Nỗ lực tận dụng cơ hội và dư địa từ EVFTA

(ĐTTCO)-Qua hơn hai năm triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), kỳ vọng về sự tăng trưởng cho hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất khẩu sang EU đã có những tín hiệu tích cực. Mặc dù EVFTA được thực thi vào thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp không chỉ ở Việt Nam, EU và trên toàn thế giới, nhưng trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu sang EU nói riêng vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty cổ phần Giày Hồng An, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình. (Ảnh TRẦN VIỆT)
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty cổ phần Giày Hồng An, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình. (Ảnh TRẦN VIỆT)

Theo Bộ Công thương, trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so giai đoạn cùng kỳ và sang năm thứ hai đạt 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9%. 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 57 tỷ USD, tăng 14%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21% so cùng kỳ. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may (tăng 24%), giày dép (tăng 19%), thủy sản (tăng 41%),…

Doanh nghiệp tận dụng cơ hội

Trước khi có EVFTA, gạo Việt Nam cũng đã xuất khẩu đi châu Âu nhưng phải chịu mức thuế rất cao từ 5-45% tùy theo từng quốc gia thành viên nhập khẩu. Chính vì vậy, gạo Việt Nam lúc đó rất khó cạnh tranh lại với gạo của những quốc gia khác như Campuchia, Myanmar,… vì đây được coi là những nước nghèo, dù không có hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng vẫn được EU đặc cách miễn thuế nhập khẩu. Riêng gạo Thái Lan dù cũng bị đánh thuế, nhưng vì có thương hiệu mạnh và lâu năm nên người tiêu dùng châu Âu rất tin dùng. Cho đến khi EVFTA đi vào thực thi, các doanh nghiệp ngành gạo Việt Nam mới có cơ hội cạnh tranh với các nước nêu trên.

Giám đốc kinh doanh-xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, mọi chuyện đã thay đổi từ sau EVFTA, gạo Việt Nam với hạn ngạch 80 nghìn tấn được miễn thuế 0% đã tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu. Để tận dụng được cơ hội này, Tập đoàn đã củng cố lại các khâu sản xuất, tăng diện tích vùng trồng, tăng cường kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu theo tiêu chuẩn EU để gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu. Nhờ vậy, Lộc Trời đơn vị đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu gạo đi EU hưởng ưu đãi của EVFTA.

Bên cạnh đó, nếu như năm 2018, Tập đoàn chỉ xuất khẩu sang EU được 2.200 tấn gạo thì sang năm 2019 đã tăng lên 8.000 nghìn tấn; năm 2020 là 11 nghìn tấn, năm 2021 là 12 nghìn tấn và năm 2022 đạt khoảng 25 nghìn tấn. EVFTA đã giúp sản lượng xuất khẩu của Tập đoàn vào EU tăng rất nhanh. Quan trọng hơn, đây cũng là thời cơ thích hợp để Lộc Trời xây dựng thương hiệu quốc tế riêng cho doanh nghiệp.

Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, từ khi EVFTA có hiệu lực, sự quan tâm của khách hàng EU đối với mặt hàng rau quả của công ty đã tăng 30-40%, trong đó có rất nhiều khách hàng trước đây chủ yếu nhập của Thái Lan hay một số nước khác. Tận dụng cơ hội này, đơn vị đã thành công đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như dừa, bưởi, thanh long,... vào EU.

Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh đánh giá, một điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu sang EU là tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 đạt khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 244% so cùng kỳ năm 2020. Riêng 10 tháng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi là 25,1%, tăng hơn 30% so cùng kỳ năm 2021.

Những kết quả tích cực nêu trên cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối hiệu quả các cơ hội từ EVFTA. Theo khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp-Thương mại Việt Nam (VCCI), có bốn trong số 10 doanh nghiệp Việt Nam đã từng hưởng lợi từ EVFTA.

Nỗ lực hơn

Cũng theo Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh, dù đã đạt được những thành công đáng khích lệ, nhưng đây mới chỉ là bước đầu. Thực tế, kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng trưởng nhưng tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước còn khiêm tốn và tăng không đáng kể. Năm 2020, xuất khẩu sang EU đạt 35,1 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2021, lần lượt là 40,12 tỷ USD, chiếm 11,9%; 11 tháng năm 2022, đạt 43,4 tỷ USD, chiếm 12,69%.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng dù có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao từ EVFTA như thủy sản, rau quả,… nhưng giá trị xuất khẩu còn khiêm tốn. Thí dụ, năm 2021, rau quả có tỷ lệ tận dụng là 66,7%, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 0,15 tỷ USD, chiếm 0,35% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU; thủy sản có tỷ lệ tận dụng là 76,9%, nhưng kim ngạch xuất khẩu là 1,1 tỷ USD, chiếm 2,7% tổng kim ngạch; gạo tỷ lệ tận dụng là 193%, giá trị xuất khẩu là 0,019 tỷ USD, chiếm 0,04%;…

Nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam dù hiện diện tại EU nhưng số lượng còn tương đối khiêm tốn. Do đó, mô hình và cách làm của các thương hiệu như Lộc Trời, Trung An, cà phê Vĩnh Hiệp, hạt tiêu Khương Sinh… cần được chia sẻ, nhân rộng.

Phó Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Ngô Chung Khanh cảnh báo việc chúng ta đang mất dần lợi thế từ EVFTA bởi nhiều quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia,… cũng đang khởi động FTA với EU.

"Kinh nghiệm cho thấy việc đàm phán một FTA thường kéo dài từ ba đến 5 năm, do đó còn nhiều cơ hội từ thị trường EU nhưng thời gian cũng không còn dài. Chính vì vậy, trong 5 năm tới, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi thế của người đi trước để phát triển hiệu quả", Phó Vụ trưởng Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi, nắm bắt tốt hơn cơ hội từ EVFTA, Bộ Công thương sẽ tập trung nhiều giải pháp cụ thể như triển khai tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tận dụng FTA, thúc đẩy kết nối,… Đồng thời, Bộ sẽ đổi mới các hình thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội, xây dựng các video ngắn, tập trung sâu hơn vào các khóa tập huấn, hội thảo ngắn với chuyên đề thiết thực cho doanh nghiệp, nhất là đối với các lãnh đạo, chủ doanh nghiệp.

Riêng với ngành gạo, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, dư địa của thị trường EU còn rất lớn. Cụ thể, mỗi năm EU nhập từ hai đến ba triệu tấn gạo, nhưng Việt Nam mới chỉ xuất được khoảng 3% trong số này. Tiềm năng còn nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn, nhất là trong việc đạt tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu gạo đi EU phải rất nỗ lực và tâm huyết, phải xây dựng được chuỗi giá trị bền vững từ khâu giống, phân bón, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới có hạt gạo đạt tiêu chuẩn để xuất đi EU. Trong quá trình đó, chỉ một lô hàng vi phạm các quy định, bị đưa vào "danh sách đen", doanh nghiệp sẽ hoàn toàn mất đường xuất khẩu sang châu Âu.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình chia sẻ thêm, Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp lớn về xuất khẩu gạo. Gạo Việt Nam cũng luôn xuất khẩu sản lượng lớn đứng thứ 2 hoặc thứ 3 thế giới, nhưng giá trị không cao và đầu ra cũng bấp bênh, thậm chí có năm phải "giải cứu".

Trong khi đó, gạo sạch, an toàn lại thường xuyên không đủ để cung ứng cho các thị trường cao cấp như EU. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nên chọn lọc sản phẩm, phân khúc, thị trường theo khả năng và quy mô liên kết của mình, nhất là cần thay đổi tư duy sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng chứ không chỉ bán những gì sẵn có.

Các tin khác