Người Sài Gòn “có nhiêu, chơi nhiêu”

(ĐTTCO) - Trước hết xin hiểu người Sài Gòn ở đây không phải là người có gốc rễ vài ba đời sống ở Sài Gòn, mà đơn giản là người sống, làm việc ở Sài Gòn đủ lâu để có thể thấm được văn hóa vùng đất này.
Người Sài Gòn “có nhiêu, chơi nhiêu”

Người Sài Gòn có nhiều câu nói cửa miệng nổi tiếng, nhưng có 2 câu nói lên tính cách người Sài Gòn, ấy là “Tứ hải giai huynh đệ” và “Có nhiêu chơi nhiêu”. Người Sài Gòn sống hào phóng, cởi mở, bình đẳng coi ai cũng là bằng hữu.

Nhưng câu nói “Có nhiêu chơi nhiêu” là đúng chất người Sài Gòn, và nói rộng ra là người Nam bộ. Nói nôm na là tôi, anh, chúng ta có chỉ bấy nhiêu thôi và cùng nhau chơi. Cái có bấy nhiêu thôi có thể là tiền bạc, sức khỏe, tay nghề, mồi nhậu và cả tình ái nữa.

Chính cái “nhiêu” nói lên cái thiệt tình, chân thành và có phần hồn nhiên của người cho và người nhận, của người tham dự một cuộc chơi, công việc, phi vụ làm ăn và mối quan hệ xã hội. Nó không câu nệ hình thức, màu mè, không nói quá lên, không ra vẻ ta đây, không phân biệt giàu nghèo, vùng miền, miễn là chấp nhận cùng chơi và chơi được.

Ở đất này, một người đến quán cơm móc túi trên túi dưới có 5.000 đồng, mua đĩa cơm không, người bán vui vẻ “có nhiêu à”, rồi người mua cũng có đĩa cơm được rưới thêm chút nước thịt kho và vài ba lát dưa chuột. Bạn bè đến chơi với nhau, hẻo quá chỉ có rượu đế loại xoàng, còn mồi là mấy quả cóc, xoài, sang hơn là con khô nướng cũng vui, thậm chí chả có gì quơ đại mấy nhánh bạc hà ngoài vườn với bát muối ớt, cũng đủ cho cái ly chạy giáp vòng mấy lượt.

Mà cái chuyện “có nhiêu chơi nhiêu” cũng có luôn cả trong tình ái. Anh bạn già của tôi, vợ mất đã lâu, con cái trưởng thành, được người quen giới thiệu với một phụ nữ cũng đồng cảnh. Hôm gặp chị, anh kể tuốt luốt ra nào là tuổi tác, quê quán, lương hưu, nhà cửa, gia cảnh, tình trạng sức khỏe cho chị nghe cứ như là bày đồ ăn ra bàn.

Rồi cả chuyện khả năng phòng the chồi sụt như thế nào cũng nói luôn và kết là anh chỉ có nhiêu thôi, tùy em. Ở phía bển, chị ấy cũng kể ra một thôi, một hồi, rồi nói em cũng chỉ có nhiêu thôi đấy. Vậy mà hai người bạn già “rổ rá cạp lại” sống với cái vốn “nhiêu đó” thật là vui và hạnh phúc.

Những ai theo dõi chương trình “Bạn muốn hẹn hò” do Quyền Linh, Cát Tường mai mối, mới thấy cái sự hồn nhiên của các cặp đôi theo tinh thần anh, em chỉ có nhiêu thôi chơi được là ừ cái rụp, không được cũng “bye” thẳng thừng. Cái hồn nhiên theo kiểu “có nhiêu chơi nhiêu” đúng là dễ chơi, vui vẻ, hòa đồng.

Nếu một lần dạo chơi quanh hồ Gươm Hà Nội vào tối thứ bảy, chủ nhật, sẽ thấy có nhiều nhóm và cả cá nhân biểu diễn ca nhạc, nhảy, trình diễn ảo thuật quanh Bờ Hồ. Cứ tóm bất cứ ca sĩ, nhạc công hay tay nghệ thuật đường phố nào hỏi, sẽ thấy họ từ nhạc viện, trường văn hóa quân đội, các đoàn ca nhạc, nhóm xiếc chuyên nghiệp cả đấy, nhiều người còn lừng danh với cả danh hiệu NSƯT nữa.

Còn dân vẽ chân dung ở chợ đêm hay ở Bờ Hồ, 10 người thì 9 người là Trường Mỹ thuật ra. Nói một cách rõ ràng, ở miền Bắc những ai dám chường mặt mình trước thiên hạ đều là người có nội lực và đỉnh cả, kể cả biểu diễn ở đám cưới hay hội nghị cũng thế. Đấy là nói các loại hình nghệ thuật đường phố, còn ở mảng hàn lâm khỏi phải nói, từ triển lãm tranh ảnh nghệ thuật, phim truyền hình, ca nhạc thính phòng, hòa nhạc đến các chương trình hoành tráng ngoài trời như Monsoon Music festival, hay Carnaval đều nặng ký cả.

Nhưng ở Sài Gòn lại khác, ra phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ đêm Bùi Viện, hay đường Hoàng Sa, Trường Sa, Phạm Văn Đồng sẽ gặp toàn ca sĩ kẹo kéo, nghệ sĩ hát rong và ca sĩ karaoke, chả có ai là dân chuyên nghiệp. Thậm chí đang đi chơi lòng vòng, hay đang chạy xe ba gác, xe taxi qua đám đông, thấy vui là nhào vô ca vài bản xong rồi lại đi tiếp.

Đúng là văn hóa, văn nghệ theo kiểu “có nhiêu chơi nhiêu” như thế vui, bình dân, hòa đồng, không tốn kém. Phải nói là trong số đó cũng có những người hát, nhảy, làm trò không tệ nhưng nhìn chung chỉ ở mức tầm tầm thôi. Tuy nhiên, ở phía khác nó mang lại sự dễ dãi, trong nhiều trường hợp rơi vào tầm thường và tạo ra nhiều sản phẩm ở mức tầm tầm, phổ thông, không vươn lên được đến đỉnh.

Có nhiều người nói, Sài Gòn là nơi hội tụ tứ xứ ai cũng thích đến đây mưu sinh, kiếm tiền. Nhưng nhiều người coi đây là nơi sống tạm một thời gian, không gắn bó cả đời cho nên cứ vui là chính.

Và vì là nơi tứ xứ nên không có màu cờ sắc áo riêng. Bằng chứng là bóng đá, dễ có đến hơn 20 năm nay dân Sài Gòn không còn sống chết với các đội bóng của mình như cái thời với đội bóng Cảng Sài Gòn, Hải Quan ngày xưa nữa. Đội SHB là của dân Đà Nẵng, đội Becamex là của dân Bình Dương, đội Hoàng Anh Gia Lai là của phố núi, còn đội Sài Gòn là của cả nước, cũng có nghĩa chẳng phải của ai.

Cũng có không ít người nói, Hà Nội là trái tim Tổ quốc, còn Sài Gòn - TPHCM là dạ dày của Tổ quốc, cho nên trừ kinh tế ra, mọi cái khác Sài Gòn thấp hơn là phải. Thế nhưng, đâu có phải cứ thủ đô thì hơn hẳn. Ở nước Nga, Saint-Peterburg là thành phố lớn thứ hai sau Moscow, nhưng về văn hóa nghệ thuật lại cao hơn thủ đô.

Tương tự ở Trung Quốc, thành phố Thượng Hải cũng đứng sau thủ đô Bắc Kinh, nhưng về văn hóa nghệ thuật nó vượt trội. Do vậy TPHCM cần phải định vị lại vị thế của mình, nếu không sẽ tụt xa về văn hóa nghệ thuật.

Các tin khác