Những thương hiệu nhà băng một thời...

(ĐTTCO) - Với vị trí đầu tàu cả nước, TPHCM từng có những thương hiệu nhà băng được “sinh ra” ở đây và một thời lẫy lừng, nhưng hiện tại bị lu mờ và bị nhiều ngân hàng (NH) khác bỏ lại phía sau, thậm chí có thương hiệu gần như đi vào dĩ vãng.

DongABank - một thương hiệu đã từng chạm đến đỉnh cao sức mạnh...
DongABank - một thương hiệu đã từng chạm đến đỉnh cao sức mạnh...
Chạm đỉnh và tuột dốc
Ra đời vào tháng 10-1987, NHTMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) là NHTMCP đầu tiên được thành lập trong hệ thống NHCP tại Việt Nam (trước khi có Luật Công ty và Pháp lệnh NH). Với dấu ấn đó, có thể nói TPHCM là nơi xuất phát điểm của mô hình NHTMCP trong nước.
Yếu tố nơi khởi nguồn gắn liền với TP đầu tàu kinh tế của cả nước, các NHTMCP đóng trên địa bàn cũng ghi những dấu ấn đậm nét trong sự phát triển, tập trung ở những năm 2005-2012. 
Còn nhớ năm 2007, sau nhiều năm cạnh tranh phân chia thị phần hoạt động tại trung tâm kinh tế tài chính lớn và sôi động nhất cả nước, khối NHTMCP đã chính thức vượt mặt khối NHTM nhà nước về thị phần huy động và tín dụng. Tại thời điểm tháng 12-2007, vốn điều lệ 18 NHTMCP có trụ sở chính tại TPHCM đạt 18.766 tỷ đồng, tăng 94,6% so với năm trước và gấp hơn 2 lần các NHTMCP có trụ sở ở Hà Nội.
Khi đó, Sacombank dẫn đầu về vốn điều lệ với 4.445 tỷ đồng, theo sau là Eximbank  2.800 tỷ đồng, ACB 2.530 tỷ đồng… Cùng với sự phát triển nhanh và mạnh đó, nhiều đối tác ngoại như ANZ, HSBC, Standard Chartered Bank, Citi Bank, Dragon Capital... đã trở thành cổ đông chiến lược của nhiều NHTMCP tại TPHCM.
Đáng tiếc, vị thế dẫn đầu của nhóm NH nói trên đã không được duy trì. SaigonBank đã không thể lớn lên về quy mô và mạnh lên về thương hiệu theo thời gian. Mức vốn điều lệ 3.080 tỷ đồng không thay đổi từ tháng 9-2012 đến nay, lợi nhuận chỉ nằm ở top cuối bảng xếp hạng và thương hiệu hoàn toàn mờ nhạt với người dùng.
Hay Sacombank, một trong những NHTMCP lớn và uy tín tại Việt Nam, cũng có giai đoạn bị chững lại do bị thâu tóm và hiện vẫn đang nỗ lực tái cơ cấu để xử lý tồn đọng. 
Nhiều NH từng chạm đến đỉnh cao về sức mạnh thương hiệu lẫn quy mô hoạt động nhưng đã đánh rơi vị trí của mình. Như DongABank đã tạo ra nhiều bất ngờ với những máy ATM hiện đại đạt kỷ lục Guinness cho các sản phẩm công nghệ, như máy ATM TK21 (năm 2007) nhận tiền mặt trực tiếp 100 tờ với nhiều mệnh giá trong 1 lần gửi; sản phẩm ATM lưu động đầu tiên tại Việt Nam (năm 2010) và máy bán vàng đầu tiên tại Việt Nam (năm 2010).
Đầu năm 2014, mạng lưới ATM thế hệ mới (gồm 250 máy) lớn nhất tại Việt Nam được ra mắt, cho phép nạp tiền vào tài khoản có nhiều mệnh giá cùng lúc lên tới 200 tờ, chụp serial từng tờ tiền và in biên lai, báo có ngay lập tức.
Song đến giữa tháng 8-2015, NHNN tiến hành kiểm soát đặc biệt đối với NH này. Kể từ đó những thông tin về hoạt động của DongABank rất hiếm hoi, thương hiệu lu mờ và có nhiều đồn đoán sẽ sáp nhập vào NH khác.
Một nốt trầm khác là Eximbank. Năm 2006 xuất phát điểm là NHTMCP với quy mô nhỏ, chỉ 4 năm sau Eximbank đã bước lên tầm trung. Giai đoạn 2011-2012 là đỉnh điểm phát triển khi nhà băng này nằm trong nhóm 5 NHTMCP lớn nhất Việt Nam, nắm trên 51% vốn cổ phần của Sacombank.
Nhưng sau đó Sacombank sáp nhập với SouthernBank, Eximbank buộc lòng phải rút vốn khỏi NH đối tác. Cũng từ đó kết quả kinh doanh bắt đầu lao dốc và xuất hiện xung đột nội bộ kéo dài trong nhiều năm. Nhiều kỳ ĐHCĐ thường niên và bất thường đã bất thành do sự thiếu đồng thuận giữa các nhóm cổ đông. Tranh quyền đoạt ghế dẫn đến việc Chủ tịch HĐQT thay đổi liên tục và có những năm ghế tổng giám đốc không có người ngồi. 
ACB từng được nhận giải thưởng NH tốt nhất Việt Nam 4 năm liên tiếp 2009, 2010, 2011, 2012 do các tạp chí Euromoney, Global Finance, AsiaMoney, FinanceAsia, The Asset, World Finance bình chọn, sau đó rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do các sai phạm của ông chủ NH thời trước trong vấn đề điều hành.
Tuy nhiên, trong những NH khai sinh ở TPHCM, ACB là NH thành công nhất trong nỗ lực vực dậy chính mình, từ năm 2017 đến nay nhà băng đã có những bước tiến nhảy vọt so với các NH tiếng tăm cùng thời.

Khó lấy lại vị thế
Ngược lại với diễn biến trên, nhóm các NHTMCP có trụ sở chính ở Hà Nội vài năm trở lại đây đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ. TPBank tuy không phải là NH lớn về quy mô vốn hay nằm ở top đầu về lợi nhuận, nhưng gắn liền với danh xưng “NH của kỷ nguyên số”, khi áp dụng hệ thống "NH không ngủ" LiveBank 24/7, và mới đây là phiên bản nâng cấp LiveBank+, cũng như có bước đi tiên phong trong chuyển đổi số trong hoạt động. 
Quý I-2022, VPBank gây bất ngờ khi vượt mặt Vietcombank, lần đầu tiên giành vị trí quán quân lợi nhuận trong 1 quý của toàn hệ thống NHTM. Đây cũng là lần đầu tiên có NHTMCP tư nhân đứng ở vị trí này. Vốn chỉ là NH ở chiếu dưới, từ năm 2010 VPBank theo đuổi chiến lược NH bán lẻ, sau đó đưa FE Credit trở thành mũi nhọn đột phá phân khúc tín dụng tiêu dùng, khai phá thị trường cho vay dưới chuẩn.
Hiện nay VPBank tiến xa ở xu thế khác: số hóa và chuyển đổi số và đang theo đuổi mục tiêu nằm trong nhóm 5 NHTMCP tư nhân và nhóm 3 NHTMCP tư nhân bán lẻ hàng đầu. 
Trong khi đó, Techcombank, từ một NH được thành lập với số vốn điều lệ ban đầu chỉ 20 tỷ đồng, hiện tại đã vươn lên vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng vốn điều lệ (số liệu NHNN đến 30-6-2022). Năm 2021, Techcombank trở thành NH tư nhân tiên phong ở Việt Nam vượt mốc lợi nhuận 1 tỷ USD. Nhà băng này cũng thể hiện rõ khát vọng chuyển đổi số qua việc đầu tư vào 3 trụ cột là dữ liệu, số hóa, nhân tài để tiếp tục cạnh tranh và phát triển.
Trở lại với các NHTMCP ở TPHCM, trong hơn 30 năm phát triển, đã từng có giai đoạn rực rỡ nhưng sau đó nhiều NH rơi vào khủng hoảng do những tồn tại, bất cập về chất lượng tăng trưởng, năng lực quản trị, điều hành… Điều này để lại nhiều hệ lụy và phải mất rất nhiều thời gian cũng như nỗ lực để tháo gỡ.
Vì thế, nếu mong chờ các nhà băng này lấy lại vị thế đỉnh cao một thời có lẽ rất khó. So với các NH còn lại, họ đã bị hụt hơi một thời gian dài khi phải tập trung xử lý tồn đọng thay vì phát triển hoạt động kinh doanh. 
Trong khi đó, nhóm NHTMCP đang nằm ở “chiếu trên” đang bước những bước đi thần tốc. Cho đến thời điểm này chỉ còn 11 NHTMCP có trụ sở chính tại TPHCM. Trong đó, VIB và HDBank được xếp ở “chiếu trên” trong bảng xếp hạng lợi nhuận NH, còn các NH quy mô nhỏ vẫn chưa thấy có sự đột phá đáng kể nào. 
Các NHTMCP ở TPHCM đã để lại rất nhiều tiếc nuối, khi những tên tuổi lừng lẫy một thời nay đã bị nhiều NH khác vượt mặt, bỏ lại khá xa trong cuộc cạnh tranh kinh doanh đầy khốc liệt và liên tục đổi mới.

Các tin khác