Đồng bộ gỡ điểm nghẽn tín dụng

Bước sang năm 2014, doanh nghiệp (DN) mà nhất là DNNVV vẫn trong tình trạng tắc vốn, trong khi NHTM thừa vốn. Muốn khơi thông dòng tín dụng này cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp vĩ mô cũng như sự chủ động của NHTM và DN mới có thể tháo gỡ.

Bước sang năm 2014, doanh nghiệp (DN) mà nhất là DNNVV vẫn trong tình trạng tắc vốn, trong khi NHTM thừa vốn. Muốn khơi thông dòng tín dụng này cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp vĩ mô cũng như sự chủ động của NHTM và DN mới có thể tháo gỡ.

Vốn vẫn tắc nghẽn

Những khó khăn của DN được thể hiện: Thứ nhất, điều hành quản lý phát sinh nhiều yếu tố như vòng thẩm định NH, không đảm bảo nguyên tắc phá sản, số DN đủ điều kiện vượt qua không nhiều. Thứ hai, hiệu quả sử dụng dòng vốn và khả năng rủi ro cao, nợ quá hạn tại các NH quá lớn.

Mặc dù các NHTM báo cáo nợ quá hạn chỉ 4-5%/tổng dư nợ, nhưng thực tế con số này 8-10%. Đến ngày 1-6-2014, thực hiện phân loại nợ theo Thông tư 02, chắc chắn con số nợ quá hạn sẽ tăng.

Bởi hiện nay các NHTM cho DN vay 1 dự án sẽ chia ra 5 thời kỳ trả nợ, thời kỳ đầu DN không trả nợ được NH sẽ khoanh lại, 4 kỳ sau vẫn trong hạn, tức vẫn tốt. Nhưng với Thông tư 02, giai đoạn đầu của dự án không trả nợ xem như toàn bộ 5 kỳ là nợ quá hạn nên con số nợ sẽ rất lớn.

Các DN phải chủ động sắp xếp lại, đẩy mạnh cổ phần và phải gắn với thị trường theo thông lệ quốc tế. Chỉ khi nào khó khăn được tháo gỡ đồng bộ với những giải pháp mạnh mẽ, nền kinh tế mới có thể vượt khó và DN, NH kinh doanh đạt được hiệu quả tốt nhất.

NHNN đã quyết định đến tháng 6 sẽ áp dụng Thông tư 02, không lùi nữa, lúc đó số lượng nợ xấu sẽ rất lớn, kéo theo DN phá sản tăng lên. Trong khi đó, kinh tế thế giới phục hồi chậm và lối ra chưa rõ sẽ tiếp tục gây áp lực lớn. Càng khó khăn, khả năng tiếp cận vốn của DN càng thấp, thậm chí DN không dám vay.

Trong khi đó, dòng vốn, thanh khoản NH tốt, nhưng huy động gấp đôi cho vay nên đang trong tình trạng thừa vốn. Điều này rất nguy bởi không cho vay ra được, trong khi hàng tháng vẫn phải trả lãi khách hàng, NH sẽ lỗ, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Để gỡ khó, NH dùng tiền huy động mua trái phiếu chính phủ, đưa vào tài chính chi tiêu. Nhưng nguồn vốn này sẽ không phát huy hiệu quả, thậm chí không thu hồi được, không giải quyết được lao động, an sinh xã hội. Vì thế, giải pháp tình thế cho NH lúc khó khăn chưa khơi thông được là mâu thuẫn thực trạng.

Nền kinh tế nước ta đang nằm trong thời kỳ kinh tế thế giới biến động lớn mà Việt Nam phải mở cửa rất cao, trong khi nguyên vật liệu, vật tư, vốn, công nghệ đều phụ thuộc lớn vào nước ngoài. Nên khi thị trường thế giới có biến động, Việt Nam sẽ chịu tác động nặng nề hơn.

Hay khi tổng cầu và sức mua của nền kinh tế thế giới và trong nước đang giảm, lan sang cả tiêu dùng và đời sống. Bên cạnh đó, do giá cả vật tư thế giới tăng rất nhanh, đầu vào tăng nhanh, chi phí tăng cao cộng với thị trường co lại do kinh tế thế giới suy yếu, kéo theo sức mua trong nước giảm đi nên khả năng tiếp cận vốn của DN lại bế tắc.

Đồng bộ các giải pháp

Vấn đề đặt ra trong năm 2014 là giải quyết khó khăn như thế nào? Theo tôi, hiện có 3 nút thắt lớn của nền kinh tế, gồm ngân sách, sức khỏe DN và các kế hoạch dài hạn cho nền kinh tế. Các vấn đề này cần được thực hiện nghiêm túc và đồng bộ.

Thuận lợi nhìn thấy được trong năm 2014 là chúng ta sẽ tập trung sắp xếp lại DNNN, thực hiện cổ phần hóa mạnh mẽ theo đề án tái cấu trúc của Chính phủ. Giải quyết được vấn đề này sẽ lành mạnh hóa về tài chính và hoạt động của DNNN - đối tượng vay vốn nhiều. Khi DN được sắp xếp lại, NH sẽ yên tâm cho vay ra và khả năng tiếp cận vốn của DN tốt hơn.

Vấn đề đặt ra là sắp xếp lại phải làm dứt khoát, những DN không đủ tiêu chuẩn cho rời thị trường, DN đủ điều kiện ở lại. Bên cạnh đó phải giải quyết nợ công - một điểm nghẽn rất lớn đang gây mất an toàn cho nền kinh tế.

Bởi nếu không giải quyết được nợ công, khả năng cân đối dòng vốn sắp tới rất căng thẳng. Năm 2014, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với giải quyết ngân sách, điều chỉnh lại mức thu, giảm nhanh chi phí của Nhà nước và chi phí nợ công. Theo đó, những dự án xây dựng cơ bản dài hơi phải rà soát sắp xếp lại, dự án nào cần thiết cho tiếp tục, dự án nào không cần dứt khoát bỏ dù có thể gây lãng phí một số chỗ còn hơn để kéo dài sẽ gây hậu quả về sau.

Dòng vốn NH hiện nay đang chảy vào nhiều hơn ra. Ảnh: LONG THANH

Dòng vốn NH hiện nay đang chảy vào nhiều hơn ra. Ảnh: LONG THANH

Vấn đề nữa là tất cả yếu tố điều hành năm 2014 phải tiến một bước theo nguyên tắc thị trường, kể cả điều hành giá, lãi suất, tỷ giá. Dù hiện nay lãi suất đã được kéo xuống sát với lạm phát, nhưng nếu so với thế giới và các nước trong khu vực, lãi suất Việt Nam vẫn cao gấp 2 lần.

Muốn kéo giảm lãi suất phải kéo lạm phát và muốn kéo lạm phát trở lại bình thường phải theo nguyên tắc thị trường. Theo đó, năm 2014 công tác nhân sự bộ máy cần xem xét mạnh hơn, những người không hoàn thành nhiệm vụ phải rời khỏi vị trí, chọn lựa những người có khả năng để đảm nhiệm nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Về vĩ mô, nếu triển khai thực hiện tốt những vấn đề trên sẽ tháo gỡ được khó khăn cho nền kinh tế. Về hệ thống NH cần quyết liệt hơn trong việc hỗ trợ DN (nhưng không đụng chạm đến nguyên tắc thị trường), chia sẻ và tháo gỡ vốn cho DN.

Theo đó, tín dụng tập trung vào 5 đối tượng ưu tiên với lãi suất thấp hơn, điều kiện ưu đãi hơn, giải quyết tập trung hơn. Bên cạnh đó, cần giải quyết nợ xấu theo phân loại mới, trước hết đảm bảo về pháp lý để nợ xấu đưa sang Công ty Quản lý nợ của các tổ chức tín dụng (VAMC) có thể kinh doanh được, có lãi, giúp nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài yên tâm mua bán. Những thủ tục hiện nay bị mắc trong giải quyết, mua bán nợ xấu cần tháo gỡ từng bước, nhất là về môi trường pháp lý.

Về thị trường vàng, vừa qua chúng ta đã giải quyết được cung - cầu, giải quyết được tâm lý tích trữ, nạn đầu cơ, không để giá vàng tăng đột xuất. Nhưng chênh lệch giá trong nước và thế giới vẫn còn cao, vàng trong dân còn rất lớn chưa huy động được. Vì thế cần tập trung giải quyết vấn đề này và có cơ chế xuất khẩu vàng để thông thoáng, tạo nên một thị trường vàng liên thông, ổn định.

Các tin khác