Kiểm soát tín dụng vào bất động sản

(ĐTTCO) - Kiên định chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%, điều hành chặt chẽ tín dụng bất động sản (BĐS), là thông tin được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra trong thông báo tuần qua. Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ phát đi thông điệp về vấn đề này.
Kiểm soát tín dụng vào bất động sản
Thời gian gần đây, qua các kênh khác nhau, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) gửi đến cơ quan điều hành thông tin về việc room tín dụng đã cạn. Tình hình này khiến các NH không thể tiếp tục giải ngân cho khách hàng. Còn các khách hàng, nhất là doanh nghiệp  BĐS, bị rơi vào thế khó khi dự án đang triển khai nhưng khoản vay ngàn tỷ chưa được giải ngân.
Theo NHNN, nguyên nhân do các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn do hết room, còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc một số NH xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao... Nếu NH nào hoạt động chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động, sẽ thường xuyên có nguồn thu nợ và tiếp tục cho vay. Một số TCTD chủ yếu cho vay trung, dài hạn, tập trung vào lĩnh vực BĐS thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng. 
Những tháng đầu năm, tín dụng tăng nhanh trước diễn biến phục hồi của nền kinh tế. Tính đến ngày 20-7, dư nợ toàn hệ thống tăng 9,27% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ 2021 tăng 6,47%) và tăng 16,61% so với cùng kỳ 2021 (cùng kỳ 2021 tăng 15,87%). Điều này cho thấy, chính sách tín dụng đang thực hiện hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế, nhưng cũng là tín hiệu thể hiện tín dụng đã tăng rất mạnh. 
Trong bối cảnh áp lực tăng giá ngày càng gia tăng, khi lạm phát từ bên ngoài đã bắt đầu ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất trong nước, cũng như nợ xấu NH tăng ở mức cao, cơ cấu tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là tín dụng bán lẻ và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp gia tăng nhanh chóng, thì chính sách tiền tệ phải thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá. 
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ, yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi kinh tế, nhưng mục tiêu bao trùm vẫn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc điều hành phải theo dõi sát sao diễn biến tốc độ giải ngân của chương trình phục hồi, sự tích cực của dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.
Đây là những vấn đề liên quan tới chính sách tiền tệ ngắn hạn cần theo dõi. NHNN tiếp tục điều hành theo chỉ tiêu định hướng 14% đã đề ra từ đầu năm; đồng thời theo dõi sát diễn biến để có chỉ đạo điều hành, kết hợp với chính sách tài khóa.
Với tín dụng lĩnh vực BĐS, đến tháng 6 tổng dư nợ đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%). Dù nguồn vốn tín dụng chỉ là một trong số các nguồn vốn đầu tư vào thị trường BĐS, nhưng đây là nguồn vốn mang tính chất trọng yếu. Tuy vậy, NHNN khẳng định tín dụng NH chỉ giải quyết được các vấn đề tạm thời đối với thị trường BĐS. 
Bởi lẽ tín dụng NH được đẩy mạnh quá mức vào BĐS sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng tới an toàn hệ thống TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung. Do nhu cầu tín dụng đối với lĩnh vực BĐS có thời gian vay vốn dài (khoảng 94% dư nợ tín dụng BĐS có thời gian vay vốn 10-25 năm), trong khi nguồn huy động của TCTD chủ yếu là ngắn hạn (chiếm 80%) với lãi suất thay đổi theo thị trường, vì vậy các TCTD sẽ đối mặt với rủi ro thanh khoản. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thời gian qua.

Các tin khác