Nhận nhà băng yếu sẽ được ưu đãi gì?

(ĐTTCO) - Hoạt động tái cơ cấu hệ thống các TCTD đã đạt được kết quả khả quan trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, việc xử lý các NH yếu kém (gồm NH 0 đồng và NH bị kiểm soát đặc biệt) vẫn dậm chân tại chỗ, các đàm phán với đối tác nước ngoài đều không thành công. Nhưng bất ngờ năm nay nhiều NHTM lại lên kế hoạch nhận chuyển giao các NH yếu kém. Vì sao?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Gian nan “kết duyên” nhà đầu tư nước ngoài
Ngày 2-2-2015, NH Xây dựng (nay là CBBank) là NH đầu tiên được NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng. 2 trường hợp nữa cũng được NHNN mua lại 0 đồng là Ocean Bank (ngày 25-4-2015) và GPBank (ngày 7-7-2015). Hiện trạng của các NH khi bị mua bắt buộc là âm vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ xấu rất cao.
Sau khi mua lại, NHNN đã đổi tên các NH này thành NH TNHH MTV, giao Vietcombank tham gia hỗ trợ quản trị, tái cơ cấu. Tháng 8-2015, cơ quan quản lý NHNN tiếp tục đưa DongABank vào diện kiểm soát đặc biệt. Song sau đó, việc xử lý các NH đã gặp nhiều vướng mắc.
Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội, đánh giá việc tái cơ cấu các NHTM được NHNN mua 0 đồng chậm và chưa triệt để. Thực trạng tài chính của các NH này không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc thu hồi nợ xấu khó khăn.
Số liệu công bố thời điểm đó cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu tại 3 NH 0 đồng rất cao: GPBank 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,32% tổng dư nợ; OceanBank 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,25% dư nợ; CBBank 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ.
Sau đó, nhiều định chế tài chính nước ngoài đã tiếp kiến, làm việc với Chính phủ và NHNN để mua lại các NH 0 đồng. Tại Diễn đàn phát triển Việt Nam năm 2016, Chính phủ cho biết NH Phát triển châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam có kế hoạch xử lý mua lại 1 NH 0 đồng, và có thể giới thiệu cho những đối tác khác hỗ trợ Việt Nam xử lý nợ xấu và các NHTM yếu kém.
Năm 2019, Tập đoàn J Trust (Nhật Bản) đã trình bày kế hoạch mua lại CBBank. Cùng thời điểm, Tập đoàn Clermont (Singapore) bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực NH thông qua việc tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống NH 0 đồng. Các tập đoàn Maruhan (Nhật Bản), United Overseas Bank Limited (UOB) cũng quan tâm đến việc tham gia vào các NH 0 đồng. Điều này cho thấy các NH yếu kém này rất hút khách.
Thế nhưng, sau nhiều kỳ vọng, việc đối tác nước ngoài mua 100% cổ phần NH Việt Nam đã không xảy ra. Có thương vụ đã đi vào vòng đàm phán cuối cùng nhưng kết quả vẫn thất bại. Dư luận ngầm hiểu việc bán NH trong nước cho đối tác nước ngoài chỉ là yếu tố nằm trên dự tính, còn để trở thành sự thật vẫn rất khó vì đụng nhiều quy định, thậm chí là “cửa ải tâm lý” để nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hoàn toàn 1 NH Việt Nam. 
Trong khi đó, cơ quan quản lý lý giải đối tác ngoại đòi hỏi nhiều điều kiện khó đáp ứng, như NHNN phải tiếp tục hỗ trợ cho vay tái cấp vốn với lãi suất thấp, hoặc đề nghị giá mua “thấp không tưởng” nên không thể đàm phán. Theo đó, đã qua 7 năm việc tái cơ cấu các NH yếu kém vẫn dậm chân tại chỗ.

NH nội nhập cuộc
Nay câu chuyện tái cơ cấu các NH yếu kém mở sang chương mới, khi hàng loạt NH nội công bố dự kiến nhận chuyển giao bắt buộc một NHTM yếu kém. MB đã trình cổ đông thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc 1 TCTD theo chủ trương của Chính phủ, NHNN và quy định pháp luật trong kỳ họp thường niên 2022. Vietcombank công bố tờ trình với nội dung tương tự trước ĐHCĐ.
HDBank vừa lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản liên quan đến sự tham gia của NH vào chương trình tái cơ cấu TCTD và tỷ lệ cổ đông tán thành chủ trương này đạt 81,52%. 
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, cho biết đã có phương án xử lý 2/3 NH mua lại bắt buộc là CBBank và OceanBank, NHNN sẽ tích cực triển khai sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho các NH nội cùng tham gia, NHNN phải cấp cho các nhà băng tự nguyện gánh các NH yếu kém một số đặc quyền.
Theo tiết lộ của lãnh đạo MB, khi nhận tham gia chuyển giao bắt buộc, NHNN sẽ hỗ trợ về giấy phép và một số biện pháp để giải quyết vấn đề lỗ lũy kế của NH này. Khoản góp vốn vào NH chuyển giao bắt buộc không phải trích lập dự phòng giảm giá. Sau khi chuyển giao, NH này sẽ thuộc sở hữu của MB và MB có thể lựa chọn sáp nhập hoặc bán.
Còn Vietcombank cho biết không góp vốn vào NH nhận chuyển giao trong thời gian còn lỗ lũy kế. Ngoài ra, NH còn được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15-25% vốn tự có đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan; cho vay trung, dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm…
Trong bối cảnh NHNN thận trọng với hạn mức tín dụng (room) cho từng NH, nhưng các NH nhận chuyển giao bắt buộc NH yếu kém có thể được ưu tiên hơn trong việc nới room tín dụng. Cụ thể, Vietcombank sẽ được giao hạn mức khoảng 18-19%, MB được mở room đến 22%. 
Theo kế hoạch, HDBank công bố sẽ thực hiện góp vốn điều lệ không quá 9.000 tỷ đồng vào NH mục tiêu tại thời điểm chuyển giao bắt buộc. Tuy nhiên, HDBank cũng đề xuất phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế theo chương trình EMTN, với tổng giá trị 900 triệu USD, kỳ hạn 3-10 năm trong giai đoạn 2022-2024.
SSI Research đánh giá, không loại trừ khả năng một phần số tiền thu được sẽ sử dụng để tài trợ cho việc góp vốn vào NH mục tiêu, và/hoặc để chuẩn bị cho việc hạn mức tăng tưởng tín dụng cao hơn trong thời gian tới khi tham gia chương trình tái cơ cấu của NHNN. 
Đặt lên bàn cân, với đối tác nước ngoài, các đối tác trong nước vẫn được ưu ái hơn rất nhiều. Bởi lẽ, không có nhiều lựa chọn trong bối cảnh Chính phủ và NHNN đang đứng trước áp lực phải nhanh chóng xử lý các NH yếu kém, trong khi theo quy định tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của 1 NH Việt Nam. Thế nhưng phần ưu ái này không phải NH nào cũng đủ điều kiện để chen chân vào, vì không phải NH nào cũng có sức khỏe và năng lực điều hành tốt. 
 Kỳ vọng tái cơ cấu NH yếu kém đang đặt vào 3 NH nói trên và thị trường đang dõi theo tiến độ thực hiện và mong chờ không đứt gánh giữa đường như các thương vụ đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài.

Các tin khác