Rishi Sunak và Liz Truss: Ai sẽ là Thủ tướng Anh?

(ĐTTCO) - Cho đến nay, cuộc đua vào chiếc ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ, người sẽ làm Thủ tướng Anh, đang dần đi vào giai đoạn nước rút, với chỉ 2 ứng viên cuối cùng là cựu Bộ trưởng Kinh tế Rishi Sunak và Ngoại trưởng Liz Truss.

Hai ứng viên và những người ủng hộ chính.
Hai ứng viên và những người ủng hộ chính.
Cuộc thăm dò mới nhất ngày 4-8 cho thấy số lượng người ủng hộ ông Sunak nhiều hơn so với bà Truss. Dù vậy, vẫn chưa thể biết ai có lợi thế hơn ai. Vì trước đó các cuộc thăm dò dư luận trong các thành viên đảng Bảo thủ lại cho thấy đa số dành sự ủng cho bà Truss.

Sự khác biệt chính sách
Về kinh tế, bà Truss cam kết tăng tỷ lệ bảo hiểm quốc gia, vốn được thiết kế để tài trợ cho chăm sóc sức khỏe và xã hội. Thông điệp kinh tế của bà dựa trên thuế thấp và quy định thấp, bà cũng coi việc vay nợ tích tụ trong đại dịch giống như khoản nợ chiến tranh cần được xóa trong thời gian dài.
Một tuyên bố từ nhóm vận động tranh cử của bà hôm 1-8 nói chính phủ của bà Truss có thể tiết kiệm 8,8 tỷ bảng Anh mỗi năm nếu trả lương thấp hơn cho công nhân khu vực công sống bên ngoài London. Điều này đã dẫn đến phản đối gay gắt từ các công đoàn lao động, và bà Truss nói chẳng qua chỉ là hiểu nhầm do “bị truyền thông xuyên tạc”.
Trong khi đó, ông Rishi Sunak hứa hẹn “trở lại với các giá trị kinh tế Bảo thủ truyền thống”, một quan điểm được coi là sự thận trọng tài khóa của đảng Bảo thủ. Khi bị chỉ trích ông là "thủ tướng thuế cao", Sunak nói ông có đặt mục tiêu cắt giảm thuế nhưng muốn giải quyết lạm phát trước.
Tuy nhiên, sau đó ông hứa sẽ bỏ thuế VAT trên hóa đơn nhiên liệu gia dụng trong 1 năm. Tính bình quân, mỗi hộ gia đình có thể được giảm 160 bảng. Sunak cũng hứa sẽ giảm thuế 20% vào cuối thập niên này, cụ thể sẽ cắt giảm mức thuế thu nhập cơ bản xuống còn 16% nếu đảng Bảo thủ được bầu lại vào năm 2024.
Về đối ngoại và quốc phòng, cả 2 ứng cử viên vẫn chưa đưa ra bất kỳ quan điểm chính sách đối ngoại mới đáng kể nào trong chiến dịch tranh cử. Ông Sunak muốn củng cố dấu ấn của mình trong lĩnh vực này khi nhấn mạnh vai trò của nhóm G7. Từng sống và làm việc ở Mỹ, Sunak được coi là người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương và Hoài nghi châu Âu (phản đối hội nhập EU).
Về chi tiêu quốc phòng, Sunak đã bày tỏ sự phản đối “các mục tiêu tùy tiện”. Trong khi đó,  bà Truss đã đưa ra tầm nhìn của mình về một G7 quyết đoán hơn, muốn được “thể chế hóa nhiều hơn” và biến thành một “NATO kinh tế” có thể bảo vệ các thành viên khỏi sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc. Với tư cách là Ngoại trưởng, bà là người đi đầu trong quan điểm hiếu chiến hơn của Anh đối với Nga, so với các đồng minh phương Tây khác của Ukraine. Bà hứa sẽ chi 3% GDP cho quốc phòng.

Ai lợi thế hơn?
Nếu bà Truss chiến thắng trong cuộc đua vào số 10 phố Downing, nội các của bà sẽ có hương vị chính trị tương tự như chính phủ sắp mãn nhiệm của ông Boris Johnson. Chính phủ Truss sẽ chủ yếu có các nhân vật ủng hộ Brexit từ cánh hữu của đảng. Không phải tất cả nghị sĩ ủng hộ của bà đều là nhân vật Brexit của đảng, nhưng cánh hữu của đảng đã tập hợp lại xung quanh việc ủng hộ bà.
Nhân vật nổi trội trong nội các Truss gồm Thérèse Coffey, 50 tuổi. Bà này hiện là Chủ tịch Chiến dịch của bà Truss, đồng thời là người bạn và đồng minh lâu đời của bà. Hiện Coffey đang là Bộ trưởng Lao động và Hưu trí. Trước đây bà là Bộ trưởng Môi trường và Nông thôn. Bà là nghị sĩ từ năm 2010. Coffey được coi là ứng cử viên tiềm năng cho vai trò Bộ trưởng Văn phòng Nội các, đóng vai trò là người sửa chữa của Thủ tướng. “Liz và Thérèse rất thân thiết và làm việc với nhau rất tốt” - một nghị sĩ cho biết.
2 người ủng hộ quan trọng khác của Truss hiện đang làm trong Nội các của Johnson, là Thư ký kinh doanh Kwasi Kwarteng và Simon Clarke, Thư ký trưởng Bộ Tài chính. Cả 2 đều được coi là những ứng cử viên cho chức Bộ trưởng Tài chính, công việc quyền lực thứ 2 trong chính phủ. Các đồng minh của Truss cho rằng Kwarteng là người được yêu thích nhất.
Mối liên hệ của người đàn ông 47 tuổi với Truss bắt đầu từ năm 2012, khi cặp đôi này là đồng tác giả của cuốn sách Britannia Unchained, ủng hộ các giải pháp thị trường tự do để cải cách nền kinh tế. Trong khi đó, Clarke được một số người đánh giá là Bộ trưởng Tài chính tiềm năng, nhưng những người khác cho rằng ông sẽ thay thế Kwarteng làm Thư ký kinh doanh. 
Nếu Sunak giành chiến thắng trong cuộc tranh cử, nội các của ông sẽ có lập trường chính trị khác hẳn với bà Truss, thậm chí với cả ông Johnson. Một nhà quan sát lâu năm của đảng Bảo thủ cho biết: “Nội các của Rishi sẽ tập trung hơn so với Liz, nhưng trung tâm của đảng Bảo thủ đã chuyển sang cánh phải”.
Oliver Dowden, bạn bè lâu năm của Sunak và cho đến gần đây là Chủ tịch đảng Bảo thủ, gần như chắc chắn nhận được một vai trò cấp cao. Dowden, người trước đây là Bộ trưởng Văn hóa, có thể được bổ nhiệm vào Văn phòng Nội các với tư cách là Phó Thủ tướng. “Rishi sẽ muốn Oliver gần gũi anh ấy trong chính phủ, đó là sự tin tưởng hoàn toàn” - một nghị sĩ ủng hộ Sunak nói. 
Bộ trưởng Y tế Steve Barclay là người được yêu thích để trở thành Bộ trưởng Tài chính. Người đàn ông 50 tuổi này đã làm việc chặt chẽ với Sunak trong một số vai trò cấp bộ trưởng, bao gồm cả với tư cách là Chánh văn phòng của Johnson. Barclay từng là Tổng thư ký của Bộ Tài chính và Bộ trưởng Kinh tế.
Đồng minh cao cấp thứ 3 của Sunak có khả năng nhận được vai trò quan trọng là Mel Stride, Chủ tịch một ủy ban của kho bạc. Người đàn ông 60 tuổi này từng là Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của Theresa May, và một thời gian ngắn là lãnh đạo Hạ viện. Sunak cũng sẽ làm mới các cấp bộ trưởng ít quan trọng hơn với một số người ủng hộ trẻ hơn, bao gồm Claire Coutinho, Laura Trott và Jacob Young. 
 Tân Thủ tướng Anh sẽ phải đối mặt những thử thách lớn, khi lạm phát ở Anh đang trên đà lên mức 11%, tăng trưởng đình trệ và đồng bảng Anh ở gần mức thấp lịch sử so với USD. Cả ông Sunak và bà Truss đều là quan chức dưới thời Johnson khiến họ khó thể hiện bản thân là "khởi đầu mới" cho đất nước. 

Các tin khác