Đề xuất giảm lãi suất tiền gửi về 0%: Phi thực tế

(ĐTTCO) - Ngày 22-6, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH-ĐT, Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị 5 giải pháp để hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm. 

Đó là: Bộ Tài chính xây dựng luật thuế tài sản theo hướng hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản, kiểm soát giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến; hướng dòng tiền nhàn rỗi vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động dưới 2%/năm; khi lãi suất tiền gửi giảm, Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách thu phí tiền gửi ngoại tệ; Kiểm soát thâm hụt ngân sách hàng năm; Củng cố hệ thống ngân hàng theo hướng loại bỏ ngân hàng yếu kém. Trước đề xuất này, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia luật, kinh tế.

Đề xuất giảm lãi suất tiền gửi về 0%: Phi thực tế ảnh 1Nếu lãi suất 0%, ngân hàng sẽ không thu hút khách gửi tiền như trước. Ảnh: QUANG PHÚC

TS CẤN VĂN LỰC - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Thị trường sẽ náo loạn

Tôi cho rằng đề xuất của VAFI là không khả thi, thiếu thực tế. Thứ nhất, VAFI so sánh lãi suất của Việt Nam với các nước như châu Âu, Mỹ và một số nước trong khu vực là khập khiễng vì rủi ro nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam cao hơn. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, trong khi một số nước trong khu vực có mặt bằng lãi suất thấp và hạn mức tín nhiệm cũng cao hơn, ví dụ Trung Quốc đã gần lên mức A. Rủi ro cao thì đương nhiên lãi suất sẽ phải cao hơn. 

Thứ hai, lạm phát Việt Nam đang ở mức cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó lãi suất của chúng ta cũng phải cao hơn.  

Thứ ba, việc giảm lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến thanh khoản hệ thống ngân hàng. Giả sử lạm phát 3,5%/năm nhưng lãi suất tiền gửi chỉ 0% thì người gửi tiền vào ngân hàng sẽ phải chịu lãi suất thực âm. Khi đó, người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng. Hậu quả là ngân hàng sẽ âm tiền gửi, không có tiền cho vay, tác động không chỉ đến thanh khoản hệ thống mà còn đến cung tiền cho toàn bộ nền kinh tế.

Thứ tư, nếu lãi suất giảm về 0%, người dân sẽ ồ ạt rót vốn vào các kênh đầu tư rủi ro khác như: chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số, thậm chí là mua vàng, mua USD... Điều này xảy ra sẽ làm náo loạn xã hội.

Ông NGUYỄN QUỐC HÙNG - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Thiếu cơ sở khoa học

Tôi cho rằng đề xuất của VAFI là thiếu cơ sở khoa học. VAFI đang nhầm lẫn giữa lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương và lãi suất thực tế của các ngân hàng thương mại. Một số quốc gia khi nền kinh tế rơi vào tăng trưởng âm đã đưa lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cơ bản về mức 0% chứ không ngân hàng thương mại nào trên thế giới có lãi suất tiền gửi 0%. 

Đề xuất này của VAFI là chưa phù hợp với thực tế, nhất là trong bối cảnh tình hình ở Việt Nam như hiện nay. Trong điều kiện nền kinh tế đang rất khó khăn như hiện nay, việc đưa lãi suất về 0% thì còn ai gửi tiền vào ngân hàng nữa. Bản thân quyền lợi người gửi tiền sẽ như thế nào và lạm phát ở ta có âm đâu? Lạm phát mà âm hoặc bằng 0 thì giảm lãi suất còn có thể thực hiện được nhưng lạm phát dự kiến vẫn ở mức 3%-4%/năm. Đưa lãi suất về 0% là kiến nghị không có cơ sở khoa học.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC - Giám đốc Công ty Luật ANVI: Không nên sử dụng công cụ hành chính bóp méo thị trường

Lãi suất phản ánh nguyên tắc vận hành của thị trường. Trước kia, khi lãi suất ngân hàng mấy chục phần trăm, nếu như không có sự điều chỉnh bằng các chính sách kéo dài suốt nhiều năm sau đó và đưa thị trường dần vào ổn định thì lãi suất đâu có giảm. Lãi suất cho vay hiện cũng đã giảm xuống rất nhiều nên muốn tăng lên cũng rất khó. Đó là những yếu tố do thị trường quyết định. 

Ở đây tất nhiên sẽ có vấn đề cần phải có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước. Nhưng, vai trò điều tiết ấy là để giúp thị trường ổn định khi cần thiết chứ không phải khiến thị trường bị méo mó, náo loạn. Tôi đồng ý cần giảm lãi suất nhưng phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của thị trường, tuyệt đối không thể sử dụng công cụ hành chính cứng nhắc để can thiệp. Đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0% chính là kiến nghị mang tính hành chính cứng nhắc. 

Mặt khác, phải hiểu tiền gửi tiết kiệm của cá nhân, tổ chức vào ngân hàng cũng được xem là tiền đầu tư. Họ không đầu tư trực tiếp mà là gián tiếp thông qua ngân hàng. Như vậy, khi hiểu được bản chất như thế, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra phương thức khác sao cho phù hợp.

Dòng tiền tuân theo nguyên tắc thị trường và có sự vận hành của riêng nó. Khi các lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dịch vụ, xây dựng… tốt lên, tự khắc nhà đầu tư sẽ biết nên chọn đầu tư vào cái gì; dòng tiền tự khắc sẽ biết chảy vào đâu thay vì chỉ đổ vào ngân hàng như hiện nay. Do đó, chúng ta hoàn toàn không cần phải “nắn dòng tiền” bằng đề xuất hạ lãi suất tiền gửi ngân hàng về mức 0%.

Các tin khác