CEO Evan Spiegel - Kẻ chống lại đế chế Facebook

(ĐTTCO) - Nền tảng xã hội Snapchat hiện đang nổi lên như là mối đe dọa lớn nhất với Facebook. Một khảo sát của Forbes ước tính 265 triệu người dùng toàn cầu hiện đang sử dụng Snapchat hàng ngày, với độ tuổi trung bình 18.

 Trong khi đó, Facebook đang có sự sụt giảm mạnh ở độ tuổi thanh thiếu niên, người dùng trung bình gần 40 tuổi. Người đứng sau dự án khởi nghiệp thành công này chính là CEO Evan Spiegel cùng các bạn học khởi tạo năm 2011 khi vẫn còn đang ngồi trên giảng đường Đại học Stanford. 

Tăng trưởng thần tốc trong đại dịch
Snapchat là một ứng dụng tin nhắn bằng hình ảnh, người dùng có thể chụp ảnh, quay video, thêm văn bản và gửi chúng vào danh sách người nhận. Snapchat cho phép người sử dụng thiết lập một giới hạn thời gian bao lâu người nhận có thể xem, phạm vi từ 1-10 giây, sau đó tin nhắn sẽ bị xóa khỏi máy chủ vĩnh viễn. Ứng dụng này được nhiều người đánh giá cao, bởi hiện nay hầu hết những bài đăng trên mạng xã hội, dù tốt hay xấu, không phù hợp vẫn ở đó mãi mãi, đôi khi gây ra những phiền toái không đáng có.
CEO Evan Spiegel - Kẻ chống lại đế chế Facebook ảnh 1
Theo Công ty phân tích trên Phố Wall Trefis, doanh thu của Snap tăng 108% từ 0,8 tỷ USD năm 2017 lên 1,7 tỷ USD năm 2019. Đặc biệt, doanh thu của Snap trong năm 2020 có sự bùng nổ, khi đạt 2,5 tỷ USD, tăng 46% so với năm 2019, do mọi người chuyển sang các nền tảng truyền thông xã hội khi các hạn chế về đi lại do đại dịch Covid-19 đang phổ biến trên toàn thế giới. Các tổ chức cũng bắt đầu chuyển sang số hóa, bao gồm cả quảng cáo kỹ thuật số, góp phần vào tăng trưởng lớn doanh thu cho công ty.
Ước tính doanh thu quý I-2021 của Snap vào khoảng 833 triệu USD, cao hơn 12% so với ước tính trước đó của các nhà phân tích là 740 triệu USD. Trefis kỳ vọng doanh thu của Snap đạt khoảng 3,7 tỷ USD trong năm tài chính 2021. Giá cổ phiếu của Snap tăng 298% kể từ cuối năm 2019, từ mức giá 17USD vào cuối năm 2019 lên gần 67USD/cổ phiếu trong những ngày đầu tháng 5-2021.
Evan Spiegel sinh năm 1990 trong một gia đình giàu có tại Los Angeles (Mỹ). Cha và mẹ anh đều là những luật sư nổi tiếng, tốt nghiệp những Trường đại học hàng đầu thế giới Havard và Yale. Sống “con nhà giàu” từ nhỏ, Spiegel theo học ngôi trường danh giá với mức học phí hàng chục ngàn USD/năm, sử dụng những chiếc xe đắt tiền, kỳ nghỉ dài xa hoa. Anh là thành viên của hội ăn chơi nổi tiếng ở Santa Monica, thường đi du lịch châu Âu, tham gia những bữa tiệc thâu đêm, thậm chí đi trượt tuyết bằng trực thăng riêng.
Năm 2007, bố mẹ ly hôn, Evan sống cùng bố và tham gia học chuyên ngành thiết kế sản phẩm tại Trường Đại học danh tiếng Stanford. Trước khi lên ý tưởng cho Snapchat vào năm 2011, Spiegel cùng những người bạn của mình đã nhiều lần khởi nghiệp thất bại. Anh thậm chí còn bị đuổi học khi còn là sinh viên năm 2 sau khi các tin nhắn đùa cợt đầy xúc phạm phụ nữ bị tiết lộ.
Sau đó gia đình đã tìm cho Spiegel một lớp học về kinh doanh và quỹ đầu tư mạo hiểm. Tại đây, anh có cơ hội nghe những cuộc trò chuyện của các nhân vật nổi tiếng trong ngành công nghệ. Spiegel cũng trở thành bạn của nhà sáng lập Công ty phần mềm Intuit Scott Cook sau khi vị này đến lớp học của anh nói chuyện. Cook đã đưa Spiegel về làm việc cho một sản phẩm mà Intuit dự định ra mắt tại Ấn Độ trong năm cuối đại học.
Tại Stanford, Spiegel quen biết 2 người mà sau này trở thành đồng sáng lập Snapchat là Reggie Brown và Bobby Murphy, đang là sinh viên khoa toán của trường. Cả 3 chàng trai trẻ cùng nhau nghiên cứu hình thành ứng dụng Picapoo, sau này đổi tên thành Snapchat. Ban đầu khi Spiegel trình bày ý tưởng về ứng dụng tin nhắn ảnh, video tự hủy trong vòng 10 giây, được nảy sinh ra sau những hình phạt cho sự nghịch ngợm của mình, nhiều người đã chế nhạo ý tưởng đó.
Họ cho rằng đây là một ý tưởng tồi tệ chỉ phục vụ cho mục đích nhắn tin khiêu dâm hoặc phân biệt đối sử với phụ nữ. Ngay như Cook, sau này trở thành nhà đầu tư đầu tiên của Snapchat bởi quá ấn tượng với Spiegel, cũng cho rằng ý tưởng ứng dụng quá ngu ngốc. "Tôi không tin vào sản phẩm. Ai cần những tấm ảnh biến mất chứ? Spiegel sẽ chết với việc kinh doanh sai lầm này" - Scott Cook nói với Business Insider.

Ý tưởng kỳ dị
Tuy nhiên, Spiegel vẫn bảo lưu quan điểm của mình và cho rằng mọi người chỉ nên chia sẻ với nhau những khoảnh khắc, cảm xúc tại thời điểm nói chuyện với nhau, không nên lưu giữ quá lâu, bởi có thể sẽ bị lợi dụng, đánh cắp thông tin và hình ảnh nhạy cảm. Do đó, dù chỉ còn một học phần nữa có thể tốt nghiệp đại học, nhưng Evan Spiegel vẫn quyết định bỏ học để dành toàn thời gian phát triển ứng dụng Snapchat.
Sau khi ra mắt, ứng dụng này đã nhanh chóng chinh phục giới trẻ Mỹ bởi họ có thể yên tâm gửi cho nhau những thông tin quan trọng mà chẳng sợ bị phát tán rộng rãi như ở trên Facebook. Spiegel chia sẻ: "Điều quan trọng nhất là bạn phải thực sự tìm thấy niềm vui trong quá trình làm việc. Bởi vì, trừ phi bạn tìm thấy được niềm vui trong việc chứng kiến cả công ty lẫn bản thân mình lớn mạnh dần, còn không bạn chắc chắn sẽ kiệt sức và bỏ cuộc".
Năm 2013, Snapchat đã có gần 60 triệu lượt tải và được định giá khoảng 800 triệu USD. Thành công nhanh chóng của Snapchat khiến nhiều nhà đầu tư và các công ty chú ý. Trong khoảng thời gian này, Mark Zuckerberg, CEO Facebook đã gặp Spiegel để bàn về những cơ hội phát triển của Snapchat trong tương lai.
Ông chủ Facebook đã tiết lộ với Spiegel về một phần mềm đang phát triển để cạnh tranh với Snapchat và đề nghị mua lại Snapchat với giá 3 tỷ USD. Song Spiegel và Murphy từ chối. Sau đó Facebook đã thử làm một bản sao giống Snapchat mang tên Poke nhưng thất bại. Sau đó 4 năm, đến lượt Google đưa ra lời đề nghị gấp 10 lần của Facebook tới 30 tỷ USD để sở hữu đứa con của Spiegel, nhưng vẫn bị anh từ chối.
Không giống Facebook, Snapchat không đòi hỏi người dùng tiết lộ thông tin cá nhân, cũng như không thu thập dữ liệu người dùng nhằm mục đích quảng cáo - thứ mà Spiegel miêu tả là “đáng sợ”. Anh đã định vị công ty chống lại Facebook khi muốn kết nối giao tiếp chỉ giữa những người bạn thân thiết với nhau. CEO cũng nói với tờ LA Times là muốn "truyền cảm hứng sáng tạo".
Ý tưởng điên rồ của Spiegel bất ngờ lại tạo nên sức hút lớn đối với giới trẻ tại Mỹ. Không chỉ là công cụ giao tiếp mới hay ho và thú vị, chính nhờ tính năng “tự động biến mất” của Snapchat đã giúp người dùng yên tâm gửi cho nhau những thông tin quan trọng, riêng tư mà không lo sợ bị người khác đọc trộm hay phát tán, bởi thậm chí việc chụp lại màn hình cũng khó khăn.
Cuối năm 2016, Snapchat được định giá 20 tỷ USD. Tháng 3-2017, công ty đã lên sàn chứng khoán New York với giá trị 33 tỷ USD, đưa nhà sáng lập Evan Spiegel trở thành CEO trẻ nhất của một công ty IPO. 
 Evan Spiegel được Forbes xếp hạng thứ 197 những tỷ phú thế giới năm 2021 với khối tài sản khoảng 9,9 tỷ USD. Anh là một trong những tỷ phú trẻ nhất trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ từ năm 2015, ở tuổi 25. Trong 2 năm liên tiếp, Spiegel là thành viên Forbes 400 duy nhất ở độ tuổi 20. 

Các tin khác