Chứng chỉ tiền gửi có còn hấp dẫn?

(ĐTTCO) - Cuộc đua huy động vốn của các NHTM đang được đốt nóng và diễn ra trên diện rộng, các chiêu bài hút tiền gửi cũng được tung ra. Một trong số đó là chứng chỉ tiền gửi (CCTG) lãi suất cao. Song khác với các năm trước, hoạt động phát hành giấy tờ có giá như CCTG hiện tại không đuổi kịp sản phẩm tiết kiệm bởi lãi suất huy động (LSHĐ) tiền gửi đang tăng tốc từng ngày.

Chứng chỉ tiền gửi có còn hấp dẫn?
Công cụ hút vốn hấp dẫn trước đây
Sau khi NHNN điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành hồi cuối tháng 9, LSHĐ của các NHTM rục rịch tăng mạnh, kéo theo lãi suất CCTG cũng tăng theo. Đến đầu tháng 10, NH Bản Việt đã “đốt nóng” mặt bằng lãi suất khi công bố phát hành CCTG với mức 8,4%/năm cho kỳ hạn 18 tháng - mức LSHĐ vốn cao nhất trên thị trường. Ở các kỳ hạn khác, NH này cũng áp dụng mức lãi suất CCTG cuối kỳ khá cao, 6 tháng là 7,5%/năm, 9 tháng 7,8%/năm, 12 tháng 8%/năm và 15 tháng 8,2%/năm. So với lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng của các NH, lãi suất CCTG nói trên cao hơn khoảng 0,4-0,5%. Còn ở kỳ hạn 36 tháng, lãi suất CCTG của Bản Việt đã vượt mức 8,2%/năm của NH số Cake by VPBank (áp dụng gửi từ 300 triệu đồng trở lên).
Hồi cuối tháng 7, Sacombank cũng thông báo phát hành CCTG có ghi danh cho khách hàng cá nhân và tổ chức với hạn mức 3.000 tỷ đồng. Với mệnh giá tối thiểu chỉ 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm (84 tháng) sẽ nhận mức lãi suất hấp dẫn lên đến 8%/năm trong năm đầu tiên. Lãi suất các năm tiếp theo tính bằng LSHĐ bình quân kỳ hạn 12 tháng cuối kỳ của khách hàng cá nhân ở 4 NHTM gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank tại ngày 19-9 hàng năm, cộng với biên độ 2,4%năm. Lãi suất 8%/năm khi đó “soán ngôi” mức 7,6%/năm của SCB.
CCTG là loại giấy tờ có giá được các NH phát hành để huy động vốn từ các tổ chức hoặc cá nhân có giá trị như sổ tiết kiệm, thể hiện khách hàng đang có khoản tiền gửi có kỳ hạn tại NH. Sản phẩm này đã có mặt tại Việt Nam khá lâu. Nhưng đến năm 2017, công cụ huy động vốn này mới bắt đầu có sự bùng nổ khi hàng loạt nhà băng tung ra CCTG lãi suất cao.
Như VietABank huy động với lãi suất đến 8,2%/năm, VIB áp dụng lãi suất 8,5%/năm cho kỳ hạn 61 tháng và 8,7%/năm cho kỳ hạn 84 tháng, NCB và SHB phát hành với mức 8,8%/năm, Sacombank áp dụng lãi suất 8,88%/năm, VPBank với lãi suất kỷ lục 9,2%/năm. Nhờ đó, tỷ trọng tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá năm 2017 tăng từ 73,7% lên 76,9%, tỷ trọng huy động vốn trên thị trường liên NH giảm từ 11,1% xuống 10,8%. 
Năm 2019, NH Bản Việt cũng từng gây bất ngờ khi phát hành CCTG lãi suất 10,2%/năm cho kỳ hạn 5 năm, từ 9,5% đến 10%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng đến 48 tháng. Các NH khác như SHB, Sacombank, SeABank, VIB, VietABank cũng phát hành CCTG kỳ hạn dài ở mức 9 – 9,1%/năm. Đây đều là các mức lãi suất đứng đầu thị trường.
Trong 2 năm dịch Covid-19, hoạt động phát hành CCTG chững lại. Đến năm 2022, các nhà băng dần sử dụng trở lại công cụ này trong bối cảnh thanh khoản căng thẳng gia tăng áp lực lên nhu cầu vốn kinh doanh, cũng như đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định mới. Lãi suất CCTG cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm thông thường, sẽ giúp NH huy động được nhiều vốn hơn và nguồn vốn huy động dài hạn hơn.

Nay đang bị bỏ lại trên đường đua lãi suất
Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại CCTG có vẻ hụt hơi trong cuộc cạnh tranh huy động vốn so với sản phẩm tiền gửi tiết kiệm. Trong quá khứ, các NH thường không đẩy lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài lên cao, thay vào đó phát hành CCTG, vì đặc thù của CCTG không được phép rút trước hạn. Như vậy, NH có thể huy động được vốn dài hạn ổn định.
Đối với người mua, tính thanh khoản của CCTG không cao nhưng đổi lại lãi suất cao hơn. Vì thế, CCTG đã được các nhà băng biến tấu khá nhiều cho phù hợp với thị trường. Chẳng hạn, mệnh giá phát hành trước đây khoảng 100 triệu đồng nhưng hiện tại chỉ 10 triệu đồng, thậm chí 1 triệu đồng đã có thể tham gia. Song nếu xét về lãi suất, CCTG đã mất đi vị thế so với gửi tiết kiệm, do LSHĐ trên kênh tiết kiệm không ngừng thay đổi.  
Cách vài ngày SCB tung ra biểu lãi suất mới để lấy vị trí dẫn đầu. Theo đó, trong nửa đầu tháng 10, lãi suất kỳ hạn 36 tháng đã được SCB đưa lên mức cao nhất hệ thống 8,9%/năm. Các NH khác cũng đẩy lãi suất 36 tháng lên cao như VietABank lên 8,8%/năm; VRB và Kienlongbank cùng ở mức 8,6%/năm.
Giữa tuần trước, NH số Cake by VPBank điều chỉnh mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm online, gửi từ 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất từ 9%/năm. Trong khi đó, LSHĐ lên đến 9,5%/năm nếu mức gửi từ 300 triệu đồng trở lên với kỳ hạn 36 tháng. Như vậy, mức lãi suất CCTG cao nhất đang thấp hơn lãi suất cao nhất trên kênh tiết kiệm. 
So sánh trong tương quan như vậy, có thể thấy CCTG không có nhiều điểm hấp dẫn hơn so với tiền gửi tiết kiệm.
Tính thanh khoản của CCTG lại không cao khi không được rút/ tất toán trước hạn, hoặc nếu có phải qua nửa kỳ hạn (tùy quy định từng NH) và chỉ có thể chuyển nhượng sau 6 tháng. Nếu phát sinh rủi ro tài chính đột xuất, người sở hữu CCTG có thể vay cầm cố, nhưng lãi vay do NH quyết định tùy theo thời điểm. Đây là những điểm hạn chế của sản phẩm này. 
Có thể nói lúc này CCTG phù hợp với các khách hàng tổ chức có nguồn tiền nhàn rỗi đầu tư để nhận lãi suất cao, vì LSHĐ đối với các tổ chức thấp hơn nhiều so với khách hàng cá nhân. Còn với cá nhân, với diễn biến lãi suất hiện nay, sản phẩm tiền gửi tiết kiệm rõ ràng là lựa chọn tốt hơn vì kênh này vừa an toàn, vừa có lãi suất cạnh tranh. 

Các tin khác