Jane Fraser-Người phụ nữ quyền lực Phố Wall

(ĐTTCO) - Phụ nữ đang tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế, khi ngày càng có nhiều phụ nữ được tham gia, bầu chọn vào vị trí lãnh đạo hay điều hành ở nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó, có tài chính, ngân hàng. Bà Jane Fraser là một người như thế, khi nắm giữ vị trí CEO của Citigroup, là người phụ nữ đầu tiên dẫn dắt 1 trong 3 ngân hàng lớn nhất Phố Wall.

Jane Fraser-Người phụ nữ quyền lực Phố Wall
Làm điều “không tưởng” ở Phố Wall
Bà Jane Fraser sinh năm 1967 ở St Andrews, Scotland, theo học tại Trường Cao đẳng Girton, Cambridge, tốt nghiệp Cử nhân về kinh tế. Sau khi tốt nghiệp, Fraser làm việc với tư cách là nhà phân tích mua bán và sáp nhập tại Goldman Sachs, London, từ tháng 7-1988 đến tháng 7-1990.
Sau đó bà có gần 2 năm là cộng tác viên môi giới cho Asesores Bursátiles, một công ty môi giới chứng khoán có trụ sở tại Madrid (Tây Ban Nha). Năm 1992, Jane Fraser đăng ký học tại Trường Kinh doanh Harvard, lấy bằng MBA năm 1994 và gia nhập McKinsey & Company cùng năm, làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và chiến lược toàn cầu.
Fraser chính thức chuyển về Citigroup làm việc vào tháng 7-2004, với vai trò là Trưởng phòng Chiến lược khách hàng trong bộ phận đầu tư và ngân hàng toàn cầu. Tháng 10-2007, bà được thăng chức Giám đốc Bộ phận chiến lược và sáp nhập, ở vị trí này cho đến tháng 5-2009. Bà Fraser đã tiếp nhận vị trí CEO của Citigroup thay ông Corbat, người về hưu vào cuối tháng 2-2021.
Chưa đầy 1 tháng đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành Citigroup, Jane Fraser đã đưa ra quyết định gây chấn động Phố Wall. Đó là vào cuối tháng 3-2021, khi các dấu hiệu của sự kiệt sức đã xuất hiện khắp nơi sau hơn 1 năm làm việc từ xa do đại dịch, Fraser “đại tu” Citigroup vốn từ lâu đã mòn mỏi ở vị trí thứ 3 và sa lầy bởi các thông tin xấu. 
Sau khi gửi bản ghi nhớ cho 210.000 nhân viên toàn cầu của Citi về quyết định cản cách Citigroup, Fraser lên kế hoạch thiết lập lại, bao gồm các loại thước đo cân bằng giữa công việc và cuộc sống rất hiếm thấy ở Phố Wall. Bà đã triển khai "Các ngày thứ Sáu không họp hành" và kêu gọi nhân viên tránh lên lịch các cuộc gọi ngoài giờ làm việc truyền thống. “Hãy đi nghỉ” - bà khẩn khoản. Sau đó, khi nhân viên Citi cuối cùng trở lại văn phòng, hầu hết công việc đều được làm "hỗn hợp" - với 3 ngày tại văn phòng và 2 ngày làm ở nhà.
Chế độ làm việc linh động này là chưa từng có ở Phố Wall. Đó vừa là phản ứng nhân đạo trước những chấn thương do đại dịch gây ra, vừa là quyết định chiến lược có tính toán. Bằng cách tự xây dựng thương hiệu là "ngân hàng có tâm hồn", như Fraser gọi, Citigroup sẽ có lợi thế hơn trong việc thu hút và giữ chân những nhân tài muốn rời xa Phố Wall để đến với thế giới công nghệ ít khắc nghiệt hơn. 

Quyền lực nhất ngân hàng Mỹ 2021
Theo tạp chí American Banker, Jane Fraser thậm chí đã đưa ra những quyết định lớn tại Citigroup, ngay cả trước khi bà làm nên lịch sử với tư cách là nữ giám đốc điều hành đầu tiên của 1 ngân hàng lớn tại Mỹ.
Trong 17 năm làm việc tại công ty, bà đã chỉ đạo việc tái cơ cấu quy mô lớn hoạt động kinh doanh mua bán và sáp nhập toàn cầu của Citi trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu; điều hành hoạt động kinh doanh thế chấp của công ty vào thời điểm chính phủ giám sát chặt chẽ các hoạt động thế chấp của các ngân hàng; đại tu các hoạt động của Citigroup ở Mỹ Latin, bao gồm giảm quy mô hoạt động ngân hàng bán lẻ và kinh doanh thẻ tín dụng ở Brazil và Argentina, đồng thời dẫn đầu hệ thống thanh toán mới ở Mexico cho phép người tiêu dùng mua hàng bằng mã QR trên điện thoại di động.
American Banker bình chọn Fraser là Người phụ nữ quyền lực nhất trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ năm 2021, như sự thừa nhận về sự nghiệp xuất sắc và thực tế là bà đang điều hành một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới, với tài sản 2.200 tỷ USD và khoảng 200.000 nhân viên tại hơn 160 quốc gia và khu vực.
Bước đi lớn đầu tiên của bà Fraser diễn ra vào tháng 1-2021, tức 2 tháng trước khi bà chính thức trở thành Giám đốc điều hành, khi công ty cho biết họ đang hợp nhất 2 bộ phận quản lý tài sản thành đơn vị kinh doanh duy nhất có tên là Citi Global Wealth. Sự kết hợp này đặt các dịch vụ quản lý tài sản dành cho những người siêu giàu và những người ít giàu hơn vào chung một chỗ.
Bà cũng đã quyết định bán các đặc quyền kinh doanh ngân hàng bán lẻ của Citi tại 13 thị trường nước ngoài. Bà cũng đang dẫn dắt công ty thông qua “sự chuyển đổi” của hệ thống quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ. Việc đại tu đã trở nên khẩn cấp vào mùa thu năm ngoái, khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Văn phòng Kiểm soát tiền tệ Mỹ áp dụng các biện pháp cưỡng chế và phạt Citigroup 400 triệu USD vì không khắc phục được các vấn đề liên quan đến rủi ro kéo dài.
Còn quá sớm để xếp hạng hiệu suất của Fraser với tư cách là Giám đốc điều hành, nhưng nhà phân tích Jason Goldberg của Barclays cho biết “bà ấy đã có khởi đầu tốt” khi cố gắng cân bằng việc tái cấu trúc doanh nghiệp với nhu cầu cấp thiết là giải quyết mối quan tâm của các nhà quản lý về quản lý rủi ro. Goldberg nói: “Hãy nhìn xem, cần thời gian dài để xoay chuyển con tàu lớn và mặc dù thu nhỏ quy mô, Citi vẫn là công ty lớn. Nhưng bà ấy có bộ kỹ năng phù hợp và đang lên kế hoạch. Sau đó, tất cả sẽ được xử lý".
Năm 2015, Fraser được xếp hạng thứ 41 trong danh sách 51 phụ nữ quyền lực nhất trong kinh doanh của Fortune, nhưng năm 2021 bà vươn lên vị trí thứ 2 trong danh sách 10 phụ nữ quyền lực nhất giới kinh doanh năm 2021 của Fortune và đi vào lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, khi là người “nữ tướng” đầu tiên của ngân hàng Citigroup.
Trong năm 2021, bà Jane Fraser cũng được Forbes chọn vào danh sách “50 Over 50” (Độ tuổi vàng mới). Đây là danh sách đầu tiên bình chọn các doanh nhân, nhà lãnh đạo và nhà sáng tạo đã trở thành một phần trong phong trào nhiều cảm hứng, định hình lại nửa sau của cuộc đời mỗi người.

Các tin khác