Elvira Nabiullina: Người lái con tàu kinh tế Nga

(ĐTTCO) - Elvira Nabiullina, lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) kể từ năm 2013, được ghi nhận là người đã củng cố đồng rúp và khả năng phòng thủ của Nga trước các lệnh trừng phạt toàn cầu. Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 thập niên, bà Nabiullina phải chèo lái nền kinh tế Nga vượt qua những vùng biển đầy nguy hiểm.

Elvira Nabiullina: Người lái con tàu kinh tế Nga
Đơn thuốc khó 
Bà Nabiullina có nhiệm vụ chèo lái nền kinh tế Nga vượt qua cuộc suy thoái sâu và giữ vững hệ thống tài chính của đất nước. Bà đã giúp đồng tiền Nga phục hồi ngoạn mục, sau khi bị mất tới 1/4 giá trị chỉ vài ngày sau cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine ngày 24-2. CBR đã thực hiện các biện pháp tích cực để ngăn chặn lượng lớn tiền rời khỏi đất nước, sự hoảng loạn trên thị trường và một cuộc tháo chạy tiềm tàng đối với hệ thống ngân hàng.
Trong cuộc khủng hoảng lần trước, bà đã biến thảm họa thành cơ hội. Năm 2014, Nga bị rung chuyển bởi 2 cú sốc kinh tế: giá dầu sụt giảm (do sản lượng của Mỹ tăng vọt và Ả Rập Saudi từ chối cắt giảm sản lượng) làm suy giảm doanh thu dầu mỏ, và các làn sóng trừng phạt kinh tế sau khi Nga sáp nhập Crimea. Đồng rúp giảm mạnh.
Bà Nabiullina đã từ bỏ các chính sách truyền thống, như dành lượng lớn dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ tỷ giá hối đoái, chuyển trọng tâm của CBR sang quản lý lạm phát. Bà đã tăng lãi suất lên 17% và giữ ở mức tương đối cao trong nhiều năm. Nhưng đến giữa năm 2017 bà đã xoay sở kéo tỷ lệ lạm phát giảm xuống dưới 4%, mức thấp nhất trong thời kỳ hậu Xô viết. 
Dưới sự chỉ đạo của bà Nabiullina, CBR tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa. Nó đã cải thiện khả năng giao tiếp, cung cấp hướng dẫn về chính sách, gặp gỡ các nhà phân tích và gửi các cuộc phỏng vấn với các phóng viên. CBR được coi là đầu não kinh tế chủ chốt của đất nước, thu hút các nhà kinh tế có uy tín từ khu vực tư nhân. Tại hội nghị thường niên ở St.Petersburg, CBR đã thu hút các nhà kinh tế từ khắp nơi trên thế giới.
Bà Nabiullina còn tham dự các cuộc họp quốc tế, bao gồm hội nghị chuyên đề thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Jackson Hole ở Wyoming, các cuộc họp thường kỳ dành cho các chủ ngân hàng trung ương do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tổ chức ở Basel, Thụy Sĩ.
Bà Nabiullina được mô tả duyên dáng, tập trung, luôn chuẩn bị kỹ càng, là người yêu thích lịch sử và opera. Sinh ra ở Ufa, một thành phố cách Moscow hơn 700 dặm về phía Đông nổi tiếng với ngành công nghiệp nặng, bà học tại Đại học Tổng hợp Moscow, một trong những trường danh tiếng nhất của đất nước và kết hôn với một nhà kinh tế đồng nghiệp.

Người dũng cảm
Bên cạnh thành tích về chính sách tiền tệ, bà Nabiullina còn nhận được nhiều lời khen ngợi vì đã theo đuổi công cuộc thanh lọc toàn diện ngành ngân hàng. Trong năm đầu tiên làm việc tại CBR, bà đã thu hồi khoảng 400 giấy phép ngân hàng, đóng cửa 1/3 ngân hàng của Nga, loại bỏ các tổ chức yếu kém có những “giao dịch đáng ngờ”.
 Nabiullina là hình mẫu một chủ ngân hàng trung ương hiện đại. Bà đang làm những gì phải làm, ngay cả khi nó gặp khó khăn về mặt chính trị.
RICHARD PORTES,
GS kinh tế Trường Kinh doanh London
Đây được coi là cuộc thập tự chinh dũng cảm. Vì trước đó, vào năm 2006 một quan chức CBR đã bị ám sát sau khi khởi xướng chiến dịch mạnh mẽ đóng cửa các ngân hàng bị nghi ngờ rửa tiền. Sergei Guriev, một nhà kinh tế người Nga, hiện là giáo sư tại Sciences Po ở Paris, cho biết: “Chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng là công việc của những người rất can đảm”. Tuy nhiên, ông nói chương trình của bà còn thiếu sót vì phần lớn chỉ giới hạn ở các ngân hàng tư nhân. 
Bà Nabiullina là quan chức cấp cao trong chính quyền Putin suốt 2 thập niên. Bà là cố vấn kinh tế chính của ông trong hơn 1 năm trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch CBR vào tháng 6-2013. Bà cũng từng giữ chức Bộ trưởng Phát triển Kinh tế trong thời gian ông Putin làm Thủ tướng. Sofya Donets, nhà kinh tế học tại Renaissance Capital ở Moscow, nói: “Bà ấy rất được tôn trọng trong chính phủ. Trong những năm gần đây, các câu hỏi về chính sách trong lĩnh vực tài chính đều được giao phó cho CBR”. 
Niềm tin này được xây dựng khi bà Nabiullina nỗ lực củng cố nền kinh tế Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, đặc biệt từ các hình phạt của Mỹ trong thời gian dài. Năm 2014, Mỹ đã loại nhiều công ty lớn của Nga khỏi thị trường vốn của mình. Để các công ty và ngân hàng ít bị thiệt hại nếu Washington hạn chế hơn nữa quyền tiếp cận việc sử dụng USD của đất nước, bà đã chuyển dự trữ của ngân hàng trị giá hơn 600 tỷ USD sang vàng, đồng EUR và NDT.
Trong nhiệm kỳ của bà, dù tỷ lệ USD trong quỹ dự trữ của CBR giảm còn khoảng 11%, từ hơn 40% do các lệnh trừng phạt đóng băng dự trữ ở nước ngoài của CBR, Nga vẫn có đủ dự trữ bằng vàng và NDT. Các biện pháp bảo vệ khác chống lại các lệnh trừng phạt bao gồm giải pháp thay thế cho SWIFT (hệ thống nhắn tin ngân hàng toàn cầu), thay đổi cơ sở hạ tầng thanh toán để xử lý các giao dịch thẻ tín dụng trong nước… 

Nền kinh tế chiến tranh
Vào tháng 3, nhiều thông tin cho rằng bà Nabiullina đã cố gắng từ chức sau cuộc tấn công Ukraine nhưng bị ông Putin từ chối. CBR đã bác bỏ những thông tin này. Hồi tháng 4, chính phủ Canada đã đưa bà vào danh sách trừng phạt vì là “cộng sự thân cận của chế độ Nga”. Ông Guriev cho rằng có thể bà Nabiullina không từ chức vì tin rằng nếu mình từ chức, lạm phát sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát và người dân Nga sẽ bị tổn thương nhiều. “Tuy nhiên, tôi nghĩ bà ấy thực sự đang hỗ trợ nền kinh tế thời chiến của Putin” - ông nói thêm. 
Theo đó, trước các hình phạt tài chính của phương Tây, bà Nabiullina đã tăng hơn gấp đôi lãi suất, lên 20%; sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn để hạn chế dòng tiền ra khỏi đất nước; đóng cửa giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch Moscow; nới lỏng các quy định đối với các ngân hàng để cho vay dễ hơn.
Các biện pháp này đã ngăn chặn sự hoảng loạn ban đầu, giúp đồng rúp tăng trở lại. Hiện Nga đang bước vào cuộc suy thoái nghiêm trọng với nền kinh tế bị cô lập. Ngày 29-4, CBR đã hạ lãi suất xuống 14%, dấu hiệu cho thấy bà Nabiullina đang cố gắng giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt đối với hộ gia đình và doanh nghiệp khi lạm phát tăng nhanh. 

Các tin khác