nối với Bến xe miền Đông mới

(ĐTTCO)-Bến xe miền Đông mới được tính toán sẽ kết nối với tuyến metro số 1, tuy nhiên việc tuyến metro này cùng nhiều tuyến đường xung quanh bị chậm tiến độ đã khiến bến xe mới không có sự kết nối đồng bộ.
Trong khi “xe dù, bến cóc” hoạt động sôi nổi bên ngoài, thì Bến xe miền Đông mới được đầu tư hiện đại lại khá vắng khách. (Ảnh: TTXVN phát)
Trong khi “xe dù, bến cóc” hoạt động sôi nổi bên ngoài, thì Bến xe miền Đông mới được đầu tư hiện đại lại khá vắng khách. (Ảnh: TTXVN phát)

Thành phố Hồ Chí Minh có 5 bến xe liên tỉnh đang hoạt động. Sản lượng thông qua bến xe bình quân ngày trong tháng 10 tại các bến xe chỉ đạt khoảng 43% so với bình quân trước dịch.

Bến xe miền Đông mới được đầu tư hiện đại nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Nguyên nhân một phần từ hạ tầng kết nối chưa đồng bộ và tình trạng "xe dù, bến cóc" trong nội đô vẫn còn nhiều.

Gỡ khó cho Bến xe miền Đông mới

Bến xe miền Đông mới được tiếp nhận tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ Bến xe miền Đông hiện hữu (bến xe cũ) theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 11/10/2020 và giai đoạn 2 từ ngày 11/10/2022.

Những ngày đầu tháng 11, tại Bến xe miền Đông mới lượng xe xuất bến khá thấp. Ngày 3/11, chỉ có 165 chuyến xe xuất bến với 2.066 hành khách, hụt 335 chuyến xe so với thực tế; ngày 5/11, bến xe có 172 chuyến xe xuất bến với 2.054 hành khách; ngày 6/11 có 175 chuyến xe xuất bến với 1.797 hành khách.

Ông Nguyễn Lâm Hải, phó giám đốc Bến xe miền Đông mới, cho biết một số doanh nghiệp vận tải không đưa phương tiện vào Bến miền Đông mới để hoạt động.

Lý do họ đưa ra là quãng đường kéo dài, nhà xe phải tổ chức thêm một số loại hình xe trung chuyển đến Bến xe miền Đông mới khiến chi phí tăng. Điều này dẫn đến tình trạng nhà xe đưa một số phương tiện vào trong nội đô để đón trả khách.

Theo ông Nguyễn Lâm Hải, để Bến xe miền Đông mới sau khi di dời đạt được các mục tiêu quy hoạch và ổn định phát triển thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải cần sớm xem xét, ban hành các quy định về vận chuyển hành khách trong nội đô.

Ví dụ như quy định về xe trung chuyển, hạn chế hoặc cấm các phương tiện liên tỉnh hoặc hợp đồng vào trong khu vực nội đô.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sau khi di dời 79 tuyến với hơn 1.600 xe từ Bến xe miền Đông cũ sang Bến xe miền Đông mới, trung bình mỗi ngày có gần 300 chuyến xe không hoạt động ở bến mới như kế hoạch.

Trong số này có khoảng 160 chuyến chuyển sang bến khác, còn lại 140 chuyến có thể ra ngoài chạy sai quy định.

Sở Giao thông Vận tải chỉ ra một số nguyên nhân là do thói quen đi lại của hành khách đến Bến xe miền Đông mới để lên xe chưa được hình thành; truyền thông, thông tin việc di dời chưa hiệu quả; việc trung chuyển hành khách đến bến xe mới làm tăng chi phí của các đơn vị vận tải. Do đó, lượng hành khách đến Bến xe miền Đông mới giảm so với lượng khách trước đây tại Bến xe miền Đông cũ.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết Bến xe miền Đông mới khi đầu tư được xác định theo mô hình TOD, tuy nhiên chưa có sự đồng bộ về hạ tầng khi triển khai.

Tính toán trước đây là năm 2020 tuyến metro số 1 đưa vào khai thác; các tuyến đường xung quanh như Hoàng Hữu Nam hoàn thành… Tuy nhiên, những dự án này bị chậm tiến độ nên khi Bến xe miền Đông mới đưa vào khai thác đã không có sự đồng bộ.

Về mặt hạ tầng, hiện thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ cầu vượt trước cổng bến xe (phấn đấu 2024 hoàn thành), đường Hoàng Hữu Nam, đường D4 hoàn thành 2023, trong khi tuyến metro số 1 dự kiến cuối năm 2023 đưa vào khai thác.

Sở Giao thông Vận tải sẽ phát triển hệ thống phương thức kết nối. Hiện đã có 7 tuyến xe buýt kết nối, từ cuối năm nay sẽ có thêm 2 tuyến và năm 2023 có 3 tuyến nữa kết nối với Bến xe miền Đông mới.

Theo Tiến sỹ Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về quy hoạch đô thị), để Bến xe miền Đông mới hoạt động hiệu quả, hạ tầng giao thông kết nối phải đồng bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm hoàn thành tuyến metro số 1, hạ tầng giao thông đường bộ trước Bến xe miền Đông mới và kết nối xe buýt với bến xe này. Hiện nay hạ tầng giao thông chưa hoàn thành thì hệ thống xe buýt cần kết nối nhiều hơn để thành một mạng lưới dày đặc. 

"Cần duy trì hệ thống xe trung chuyển từ bến xe cũ về bến xe mới liên tục, ổn định. Sở Giao thông Vận tải và chủ đầu tư cần tính toán có thêm nhiều điểm trung chuyển trong nội đô và một số điểm cụ thể khác để tạo sự kết nối và thuận tiện cho người dân," Tiến sỹ Ngô Viết Nam Sơn phân tích.

Bến xe miền Đông mới là đầu mối giao thông lớn, kết nối giữa metro số 1 với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ như Xa lộ Hà Nội, vành đai, cao tốc.

Đây là cửa ngõ phía Đông của thành phố, kết nối các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Bến xe hoạt động hiệu quả là mục tiêu được thành phố đặc biệt quan tâm. 

Giải pháp "thoát ế" cho các bến xe

Theo Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ Giao thông Vận tải công bố, Thành phố Hồ Chí Minh có 767 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đi và đến 57 tỉnh, thành phố; trong đó Bến xe miền Tây có 202 tuyến, Bến xe miền Đông 77 tuyến, Bến xe An Sương 118 tuyến, Bến xe Ngã tư Ga 178 tuyến và Bến xe miền Đông mới 192 tuyến. 

TP.HCM se phat trien nhieu tuyen xe buyt ket noi voi Ben xe mien Dong hinh anh 2
Hành khách đón xe buýt tại TP.HCM. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trên địa bàn thành phố có 58 đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh với 1.579 phương tiện; 1.351 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch với 90.835 phương tiện.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện nay, theo biểu đồ chạy xe của các đơn vị đang khai thác tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh tại các bến xe khách so với công suất khai thác của các bến đạt chưa đến 50%. 

Theo thống kê, sản lượng thông qua bến xe bình quân ngày từ ngày 11/10 đến 31/10/2022 (từ khi thực hiện di dời giai đoạn 2 về Bến xe miền Đông mới) tại các bến xe là 44.058 hành khách.

Sản lượng này đạt 94% so với ngày bình quân từ 11/9 đến 10/10/2022; đạt 43% với với bình quân trước dịch. Một thực tế được nhìn nhận là tình trạng "xe dù, bến cóc" cũng gia tăng từ 11/10.

Các doanh nghiệp vận tải chia sẻ do bến xe mới quá xa, hành khách ngại di chuyển nên khai thác tuyến không hiệu quả. Cũng từ nguyên nhân này, hiện các tuyến đường khu vực Quận 1, Quận 5, Bình Thạnh… thường xuyên diễn ra hoạt động "xe dù, bến cóc."

Để các bến xe hoạt động hiệu quả theo đúng quy hoạch, cùng với đồng bộ hạ tầng kết nối, việc dẹp nạn "xe dù, bến cóc" phải được đặt lên hàng đầu.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Sở đang rà soát điều chỉnh hoặc bổ sung vị trí lắp đặt một số camera giám sát tại các đoạn đường thường xuyên có tổ chức đón, trả khách không đúng quy định, phục vụ công tác xử phạt qua hình ảnh.

Sở cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận huyện và thành phố Thủ Đức cung cấp thông tin về camera quan sát đã được lắp đặt trên địa bàn quản lý để xem xét, chia sẻ quyền khai thác các camera hiện có.

Hiện Sở Giao thông Vận tải sẽ tham mưu thành phố ban hành chỉ thị về quản lý trật tự đô thị; trong đó có nội dung về trật tự lòng đường, vỉa hè và vấn đề đón trả khách không đúng quy định.

Chỉ thị phân định trách nhiệm rất cụ thể của Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải, đặc biệt là các quận, huyện. Cùng đó, Sở Giao thông Vận tải đang nghiên cứu vành đai và đề xuất phương án tổ chức hạn chế hoạt động của phương tiện trên 30 chỗ trong khu vực trung tâm thành phố.

"Có thể chúng ta sẽ áp dụng phương án hạn chế xe giường nằm vào nội đô ngay cuối năm nay. Điều này không chỉ để giải quyết cho Bến xe miền Đông mới mà từng bước phát triển giao thông công cộng đúng định hướng và hạn chế các phương tiện lớn vào sâu nội đô," Trần Quang Lâm chia sẻ.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc kiểm tra, xử lý "xe dù, bến cóc" của một số cơ quan, đơn vị và địa phương thời gian qua chưa duy trì thường xuyên.

Tình trạng xe hợp đồng và du lịch hoạt động đón trả khách không đúng quy định chỉ giảm khi có tổ chức kiểm tra; hoặc thay đổi địa bàn hoạt động khi có lực lượng kiểm tra và sau đó phát sinh trở lại.

Theo ông Đàm Phan Phát, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải  Thành phố Hồ Chí Minh, các ban ngành phải cùng nhau vào cuộc để xử lý tình trạng xe dù, bến cóc.

Ví dụ như tình trạng đón trả khách ở cây xăng, Thanh tra kiến nghị Sở Công Thương hỗ trợ; cùng đó các địa phương tăng cường kiểm tra bến bãi, vị trí bãi xe, đỗ xe.

Vừa qua, cảnh sát giao thông cùng thanh tra giao thông có kiến nghị với Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải tăng mức xử phạt trong nội thành đối với hoạt động vận tải hành khách không đúng quy định; thu hồi phù hiệu hoặc đình chỉ kinh doanh có thời hạn, nhằm răn đe mạnh đối với những hoạt động xe hợp đồng trá hình trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tin khác