Nhìn lại một năm CSTT 2022: Bản lĩnh đương đầu với 'sóng lớn'

(ĐTTCO)-Năm 2022 là năm "rất khác biệt" với nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ, song ngành ngân hàng đã ứng phó linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trụ sở NHNN tại 49 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Trụ sở NHNN tại 49 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Năm 2022 khép lại với nhiều điều đáng nhớ của hệ thống ngân hàng Việt Nam khi tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước, rất khác biệt so với thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022.

Tuy nhiên, để ứng phó với những biến động nhanh của tình hình thế giới và trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát ở mức thấp, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cùng nhìn lại những vấn đề “chìm nổi” của ngành ngân hàng trong năm 2022 qua chùm bài viết “Nhìn lại một năm chính sách tiền tệ 2022: Bản lĩnh đương đầu với “sóng lớn".

Mặc dù đối mặt với những khó khăn chưa từng có tiền lệ, song chính sách tiền tệ năm 2022 đã ứng phó linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Điểm mặt thách thức

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2022 là năm "rất khác biệt" trong nhiều năm nay.

Điểm khác biệt thứ nhất là nền kinh tế vừa thoát ra 2 năm khó khăn do dịch bệnh COVID-19, những tác động của dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đến nay, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, từ dòng tiền đến tình hình cung ứng nguyên vật liệu, vận tải...

Hai là, cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng gây ảnh hưởng đến dòng tiền dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ba là, chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng tăng lãi suất nhanh tại các quốc gia làm cho giá USD tăng cao. Lãi suất tăng lên làm dòng vốn dịch chuyển và các hoạt động trở nên không bình thường đã tác động tới điều hành chính sách tiền tệ nói riêng và vĩ mô nói chung của Việt Nam.

Trước những vấn đề lớn này, ngành ngân hàng đã điều hành quyết liệt, linh hoạt để hạn chế được khó khăn đồng thời chủ động đưa ra các quyết sách phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Điều này thể hiện qua kết quả điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm vừa qua.

Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Cụ thể, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt đã góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân 3,15%), tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (8,02%).

Tín dụng ước tăng khoảng 14,5%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định (VND mất giá 3,5%, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, là mức biến động thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực), thanh khoản hệ thống cơ bản được đảm bảo...

Đặc biệt, tháng 11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Để có được kết quả này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay đã 2 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại tổ chức tín dụng với tổng mức tăng 0,8%-2%/năm (vào các ngày 23/9 và 25/10/2022). Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (vào ngày 25/10/2022).

“Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn,” lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Ba bài học lớn

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh trên cơ sở thực tiễn điều hành, lãnh đạo năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã đúc kết được 3 bài học.

Thứ nhất, trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta có độ mở cửa lớn, những biến động kinh tế thế giới tác động tới kinh tế, tiền tệ trong nước là không tránh khỏi. Điều quan trọng là phải chuẩn bị tâm thế cho sự ứng phó linh hoạt với những biến động, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ nhằm “góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế” nhưng tùy theo diễn biến tình hình để xác định trọng tâm, trọng điểm ưu tiên trong từng thời điểm.

Thứ ba, mỗi một chính sách đều có tác động khác nhau đối với các khu vực của nền kinh tế, điều quan trọng là cần bản lĩnh, ứng phó linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến tình hình, cân nhắc thời điểm, liều lượng phù hợp của từng công cụ, giải pháp để hóa giải khó khăn nhằm đạt được mục tiêu.

Chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt đã góp phần hỗ trợ kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 730 tỷ USD trong năm 2022. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Minh họa cho điều này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết từ tháng 10/2022, xu hướng lãi suất, đồng USD tăng cao đã tác động tiêu cực đến tâm lý, kỳ vọng và thanh khoản thị trường, tỷ giá tăng kịch trần, giao dịch thị trường gần như đóng băng, tâm lý găm giữ ngoại tệ dâng cao.

“Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã cấp bách triển khai nhiều giải pháp để tập trung ưu tiên cải thiện thanh khoản, như chưa điều chỉnh tăng trưởng tín dụng trong tháng Mười. Khi thanh khoản hệ thống được cải thiện, tác đông từ bên ngoài dịu bớt, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng trưởng tín dụng thêm 1,5%-2%,” Thống đốc chia sẻ.

Đây là lần hiếm hoi một chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế được điều chỉnh vào gần như phút chót của năm.

Một điểm thành công của Ngân hàng Nhà nước dịp cuối năm 2022 nữa là khi lãi suất huy động đang ở đỉnh cao, có ngân hàng lên đến trên 12%, từ đó kéo lãi suất cho vay cũng tăng cao. Để nhằm ổn định thị trường, giữa tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã kêu gọi các ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn không quá 9,5%/năm (đã bao gồm các khoản khuyến mại) và giảm từ 0,5%-2% lãi suất cho vay.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng quán triệt, chỉ đạo tất cả các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Mức giảm dựa trên năng lực của từng tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng kêu gọi các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí, giảm lợi nhuận đặt ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Lời ‘hiệu triệu’ của Ngân hàng Nhà nước đã có tác dụng, ngay lập tức hàng loạt các ngân hàng công bố giảm lãi suất huy động từ 0,5%-1% và hiện đều niêm yết mức cao nhất là 9,5%/năm. Ngoài ra, cũng có nhiều ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay, thậm chí có ngân hàng còn giảm đến 3,5% lãi suất để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Các tin khác