Năm 2022: Lợi nhuận ngân hàng có thể tăng trưởng 25%

(ĐTTCO) - Ngày 25-5, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng 2022”. 
Về triển vọng kinh tế năm 2022, báo cáo dự báo kinh tế Việt Nam có thể phục hồi tốt hơn trong năm 2022, tăng trưởng có thể đạt 5,5-6% (kịch bản cơ sở) và cao hơn trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát có thể tăng lên đạt mức 3,8 - 4,2% năm 2022 và duy trì mức 4% năm 2023.
Trong đó, riêng lĩnh vực ngân hàng, báo cáo dự báo lợi nhuận toàn ngành năm 2022 kỳ vọng tăng trưởng khoảng 20 - 25% so với năm 2021, tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt mức khoảng 14 - 15%.
Năm 2022: Lợi nhuận ngân hàng có thể tăng trưởng 25% ảnh 1 Thị trường tài chính Việt Nam 2022 được đánh giá có tăng trưởng, song vẫn đi kèm với những rủi ro
Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thị trường ngân hàng cũng xuất hiện rủi ro như nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, tội phạm tài chính tăng; thị trường chứng khoán sau giai đoạn phát triển nhanh đang có những điều chỉnh giảm điểm, xuất hiện thao túng giá, vi phạm công bố thông tin, cho vay ký quỹ tăng nhanh, nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều, tâm lý đám đông dẫn dắt…
Những rủi ro này đã được các cơ quan quản lý nhận diện và đang có những chính sách, giải pháp khắc phục nhằm ổn định, lành mạnh hóa thị trường. 
TS Cấn Văn Lực cho biết, bước sang năm nay, kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục phục hồi nhưng sẽ chậm hơn (tăng trưởng 3,2-3,6%) do diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, chiến sự Nga – Ukraine nổ ra cùng với các lệnh trừng phạt, tiếp tục đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa và dịch vụ, lạm phát toàn cầu tăng cao…
Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính Việt Nam năm 2022 cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi này nhưng cũng có những bước điều chỉnh giảm điểm cùng với đà chung của chứng khoán thế giới, cùng với tác động từ những chính sách, biện pháp chấn chỉnh thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Tại hội thảo, các diễn giả và các chuyên gia đã đưa ra một số kiến nghị chính sách đối với Quốc hội, Chính phủ, NHNN và Bộ Tài chính, trong đó nhấn mạnh vào nội dung tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng vốn; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách liên quan đến xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường quản lý rủi ro hệ thống tài chính; đẩy nhanh xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, tài chính - ngân hàng số; khuyến khích phát triển tài chính xanh như tín dụng xanh, trái phiếu xanh…

Các tin khác