Những sự kiện chứng khoán 2022

(ĐTTCO) - Tiếp nối năm 2021 thăng hoa, thị trường chứng khoán (TTCK) khởi đầu năm 2022 với số điểm cao nhất trong lịch sử. Thế nhưng, loạt biến cố trong và ngoài nước xảy ra sau đó khiến TTCK kết thúc năm trong sự hoảng loạn của nhà đầu tư (NĐT). ĐTTC tổng hợp những sự kiện CK nổi bật nhất trong năm 2022.

VN Index lên đỉnh, xuống đáy

Năm 2022 được đánh dấu bằng hàng loạt “cơn địa chấn” từ bên ngoài lẫn bên trong, như xung đột Nga - Ukraine, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid, lạm phát tăng trên phạm vi toàn cầu, các vụ án thao túng cổ phiếu (CP), khủng hoảng trên thị trường trái phiếu (TP), chính sách tiền tệ thắt chặt, tỷ giá USD/VNĐ… đã tác động tiêu cực tới TTCK Việt Nam. Nếu tính từ đỉnh lịch sử 1.536 điểm được xác lập trong phiên giao dịch ngày 7-1 đến mức đáy 873,78 điểm phiên giao dịch ngày 16-11, VN Index đã bị “bốc hơi” 43%. Đáng chú ý, trong đợt lao dốc này, NĐT chứng kiến những phiên giao dịch có biên độ gây sốc, từ 70-80 điểm.

Nhóm CP tác động mạnh nhất đến thị trường

Theo thống kê, với mức tăng 17% trong năm 2022, GAS là mã CP đóng góp nhiều nhất cho đà tăng của VN Index. Kế tiếp là SAB (tăng 23%), BCM (tăng 18%), REE (tăng 18%) và KDC (tăng 15%). Ngoài 4 mã CP này, VN Index còn nhận được lực đỡ từ các mã như PNJ (tăng 9%), VHC (tăng 9%), STG (tăng 31%), PDN (tăng 47%), KOS (tăng 12%). Ở chiều ngược lại, nhóm CP tác động tiêu cực lên chỉ số gồm NVL (giảm 72%), HPG (giảm 58%), TCB (giảm 56%), GVR (giảm 65%), DIG (giảm 84%), SSI (giảm 64%), PDR (giảm 77%), VIB (giảm 48%), PLX (giảm 49%) và TPB (giảm 50%).

Những sự kiện chấn động

TTCK bắt đầu bị tác động tiêu cực khi hàng loạt Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc doanh nghiệp (DN) bị bắt vì tội danh thao túng giá trên TTCK, cũng như vi phạm về phát hành TPDN trong tháng 4, như FLC, Louis Holdings hay Tân Hoàng Minh. Ở thời điểm khi những sự kiện này được công bố, VN Index đã giảm 23,1% xuống 1.172 điểm chỉ trong 1 tháng, do đà bán tháo ồ ạt dẫn đến hiện tượng bán giải chấp trên toàn thị trường.

Rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch

Theo quy chế mới của Trung tâm Lưu ký CK (VSD), kể từ ngày 29-8, thời gian thanh toán giao dịch CK (CP, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm) chính thức triển khai áp dụng chu kỳ T+2. Theo quy định mới này, NĐT có giao dịch mua, bán CK khớp lệnh tại ngày T+0 sẽ nhận được CK hoặc tiền trước 13 giờ ngày T+2 để có thể thực hiện mua, bán CK trong phiên giao dịch buổi chiều cùng ngày. Việc rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch CK T+2 là thông tin được thị trường mong chờ, với hy vọng gia tăng giao dịch và mang lại lợi ích tốt hơn cho NĐT trong thời điểm hiện nay.

Cho phép giao dịch lô lẻ trở lại

Được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, Ủy ban CK Nhà nước và Sở Giao dịch CK Việt Nam (VNX), Sở Giao dịch CK TPHCM (HoSE), đã chính thức triển khai giao dịch CK lô lẻ trở lại, kể từ ngày 12-9. Điểm đặc biệt của giao dịch lô lẻ được HoSE áp dụng lần này, là NĐT có thể đặt lệnh giao dịch có khối lượng từ 1-99 CK. Giải pháp giao dịch lô lẻ được kỳ vọng mở ra cơ hội cho NĐT mới gia nhập thị trường với số vốn nhỏ.

Thanh khoản sụt giảm mạnh

Rút ngắn thời gian giao dịch và cho phép giao dịch lô lẻ được giới phân tích dự báo giúp thanh khoản của TTCK được cải thiện. Thế nhưng, “dư chấn” của những vụ bắt bớ trước đó vẫn là nỗi ám ảnh của NĐT, đặc biệt là NĐT cá nhân. Đây là nguyên nhân khiến NĐT không còn mạnh tay rót tiền vào TTCK như từng xảy ra trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Theo thống kê, giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn trong năm 2022 giảm 22,3%, xuống còn 20.862 tỷ đồng/phiên. Trong đó, thanh khoản bình quân của HoSE đạt 17.696 tỷ đồng/phiên (giảm 19,6%), HNX và UPCoM lần lượt đạt 2.023 tỷ đồng/phiên (giảm 36%) và 1.142 tỷ đồng/phiên (giảm 32,8%).

Giao dịch phái sinh đạt kỷ lục

Theo thống kê của Sở Giao dịch CK Hà Nội (HNX), TTCK phái sinh ngày 25-10 ghi nhận sự đột biến với khối lượng và giá trị giao dịch đạt mức cao kỷ lục với 647.457 hợp đồng, tương đương với giá trị giao dịch hơn 62.080 tỷ đồng. Số lượng hợp đồng trên là cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là mức vượt trội so với con số cao nhất trước đó 504.675 hợp đồng (tương đương 51.347 tỷ đồng) được giao dịch vào ngày 13-10.

Vốn ngoại quay trở lại

Những tháng cuối năm 2022, TTCK ghi nhận dòng vốn ngoại liên tục đổ vào thị trường, đi kèm với đó là các thông tin vĩ mô cũng trở nên tích cực hơn: Fed giảm tốc độ tăng lãi suất, lãi suất và tỷ giá USD/VNĐ hạ nhiệt, NHNN liên tục bơm tiền qua kênh OMO để hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng đón đầu nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán. Theo thống kê, chỉ trong tháng 11, các quỹ ETF thu hút vốn tổng cộng 373,39 triệu USD, mức cao nhất kể từ năm 2010, chủ yếu đến từ quỹ Fubon ETF mới (114,7 triệu USD) và quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF (100,71 triệu USD). Xu hướng này tiếp diễn trong tháng 12 và mở rộng thêm các quỹ DCVFMVN Diamond ETF, Vaneck Vietnam ETF, với mỗi tuần huy động được thêm hàng chục triệu USD. Chính nhờ lực lượng "ngoại binh" này, tâm lý NĐT được “nhen nhóm” hy vọng trong năm 2023.

VN Index là chỉ số CK có hiệu suất đầu tư kém tích cực nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 với mức giảm 36,5%. Mức giảm này lớn hơn rất nhiều so với các nước như: Indonesia (JCI Index tăng 6,8%), Singapore (STI Index tăng 4,3%), Thái Lan (SET Index giảm 2,6%), Malaysia (FBMKL CI Index giảm 8,1%), Philippines (PCOMP Index giảm 9,7%).

Các tin khác