Bao giờ Việt Nam có đường sắt cao tốc?

(ĐTTCO)-Sau hơn chục năm trầy trật, dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang có hy vọng sớm được hiện thực hóa sau khi Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.
Đường sắt VN đang cần cú hích để thoát khỏi tình trạng cũ kỹ, lạc hậu hiện nay
Đường sắt VN đang cần cú hích để thoát khỏi tình trạng cũ kỹ, lạc hậu hiện nay

Khởi công trước 2 đoạn vào năm 2025 - 2026?

Theo quyết định Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành đường sắt sẽ cải tạo nâng cấp các tuyến hiện có, nối thông tuyến liên vận quốc tế, chuẩn bị đầu tư và thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến mới. Trong đó, ưu tiên đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (2 đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và TP. HCM - Nha Trang) ngay trong giai đoạn 2021 - 2030.

Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) - đơn vị tham gia xây dựng quy hoạch, cho biết quy hoạch mạng lưới đường sắt vừa được Thủ tướng phê duyệt đã cân nhắc và rà soát kỹ các hành lang vận tải chính quốc gia và dự báo nhu cầu vận tải các tuyến đường sắt.

Dự báo đến năm 2030, khối lượng vận chuyển trên tuyến đường sắt Bắc - Nam khổ 1.000 mm hiện nay là 12 - 13 triệu hành khách/năm. Sau năm 2030, nếu có thêm 2 đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang thì có thể thu hút trên 32 triệu hành khách/năm; khối lượng hàng hóa từ 4,7 - 5 triệu tấn/năm.

Theo ông Mười, chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII. Theo đó, ngành giao thông phải tập trung chuẩn bị và thực hiện đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự kiến khởi công đoạn tuyến Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM vào năm 2025 - 2026 và khai thác vào năm 2033 - 2035.

Trong đề xuất của đơn vị tư vấn, về cơ bản hướng tuyến và quy mô xây dựng vẫn như các nghiên cứu trước đây, tuyến dài 1.545 km, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tốc độ khai thác lớn nhất đến 320 km/giờ. Phân kỳ đầu tư giai đoạn 1: xây dựng 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TP. HCM - Nha Trang, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 112.000 tỉ đồng.

Về nguồn lực, đơn vị tư vấn đề xuất với đường sắt tốc độ cao, nhà nước đầu tư, sở hữu và quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao. Đồng thời, huy động các doanh nghiệp đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và bảo dưỡng hạ tầng, trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho nhà nước. Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất toa xe, hệ thống thông tin để giảm giá thành.

Vốn đầu tư cho đường sắt vẫn dè dặt

Đường sắt an toàn hơn, ít khí thải hơn, nhưng lại đang yếu thế hơn. Việc lệ thuộc lớn vào đường bộ rất rủi ro khi xảy ra đứt gãy. Lâu nay nguyên nhân đường sắt yếu kém lạc hậu vì thiếu nguồn lực đầu tư, song thực tế nguồn vốn không phải không có, cái thiếu là sự quan tâm đúng mức.

TS Phan Lê Bình

Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 cho cả nâng cấp đường sắt cũ và đầu tư tuyến mới khoảng 24.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2026 đã được phê duyệt, vốn ngân sách dự kiến bố trí cho đường sắt chỉ hơn 15.900 tỉ đồng, chiếm khoảng 4,7% tổng nguồn vốn đầu tư công bố trí cho lĩnh vực giao thông (khoảng 336.475 tỉ đồng).

Năm 2021, nguồn vốn đầu tư dành cho kết cấu hạ tầng đường sắt được bố trí qua Bộ GTVT là 4.121 tỉ đồng trên tổng số gần 43.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 9,6% tổng vốn cho giao thông), nhưng hơn một nửa trong số này (2.821 tỉ đồng) chi cho công tác bảo trì hằng năm. Nguồn lực chủ yếu vẫn phân bổ cho các dự án hạ tầng đường bộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Như vậy, chỉ từ năm 2026 mới có sự tăng tốc nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng đường sắt, trong đó có đường sắt cao tốc.

Việc đặt mục tiêu 2025 - 2026 khởi công 2 đoạn tuyến đầu tiên đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thể hiện quyết tâm mạnh mẽ triển khai dự án này. Song để hiện thực hóa được, theo các chuyên gia, phải sớm làm rõ 2 vấn đề mấu chốt: nguồn vốn và phương án tốc độ lựa chọn.

Trên thực tế, dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng đã mất hơn 10 năm để chuẩn bị, nhưng tới nay vẫn chưa chính thức được Quốc hội thông qua về chủ trương. Dự thảo báo cáo mới nhất của Chính phủ trình Quốc hội về đầu tư hạ tầng đường sắt đã cho biết, việc chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt cao tốc từng trình Quốc hội năm 2010. Tuy nhiên, tại thời điểm này do còn nhiều ý kiến băn khoăn về sự cần thiết đầu tư, khả năng huy động nguồn lực, tác động của dự án đến nợ công… nên dự án chưa được Quốc hội thông qua.

Năm 2019, sau khi cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (Tờ trình số 1281/TTr-BGTVT ngày 14.2.2019). Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Hiện nay, Hội đồng thẩm định nhà nước đang lựa chọn tư vấn thẩm tra phục vụ công tác thẩm định. Theo quy trình, khi được hội đồng thông qua, Chính phủ sẽ xin ý kiến Quốc hội, nếu được Quốc hội phê duyệt thì dự kiến mất ít nhất vài năm hoàn tất các bước thủ tục theo quy định, trước khi có thể chính thức khởi công.

Theo TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao khả thi hay không phụ thuộc rất lớn vào định hướng quốc gia với đường sắt. Tới 80 - 90% đầu tư công trong lĩnh vực giao thông vẫn đang dành cho đường bộ, phần của đường sắt quá ít ỏi, nên thị phần vận tải hành khách và hàng hóa mà lĩnh vực này đảm nhận cũng rất khiêm tốn, chỉ 1 - 3%. Phương án ưu tiên giữ lại tuyến cũ, cải tạo nâng cấp tuyến cũ khổ 1.000 mm để chở hàng và đầu tư tuyến mới khổ 1.435 mm tốc độ cao để chở khách.

“Nguồn vốn đầu tư cho đường sắt rất lớn, nhưng hoàn toàn nằm trong phạm vi có thể điều tiết của nhà nước. Ngay cả mục tiêu tới năm 2025 - 2026 khởi công đoạn tuyến đầu tiên cũng hoàn toàn khả thi, nếu dự án sớm được phê duyệt”, ông Bình nói.

“Chốt” bàn giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước 10.11

Hôm qua (27.10), Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì buổi làm việc với Bộ GTVT về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của bộ này, trong đó có việc triển khai các dự án trọng điểm, hệ thống thu phí điện tử không dừng, các dự án BOT…

Kết luận cuộc làm việc, liên quan tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành các công đoạn còn lại, bàn giao cho TP.Hà Nội trước ngày 10.11.2021 để đưa vào khai thác, sử dụng; đồng thời hỗ trợ Hà Nội, TP.HCM đẩy nhanh tiến độ, triển khai mới thêm các tuyến đường sắt đô thị, phấn đấu từ nay đến 2025 có thể khánh thành, đưa vào sử dụng thêm một số tuyến. Cùng với đó, Phó thủ tướng cũng nhắc Bộ GTVT thúc đẩy dự án sân bay Long Thành để có thể khánh thành vào năm 2025 như mục tiêu đề ra.

Về vấn đề thu phí không dừng, Phó thủ tướng yêu cầu từ nay đến hết tháng 11 tới hoàn thành ký hợp đồng, chọn được nhà thầu 14 tuyến chưa lắp đặt, phấn đấu đến tháng 3.2022, lắp xong toàn bộ tất cả các trạm trên hệ thống đường cao tốc toàn quốc. Phó thủ tướng cũng lưu ý Bộ GTVT cần đặc biệt quan tâm đến giai đoạn 2 của dự án Cao tốc Bắc - Nam phía đông với chiều dài khoảng 750 km. Theo đó, cần rút kinh nghiệm trong triển khai các đoạn tuyến giai đoạn 2017 - 2021 trong công tác mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu. Đồng thời, cần đưa rõ mốc hoàn thành dự án như một tiêu chí trong hồ sơ mời thầu; chủ động ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào công tác tư vấn, thiết kế, chuẩn bị đầu tư để rút ngắn công đoạn này. Mục tiêu là phải khởi công toàn tuyến trước 31.12.2022, để hoàn thành trước tháng 6.2025.

Các tin khác