TPB có tạo sức hút ngày chào sàn?

(ĐTTCO) - Hôm nay (19-4), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) sẽ đưa 555 triệu CP lên niêm yết tại sàn HOSE với mã TPB. 
Với mức giá chào sàn lên đến 32.000 đồng/CP, TPB được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận NĐT do giá chào sàn cao, trong khi NH vẫn đang “gồng gánh” khoản nợ xấu từ năm 2011.
Chưa hấp dẫn trong ngắn hạn
TPB được thành lập tháng 5-2008, với vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng. Sau gần 10 năm hoạt động, vốn điều lệ hiện tại của TPB là 5.842 tỷ đồng. Như vậy, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 32.000 đồng/CP, vốn hóa thị trường của TPB ước đạt 17.760 tỷ đồng và trở thành NH có vốn hóa lớn thứ 8 trên TTCK. 
Tính đến 31-3, TPB có 3 cổ đông lớn gồm: CTCP Tập đoàn FPT (FPT) nắm giữ 8,68%, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI sở hữu 7,6% và Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR) sở hữu 5,14%. Trong đó FPT và VNR chính là 2 trong số 6 cổ đông sáng lập của TPB.
Ngoài ra, trong danh sách cổ đông sáng lập còn có ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, sở hữu 1,1 triệu cổ phần. Theo báo cáo tài chính năm 2017, TPB đạt 1.206 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 70,5% và vượt 54,5% kế hoạch), tổng tài sản đạt 124.119 tỷ đồng. 
Dù ghi nhận được những kết quả tương đối khả quan, nhưng TPB vẫn chưa thể khiến cổ đông yên tâm, nhất là hoạt động xử lý khoản lỗ lũy kế từ năm 2011. Trở lại cách đây 6 năm, thời điểm hệ thống NH gặp sóng gió, TPB bị xếp vào nhóm NH yếu cần tái cơ cấu với mức lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng năm 2011.
Hoạt động kinh doanh kém hiệu quả năm 2011 dẫn đến hậu quả lỗ lũy kế và thặng dư vốn âm kéo dài. Đến năm 2012, TPB phải tăng vốn điều lệ thông qua phát hành mới với giá 4.500 đồng/CP, khiến NH ghi nhận thặng dư âm vốn chủ sở hữu 1.020 tỷ đồng trong năm 2012.
Vì vậy, lợi nhuận sau thuế giữ lại của TPB trong giai đoạn 2012-2018 phải sử dụng để bù đắp khoản lỗ trên (khoảng 1.250 tỷ đồng). Do đó, hầu hết các chỉ tiêu tài chính cũng như tỷ suất sinh lời của TPB không được khả quan so các NH cùng nhóm khác như: tỷ lệ đòn bẩy cao, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp.
Sau khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2011-2012 và khó khăn của một số doanh nghiệp nhà nước lớn, mô hình NH bán lẻ trở thành động lực tăng trưởng mới nhưng đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Trước sự cạnh tranh gay gắt của mảng kinh doanh này, TPB đã lựa chọn sự phát triển khác biệt so với các NH cùng tham gia mảng bán lẻ khác. Đó là phát triển NH số để tiếp cận lực lượng khách hàng trẻ. Với lợi thế công nghệ từ cổ đông sáng lập là FPT, TPB đã đẩy mạnh khi phát triển mảng NH số theo hướng chú trọng xây dựng hệ thống lõi NH. 
TPB có tạo sức hút ngày chào sàn? ảnh 1 Liệu TPB có tạo sức bật khi lên sàn như VPB và HDB.
Hiện tại, TPB đã gần như có đầy đủ sản phẩm của một NH số là: LiveBank 24/24 (50 máy đến cuối năm 2017), phương thức thanh toán dựa trên QRCode (QPAY), Ebank, Savy (tiết kiệm online dành cho giới trẻ). Các ứng dụng online này sẽ giúp TPB tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng dễ dàng hơn, đặc biệt là những khách hàng ưa thích sử dụng công nghệ.
Tuy nhiên, theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), dù đánh giá cao chiến lược của TPB nhằm cạnh tranh với đối thủ, nhưng lĩnh vực NH số là một chiến lược dài hạn và khó có khả năng mang lại kết quả tích cực ngay trong ngắn hạn.

Định giá quá cao?
Năm 2018, TPB đặt mục tiêu lãi trước thuế 2.200 tỷ đồng (tăng 82,42%), tổng cộng tài sản đạt 141.987 tỷ đồng (tăng 14,4%), tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Tính đến hết quý I, TPB đạt hơn 513 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 2,4 lần so với cùng kỳ 2017). Dù ghi nhận được kết quả khá mỹ mãn trong quý đầu tiên, nhưng theo nhận định của giới phân tích, kế hoạch này là tương đối thách thức trong bối cảnh hầu hết thu nhập của NH đến từ thu nhập lãi ròng (chiếm tỷ lệ 88% tổng doanh thu trong năm 2017). 
Theo CTCK KIS Việt Nam (KIS), việc phụ thuộc quá nhiều vào thu nhập lãi ròng đẩy TPB vào tình thế khá rủi ro nếu biến động lãi suất tăng cao. Trong khi đó, theo VDSC, mặc dù tỷ lệ dư nợ bán lẻ của TPB đã tăng dần trong các năm qua, NIM của NH vẫn còn khá thấp so với các NH định hướng bán lẻ khác.
Ngoài ra, thu nhập dịch vụ của TPB cũng khó có thể tăng trưởng đột biến (trừ khi có khoản thu nhập đột biến) trong năm 2018, qua đó giúp tổng thu nhập của NH tăng trưởng mạnh mẽ.
Phát biểu tại buỗi lễ roadshow mới đây, đại diện của TPB cho biết NH đi đến bước cuối cùng hoàn tất việc phát hành 15% cổ phần trong năm 2018. Dựa trên tài liệu cổ đông, ước tính giá phát hành bình quân khoảng 25.000 đồng/CP và nguồn thặng dư từ đợt phát hành này sẽ được chia cho cổ đông hiện hữu dưới dạng CP thưởng.
Với mức giá niêm yết dự kiến 32.000 đồng/CP, mức P/B 2018 (giả định phát hành thành công) vào khoảng 2,3x, mức không hấp dẫn nếu so với các NH đang niêm yết. 
Cụ thể, P/B của NHTMCP Công thương Việt Nam (CTG) 2x, NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB) 1,3x, NHTMCP Kiên Long (KLB) 1x, NHTMCP Quân đội (MBB) 2,1x, NHTMCP Quốc dân (NVB) 0,9x, NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) 1x, NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) 2,1x.

Các tin khác