Quản trị công ty trong kỷ nguyên mới

(ĐTTCO) - Nhiều vụ việc tranh chấp nội bộ gần đây trong nhiều ngành nghề từ sản xuất kinh doanh, bất động sản đến tài chính, đều có nguyên nhân rất lớn từ quản trị doanh nghiệp (DN) yếu kém. Chính vì thiếu khung khổ quản trị tốt đã gây mâu thuẫn, tranh chấp làm suy yếu hoạt động của DN. Tuy nhiên, quản trị DN tốt không chỉ là khung khổ pháp lý, mà phải thực hành tốt quản trị.
Quản trị công ty trong kỷ nguyên mới

Then chốt phát triển DN bền vững

Nhận thức về lợi ích của quản trị công ty (QTCT) tốt ở nước ta đang dần được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện chưa có nhiều DN chú ý đúng mức, nhận thức về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của quản trị tốt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. QTCT tốt không chỉ trực tiếp mang lại lợi ích cho DN, còn là yếu tố then chốt trong phát triển bền vững của DN.

Bởi QTCT yếu kém dẫn đến không kiểm soát được xung đột lợi ích, cổ đông lớn chi phối toàn bộ hoạt động của công ty và bộ máy quản trị, quản lý bị vô hiệu, dẫn đến hoạt động kinh doanh nhiều rủi ro, thiếu bền vững; cổ đông nhỏ bị lạm dụng và chiếm đoạt lợi ích… dẫn đến sụp đổ DN.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) gần đây nhấn mạnh, QTCT tốt và thị trường tài chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phục hồi kinh tế, thoát ra khỏi khủng hoảng Covid-19.

Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đã phát hành cuốn cẩm nang hành động dành cho HĐQT với tiêu đề “Vượt qua khủng hoảng”. Theo đó, QTCT tốt là cách để ứng phó tốt với khủng hoảng và đi lên, bởi bản chất của QTCT đã bao gồm hệ thống quản lý và ứng phó với rủi ro.

Bước tiến khung pháp lý QTCT

2 nội dung quan trọng nhất của Luật DN là gia nhập thị trường và QTCT. Luật DN năm 1999 đã tạo ra cải cách đột phá gia nhập thị trường, và thay đổi tư duy theo nguyên tắc người dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, trái ngược với nguyên tắc trước đó người dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Luật DN trong những lần sửa đổi tiếp theo đã mở rộng quyền tự do kinh doanh và đơn giản hóa thành lập DN.

Về QTCT, Luật DN 2014 mới bắt đầu đánh dấu thay đổi mạnh mẽ, khi xây dựng khung pháp lý về quản trị DN cập nhật với thông lệ quốc tế tốt, nhằm đảm bảo an toàn, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, đặc biệt là cổ đông thiểu số.

Khi Luật DN 2014 có hiệu lực, Ngân hàng Thế giới (WB) đã ghi nhận Việt Nam ở vị trí xếp hạng 87/190 quốc gia về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư, tăng 90 hạng so với trước khi Luật DN 2014 có hiệu lực (năm 2013, WB xếp hạng Việt Nam ở 169/190 quốc gia về chỉ số bảo vệ nhà đầu tư).

Luật DN 2020 được thông qua với mục tiêu nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của DN; thúc đẩy quản trị DN đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc.

Cùng với đó, Luật Chứng khoán cũng được hoàn thiện nội dung về quản trị DN. Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung thêm quy định về QTCT đại chúng và công ty niêm yết theo nguyên tắc của thông lệ quốc tế, với một số chuẩn mực quản trị cao hơn so với Luật DN.

Có thể nói, trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về QTCT, hướng tới tiệm cận chuẩn mực QTCT tốt theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế tốt.

Hình dưới đây cho thấy bước tiến mạnh mẽ về pháp lý đối với QTCT thông qua chỉ số "bảo vệ nhà đầu tư" ở nước ta giai đoạn 2000-2020.

Khoảng cách giữa pháp lý và thực hành QTCT tốt

Thực tế, mức độ quản trị không đồng đều giữa các DN khác nhau và trong cùng loại DN. Đó là khác biệt về mức độ quản trị tốt giữa công ty niêm yết, đại chúng và công ty khác và có sự chênh lệch lớn giữa các DN niêm yết. Thậm chí, khoảng cách giữa thực tiễn thực hành QTCT so với yêu cầu của pháp luật.

Theo Báo cáo đánh giá QTCT các DN niêm yết, cho thấy nhiều DN chưa đáp ứng được yêu cầu tuân thủ pháp luật, trong khi việc áp dụng thực tiễn quốc tế rất hạn chế. Báo cáo cũng cho thấy năm 2020 trung bình các DN chỉ đạt 59% điểm cho phần “Tuân thủ”.

Khoảng cách giữa luật và thực tiễn quản trị thể hiện rất rõ khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực. Theo Báo cáo kinh doanh của WB, so sánh về khung khổ pháp lý, Việt Nam tương tương với Indonesia và cao hơn Philippines. Tuy nhiên, theo Báo cáo thẻ điểm quản trị ASEAN, mức độ QTCT trên thực tế của nước ta thấp nhất.

Về pháp lý, Luật DN và Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, là bước tiến pháp lý lớn trong nâng cao khung khổ quản trị theo nguyên tắc và thông lệ quản trị tốt khu vực và thế giới. Lợi ích và yêu cầu của QTCT tốt đã có nhiều minh chứng rõ ràng, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển bền vững của DN trong kỷ nguyên tới.

Tuy nhiên, làm thế nào để biến khung pháp lý tốt thành quản trị DN tốt trên thực tiễn, vẫn là thách thức lớn. Thực tiễn gần đây cho thấy tình trạng phổ biến nhằm đối phó, tuân thủ các yêu cầu quy phạm nhiều hơn là tự nguyện cam kết nâng cao quản trị vì chính lợi ích của DN.

Nói cách khác, việc nâng cao chất lượng QTCT và thúc đẩy thực hành QTCT tốt là thách thức cho nước ta và cần nhiều nỗ lực hơn nữa, đảm bảo các DN thực hành một cách thực chất các hoạt động quản trị tốt, bên cạnh các quy định luật pháp tốt.

Các tin khác