Ngân hàng ồ ạt rao bán các khoản nợ xấu bị “ế”

(ĐTTCO) – Nhiều khoản nợ hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng bị “ế” vẫn đang được các NHTM miệt mài rao bán, thậm chí nhiều khoản được đại hạ giá để tìm người mua.

Ngân hàng vẫn tiếp tục rao bán nhiều khoản tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu. (Ảnh minh họa).
Ngân hàng vẫn tiếp tục rao bán nhiều khoản tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu. (Ảnh minh họa).

Mới đây, VietinBank chi nhánh Khu công nghiệp Hải Dương thông báo phối hợp cùng tổ chức đấu giá tài sản bán đấu giá công khai khoản nợ của CTCP Phúc Đạt. Toàn bộ giá trị khoản nợ theo hợp đồng tín dụng năm 2014 tính đến ngày 31-3 là 161,5 tỷ đồng (bao gồm nợ gốc 105,6 tỷ đồng đồng, lãi cộng dồn 48,1 tỷ đồng, lãi phạt cộng dồn là 7,7 tỷ đồng). Giá khởi điểm chào bán là 105,6 tỷ đồng. Tiền đặt trước khi tham gia đấu giá 10,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VietinBank chi nhánh Đà Nẵng cũng có thông báo về việc chào bán khoản nợ của Công ty TNHH CoCo City Tour. Tổng nợ của CoCo City Tour tính đến ngày 8-5 là 36,3 tỷ đồng (dư nợ gốc là 26,9 tỷ đồng, nợ lãi 9,4 tỷ đồng, lãi trong hạn 8,7 tỷ đồng, lãi phạt chậm trả 703 triệu đồng). Giá bán lần này thấp hơn mức 50,3 tỷ đồng (gồm nợ gốc hơn 43,2 tỷ và dư nợ lãi là hơn 7 tỷ đồng) được NH rao bán vào cuối năm 2021.

Một khoản nợ khác của CTCP Năng lượng tái tạo Toàn Cầu theo hợp đồng tín dụng từ tháng 1-2017cũng được VietinBank Phú Quốc thông báo tìm người mua. Tính đến 25-4, tổng dư nợ của công ty Toàn Cầu tại NH là hơn 114 tỷ đồng (nợ gốc là 85,5 tỷ, dư nợ lãi là 28,5 tỷ đồng). Tháng 11-2021, NH đã rao bán với giá 105,4 tỷ đồng nhưng chưa thành công.

Phía BIDV cũng đang thông báo bán đấu giá khoản nợ của hai DN xây dựng theo hợp đồng tín dụnggồm Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Bách Giang và Công ty TNHH Xây dựng thương mại Cao Nguyên. Đây là lần thứ 8 khoản nợ này được rao bán.

Dư nợ của công ty Bách Giang có giá trị tạm tính đến ngày 11-3 là 253,2 tỷ đồng (dư nợ gốc là 97,3 tỷ đồng, nợ lãi là 155,6 tỷ đồng). Công ty Cao Nguyên có giá trị dư nợ tạm tính là hơn 262 tỷ đồng (nợ gốc là 100,6 tỷ đồng, nợ lãi 161,3 tỷ đồng)

Nhà băng này cũng thông báo tìm DN đấu giá khoản nợ của công ty TNHH GAC Việt Nam. Toàn bộ dư nợ gốc, lãi và phí tạm tính đến ngày 11-1 là 123 tỷ đồng (dư nợ gốc là 104 tỷ đồng, dư nợ lãi là 18,4 tỷ đồng).

Vietcombank vừa thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp của Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí với giá khởi điểm 270,6 tỷ đồng để thu hồi nợ vay. Khoản nợ này được rao bán nhiều lần nhưng chưa thành công. Trong lần chào bán gần nhất trước đó, giá bán ở mức 340 tỷ đồng.

Tài sản được đấu giá là quyền tài sản tương ứng với 20% phần vốn góp của Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí theo hợp đồng hợp tác kinh doanh năm 2019 và các phụ lục hợp đồng đính kèm để xây dựng cao ốc văn phòng Dragon Tower (nay đổi tên là tòa nhà PVGas Tower) tại TPHCM.

Cũng liên quan đến hoạt động mua bán nợ, giữa tháng 10-2021, sàn giao dịch nợ VAMC chính thức đi vào hoạt động. Thông tin từ VAMC hồi tháng 4 cho biết, đã có gần 90 khách hàng là cá nhân và tổ chức đăng ký là thành viên của sàn và đã được cấp user thành viên truy cập, đồng thời còn nhiều hồ sơ đăng ký khác đang được Sàn giao dịch nợ thẩm định, phê duyệt theo quy định. 

Sàn giao dịch nợ đã thực hiện ký hợp đồng nguyên tắc đề nghị môi giới bán khoản nợ, tài sản bảo đảm với 10 TCTD và đã thực hiện đăng tải hàng hoá là khoản nợ, tài sản bảo đảm của các TCTD lên website của Sàn giao dịch nợ với giá trị dư nợ đạt gần 15.000 tỷ đồng. Sàn giao dịch nợ cũng đã tiếp cận với nhiều khách hàng có nhu cầu thực hiện nghiệp vụ tư vấn, môi giới và dự kiến sẽ ký hợp đồng trong thời gian tới sau quá trình chuẩn bị và thẩm định.

Tuy nhiên trên thực tế, sàn giao dịch nợ có vẻ chưa nhộn nhịp như kỳ vọng và NH vẫn phải liên tục tìm DN đấu giá, liên tục rao bán các tài sản đảm bảo giá trị lớn.

Các tin khác