11.700 tỷ đồng để xử lý bất cập 8 dự án BOT giao thông

(ĐTTCO)-Một số dự án BOT giao thông sau khi đưa vào khai thác, tổ chức thu phí hoàn vốn đã phát sinh những vướng mắc, bất cập dẫn đến việc chưa được thu phí hoặc đã thu phí nhưng bị sụt giảm doanh thu.
11.700 tỷ đồng để xử lý bất cập 8 dự án BOT giao thông

Bộ Giao thông Vận tải vừa thực hiện rà soát tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, qua đó phát hiện 8 dự án BOT cần xử lý bất cập gồm: Trạm thu phí La Sơn-Túy Loan (dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả); trạm thu phí Bỉm Sơn (hoàn vốn cho đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa đoạn Km0-Km6); trạm thu phí Km1747 (dự án BOT đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148-Km1763+610); trạm thu phí T2 (dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14-Km50+889).

Trạm thu phí Quốc lộ 3 (dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100); trạm thu phí cầu Thái Hà (dự án BOT đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình); dự án BOT Quốc lộ 26; dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT.

Nhìn nhận tại 8 dự án BOT trên, phía Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc chưa được thu phí hoặc đã thu phí nhưng bị sụt giảm doanh thu chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, không thể lường trước (như là sự kiện bất khả kháng) hoặc do thay đổi chính sách pháp luật từ phía cơ quan Nhà nước.

Theo các quy định tại hợp đồng dự án BOT, trường hợp xảy ra tình huống bất khả kháng làm ảnh hưởng đến việc thu phí hoặc doanh thu thu phí, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền để hỗ trợ cho nhà đầu tư đảm bảo việc thu hồi vốn và lợi nhuận theo hợp đồng và thanh toán, bồi thường các khoản chi phí do nhà đầu tư đã thực hiện, được xác định thông qua kiểm toán.

“Nếu xét về giải pháp tổng thể để xử lý vướng mắc, bất cập tại các dự án BOT trên cần bố trí vốn ngân sách Nhà nước khoảng 11.710 tỷ đồng,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Đối với vốn Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, hiện nay, Luật Đầu tư công không có quy định cho phép bố trí vốn đầu tư công để thanh toán cho nhà đầu tư khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Do vậy, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết để có cơ sở thực hiện cần phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến cuối năm 2021, cả nước đã huy động khoảng 706.000 tỷ đồng đầu tư 222 dự án hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công-tư (PPP) trong đó các dự án đầu tư theo hình thức BOT chiếm khoảng 53,6% (119 dự án với tổng vốn hơn 388.000 tỷ đồng).

Từ năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, đánh giá bất cập và lựa chọn giải pháp xử lý phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trạm thu phí.

Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã xử lý vướng mắc, bất cập tại 14 trạm thu phí có vướng mắc, bất cập; các trạm thu phí sau khi xử lý vướng mắc đã nhận được sự đồng thuận của người sử dụng dịch vụ, tình hình an ninh trật tự an toàn giao thông đã được bảo đảm, công tác thu phí hoàn vốn cơ bản ổn định.

Bộ Giao thông Vận tải giao Vụ đối tác công-tư trong tháng 5/2022 phải có báo cáo chi tiết các trạm BOT để trình Thủ tướng Chính phủ để thống nhất giải pháp tháo gỡ, xử lý.

Các tin khác