Cao tốc Bắc-Nam: Thay ngay nhà thầu năng lực kém để đảm bảo tiến độ

(ĐTTCO)- Bộ GTVT đề nghị các đơn vị thi công phải hoàn thành các hạng mục công trình dự án cao tốc Bắc-Nam một cách tối ưu, đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình.
Nhiều dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam đang đối mặt nguy cơ chậm tiến độ do thiếu vật liệu.
Nhiều dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam đang đối mặt nguy cơ chậm tiến độ do thiếu vật liệu.

Bộ GTVT đang khẩn trương đôn đốc tiến độ tất cả các dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam, động viên các Ban quản lý dự án, các nhà thầu nỗ lực vừa thi công, vừa phòng chống dịch COVID-19 với chủ trương coi “mỗi công trường là một vùng xanh cần bảo vệ”.

Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu tại các gói thầu đang thi công, cần đánh giá, rà soát và thay thế các nhà thầu năng lực kém để đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án.

Nguy cơ chậm tiến độ do thiếu vật liệu

Theo báo cáo của Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình (Bộ GTVT) về tình hình triển khai thực hiện dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, hiện có 9 dự án đi qua địa bàn 11 tỉnh gặp vướng mắc về nguồn vật liệu đất đắp gồm: Mai Sơn - QL45 (Ninh Bình), QL45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa và Nghệ An), Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An và Hà Tĩnh), Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận), Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai).

Cụ thể, hiện các dự án này đang thiếu hụt khoảng 21,6 triệu m3 vật liệu đất đắp nền đường gồm: 14,4 triệu m3 tại các mỏ chưa được cấp phép khai thác và 7,2 triệu m3 nằm tại các mỏ đã cấp phép khai thác, nhưng do chưa giải phóng mặt bằng hoặc cự ly vận chuyển quá xa nên cần phải cấp phép bổ sung thêm các mỏ đất.

“Nếu không kịp thời tháo gỡ các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu đất đắp, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ chậm tiến độ. Đặc biệt là hai dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, có nguy cơ không hoàn thành vào tháng 12/2022”, đại diện Bộ GTVT cho biết.

Theo ông Lương Văn Long - Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - QL45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long - Bộ GTVT), dự án ông đang quản lý này cần khoảng 5,2 triệu m3 đất đắp và khoảng 1,8 triệu m3 cát. Hiện các mỏ vật liệu đã được chấp thuận để phục vụ dự án gồm 15 mỏ đất và 20 mỏ cát có trữ lượng cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Tuy nhiên vấn đề nảy sinh là công suất được phép khai thác của các mỏ lại quá thấp. “Đơn cử như mỏ đất Đồi Ao ở huyện Hà Trung, trữ lượng khai thác theo giấy phép là hơn 660.000 m3, nhưng công suất khai thác chỉ là 180.000 m3/năm”, ông Long nói.

Kiên quyết thay nhà thầu năng lực kém

Ngày 11/9, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ dẫn đầu đã đi kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa phận các tỉnh miền Trung trước mùa mưa bão.

Tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đến nay dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho đơn vị thi công 66,4/66,4 km, đạt 100%. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật hiện đang được tiến hành song song với thi công hiện trường.

Tuy nhiên, cũng có 2 gói thầu XL5, XL6 có sản lượng trung bình thấp, đang chậm so với tiến độ đề ra (ít hơn 40%). Nguyên nhân do hai gói thầu này có khối lượng đắp nền đường là chủ yếu và trước đây có khó khăn trong công tác tìm nguồn vật liệu đất đắp, hiện đã được Bộ GTVT và địa phương tháo gỡ cơ bản đảm bảo nguồn đất đắp.

Do còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh dự kiến lùi tiến độ hoàn thành của các gói thầu vào quý II/2022 và quý III/2022, riêng gói thầu XL8 hoàn thành vào 30/10/2022.

“Thời gian qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi khô ráo, hầu hết các đơn vị thi công đã nỗ lực, tăng ca để đảm bảo tiến độ thi công đã đề ra. Sản lượng xây lắp đến ngày 5/9/2021 đạt 61% giá trị xây lắp. Tất cả công nhân, lái máy trên công trường được phổ biến tuân thủ quy định "5K" để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19”, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết.

Ngoài những nguyên nhân chủ quan do nhà thầu, dự án còn gặp nhiều khó khăn như: Một số gói thầu phải tạm dừng thi công do điều chỉnh thiết kế cơ sở; ảnh hưởng của thời tiết bất thường (từ tháng 9/2020 - tháng 1/2021 trời mưa liên tục) và đợt mưa lũ lịch sử tháng 10-11/2020, công trường dừng thi công khoảng 4 tháng; mặt bằng "xôi đỗ" gây khó khăn cho công tác thi công, đặc biệt một số vị trí nằm trong khu vực xử lý đất yếu và chậm bàn giao mặt bằng khiến các hạng mục này hiện chậm khoảng 8-9 tháng; dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng tới việc huy động máy móc, thiết bị, nhân công. 

Để chuẩn bị các phương án ứng phó mưa bão tại công trường, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn các hạng mục trong mùa mưa lũ. Trong đó, các đơn vị thường xuyên cắt cử lực lượng, tổ chức kiểm tra để kịp thời phát hiện, khắc phục, xử lý và giải quyết tình huống, nhất là các điểm có nguy cơ sạt lở cao.

"Để đáp ứng tiến độ Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đề nghị Bộ GTVT cho phép Ban chủ động thực hiện các giải pháp mạnh như thay thế chỉ huy trưởng, điều chuyển một phần khối lượng của các nhà thầu có tiến độ triển khai chậm so với tiến độ yêu cầu cho các nhà thầu đáp ứng năng lực", đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nhân lực thi công dự án, Ban kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Bộ Y tế ưu tiên phân bổ nguồn vaccine cho lực lượng công nhân, lao động và chuyển về địa phương khu vực dự án để tiêm cho người lao động trên công trường.

Với khó khăn về nguồn vật liệu đá do các mỏ đá thuộc tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đang khan hiếm vì phải cung cấp đá cho nhiều công trình lớn trên địa bàn, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao phương án “vượt khó” mà Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và nhà thầu thực hiện khi vận chuyển đá từ Hà Nam bằng đường thủy.

Riêng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tất cả các Ban QLDA nói chung và Ban QLDA Hồ Chí Minh nói riêng, tuyệt đối không chủ quan vì "Bộ GTVT coi từng công trường là vùng xanh cần bảo vệ nghiêm ngặt 24/24h".

Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt người ra vào công trường, nhất là lái xe, người giao nhận, nhân công thời vụ, việc giao nhận hàng hóa, thực phẩm, vật liệu, vật tư. Các đơn vị tham gia dự án tuyệt đối hạn chế tiếp xúc với người ngoài và có biện pháp hạn chế tại công trường như: Yêu cầu lái xe không xuống khỏi cabin, công tác bốc xếp vật liệu xem xét giao cho lực lượng tại chỗ thực hiện; thiết lập tổ chức khu vực riêng để tiếp nhận hàng hóa và thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi lần giao nhận.

Các tin khác