Linh hoạt ổn định VNĐ trong dài hạn

Trong những tháng cuối năm 2013, đồng rupi Ấn Độ và đồng rupiah Indonesia đã mất giá khoảng 10%. Trong bối cảnh đó, VNĐ được xem là đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á trong năm qua khi chỉ điều chỉnh giảm 2%.

Năm 2013, các đồng tiền khác trong khu vực như đồng rupi Ấn Độ, hay đồng rupiah của Indonesia, đồng ringgit của Malaysia, đồng baht của Thái Lan… đều mất giá mạnh. Nguyên nhân vì các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại Hoa Kỳ cắt giảm quy mô chương trình kích thích tiền tệ nên rút ra lượng lớn tiền, xa lánh những thị trường chứa đựng rủi ro lớn bởi thâm hụt ngân sách, tăng trưởng chậm và lạm phát cao.

Trong những tháng cuối năm 2013, đồng rupi Ấn Độ và đồng rupiah Indonesia đã mất giá khoảng 10%. Trong bối cảnh đó, VNĐ được xem là đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á trong năm qua khi chỉ điều chỉnh giảm 2%.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, sở dĩ VNĐ chịu ảnh hưởng rất ít do dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì ổn định và nguồn vốn này chủ yếu là đầu tư trực tiếp chứ không phải gián tiếp như các quốc gia khác, nên dòng vốn đầu tư vào Việt Nam không bị nhà đầu tư rút về. Song song đó, nguồn đầu tư gián tiếp sau khi tháo chạy khỏi các nước trong khu vực Đông Nam Á lại có xu hướng đổ vào Việt Nam. Điều này đã giúp VNĐ giữ được sự ổn định trong năm 2013.

Dự báo về triển vọng trong năm 2014, khối Nghiên cứu Kinh tế của NH HSBC đã công bố bản báo cáo về triển vọng tiền đồng Việt Nam với chủ đề “Đồng Việt Nam - ổn định trong hiện tại”. Theo HSBC, sau khi NHNN nâng tỷ giá bình quân liên NH của USD-VNĐ từ 20.828 (mức ổn định từ ngày 24-12-2011) lên 21.036 đồng/USD vào tháng 6-2013, (tức hạ giá VNĐ so với USD 1%) đến nay tỷ giá vẫn ổn định xung quanh mức bình quân mới.

HSBC cho rằng, dự trữ ngoại hối năm 2014 của NHNN sẽ tiếp tục tích cực. Bởi từ nửa sau năm 2013, đồng Việt Nam yếu đi cũng như các yếu tố mùa vụ giúp tình hình xuất khẩu tốt hơn, nên cán cân thanh toán đã phục hồi. Hiện Việt Nam vẫn còn lợi thế về cơ cấu ngành và giá nhân công cạnh tranh nên triển vọng xuất khẩu sẽ tươi sáng hơn, cán cân thương mại sẽ tiếp tục theo xu hướng ổn định. Song ngược lại, nhập khẩu đang có xu hướng bị kéo giảm bởi quá trình tái cơ cấu đang làm suy giảm tiêu thụ và nhu cầu đầu tư trong nước và điều này có thể sẽ còn xảy ra vào năm 2014. Thặng dư thương mại mặc dù khiêm tốn nhưng hợp với dòng kiều hối đang đổ về ngày càng mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tài khoản vãng lai.

Một yếu tố hỗ trợ nữa là dòng vốn FDI năm 2013 đạt 19,2 tỷ USD, vượt chỉ tiêu cả năm của Chính phủ là 13-14 tỷ USD, triển vọng tiếp tục thu hút dòng vốn FDI đang có nhiều khả năng tăng trưởng tốt hơn. Bên cạnh đó, lạm phát cũng đang ổn định, lãi suất thực tế vẫn ở ngưỡng tích cực và giảm nguy cơ đô la hóa. Tuy nhiên, triển vọng này cũng có nhiều rủi ro do sự ổn định về tài khoản vãng lai và lạm phát thường có khuynh hướng ngắn hạn. Do vậy cần một chính sách tiền tệ đúng đắn để kiểm soát 2 yếu tố này.

Đồng tình với những nhận định HSBC, một chuyên gia tài chính cho rằng, nếu các yếu tố trên được giữ nguyên cùng với chính sách điều hành tỷ giá của Chính phủ được thực hiện với biên độ điều chỉnh tỷ giá 2% như đã đề ra, khả năng giữ ổn định tỷ giá trong năm 2014 rất lớn.

Trong điều kiện các đồng tiền thuộc loại mạnh trên thế giới như USD, Yen, Euro, Nhân dân tệ thời gian qua đang mạnh lên, biên độ điều chỉnh tỷ giá đưa ra như vậy sẽ giữ được hài hòa diễn biến giữa các đồng ngoại tệ. Hơn nữa, xuất khẩu đang theo hướng tích cực, khả năng cung ứng và thị trường đều có, trong khi nhập siêu được quản lý chặt chẽ hơn, các yếu tố này có thể giúp NHNN đảm bảo tỷ giá ổn định và có tăng linh hoạt theo biên độ đề ra. Song chuyên gia này cũng lưu ý, nếu giữ tỷ giá ổn định hoặc phá giá 2% trong năm 2014, VNĐ vẫn còn mạnh so với USD.

Trong khi đó, Việt Nam đang chuẩn bị thực thi Hiệp định ASEAN+1, nên nguy cơ các doanh nghiệp sản xuất trong nước không chịu nổi áp lực cạnh tranh hàng hóa nhập khẩu từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… rất lớn. Nhưng nếu điều chỉnh tỷ giá quá lớn sẽ gây sức ép lên nhà điều hành, bởi nền sản xuất nước ta còn phụ thuộc nguyên liệu đầu vào nhập khẩu.

Song song đó, nợ quốc gia bằng ngoại tệ đang ở mức khá cao, nếu phá giá lớn, số nợ quy ra VNĐ sẽ rất lớn. Đây là bài toán của những năm qua mà các nhà điều hành vẫn đang tính toán. 

Các tin khác