Năng suất cao tạo ra dư địa gia tăng giá trị cho cá tra Việt Nam

(ĐTTCO)-Năng suất và chất lượng cá tra ngày càng tăng cao đã tạo dư địa cho các doanh nghiệp phát triển thêm các sản phẩm mới để tiếp tục gia tăng giá trị, mở rộng thêm các thị trường cho cá tra Việt Nam.
Chế biến cá tra philê xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)
Chế biến cá tra philê xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Năng suất cá tra của Việt Nam hiện nay đang cao nhất thế giới, thế nhưng ngành hàng cá tra vẫn cần phải có nhiều giải pháp để phát triển bền vững hơn. Bởi lẽ, khi sản lượng cá tra ngày càng lớn thì các giải pháp duy trì, tìm kiếm sự ổn định, mở rộng thêm các thị trường lại ngày càng quan trọng hơn.

Cá tra lập kỷ lục mới về xuất khẩu

Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới là vào năm 1997 và chỉ thu về được 1,6 triệu USD. Kể từ đó đến nay, cá tra đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động.

Tại Hồng Ngự, nơi khởi nguồn của con cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, sau hơn 20 năm phát triển, ngành cá tra đã viết nên kỳ tích. Ông Lê Hà Luân, Bí thư Thành uỷ thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Thápchia sẻ: “Trước kia, người dân chỉ ra sông vớt cá tra loại loại nhỏ (cá bột, cá hương) về nuôi lớn trong ao để làm thức ăn hàng ngày trong gia đình. Đến sau này, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, doanh nghiệp đầu tư sản xuất chế biến, con cá tra trải qua hành trình cải thiện chất lượng, mẫu mã và trở thành mặt hàng xuất khẩu được thế giới ưa chuộng.”

Thành ngữ “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo” đã trở thành câu nói quen thuộc tại thủ phủ đất sen hồng Đồng Tháp. Rất nhiều người dân Đồng Tháp đã đổi đời, thậm chí trở thành tỷ phú nhờ nuôi cá tra.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022, sản lượng cá tra dự kiến đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 2,4 tỷ USD, đây là con số kỷ lục trong lịch sử của ngành hàng cá tra tính từ năm 1997 đến nay. Cá tra tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp nước ta.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 11 tháng qua đạt 2,3 tỷ USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, các thị trường châu Âu, Trung Quốc và Mỹ đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, giá trung bình nhập khẩu cá tra philê đông lạnh đạt 4,26 USD/kg, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. So với các sản phẩm thuỷ sản khác nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, cá tra có giá tăng mạnh nhất.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng trong khi nhiều ngành hàng phải mất hàng chục, hàng trăm năm để hình thành và phát triển nhưng riêng cá tra chỉ mất 26-27 năm đã trở thành ngành hàng chủ lực của Việt Nam. Năng suất cá tra của Việt Nam đang cao nhất thế giới nhưng như vậy không có nghĩa là cá tra đã hoàn hảo, ngành hàng này vẫn cần nhiều giải pháp để phát triển bền vững hơn.

Còn dư địa để tăng giá trị

Trong suốt hơn 20 năm xuất khẩu, ngành hàng cá tra đã trải qua nhiều thăng trầm bởi giá lúc lên lúc xuống, bấp bênh. Vì thế, ngành hàng cá tra sẽ phải liên tục cải thiện chất lượng, mở rộng thị trường để phát triển bền vững.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng để viết tiếp câu chuyện cá tra ở Đồng bằng Sông Cửu Long giờ dây không phải là việc mở rộng diện tích nữa mà phải tập trung vào ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng. Đặc biệt, với sản lượng hiện tại rất lớn cần phải tập trung vào chế biến sâu, chế biến các món ăn, làm collagen, bột thịt chiên... để tăng giá trị cho cá tra.

Nhận định công nghệ chế biến cá tra ở Việt Nam đã ngang tầm thế giới với nhiều doanh nghiệp lớn đạt trình độ chến biến cao nhưng ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vẫn cho rằng việc chế biến cá tra vẫn chưa tận dụng được hết các thành tố của con cá tra, vẫn còn dư địa để gia tăng giá trị cho cá tra.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, cá tra được sử dụng gần hết các bộ phận như: Thịt cá philê, da cá có một số doanh nghiệp sử dụng để làm collagen, mỡ cá làm dầu ăn, các phần còn lại chủ yếu xay làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, để gia tăng giá trị, ngành cá tra cần tiến tới nghiên cứu làm các sản phẩm mới, sản phẩm chất lượng cao.

Hiện nay, sản phẩm cá tra xuất khẩu chủ yếu là philê, chiếm tới 97%. Điều này khiến cho ngành hàng cá tra sẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường của sản phẩm này. Do đó, các doanh nghiệp đang tìm cách nâng cao giá trị và tìm ra các sản phẩm mới từ cá tra để giảm bớt sự phụ thuộc vào cá philê.

Ông Lê Hà Luân cho biết nhiều doanh nghiệp ở Đồng Tháp như công ty Vĩnh Hoàn đã tiên phong trong việc tìm ra các sản phẩm tới từ cá tra để mở rộng thêm thị trường cho cá tra. Dự kiến, công ty Vĩnh Hoàn sẽ tung ra cẩm nang hơn 200 món chế biến từ cá tra, trong đó nghiên cứu cặn kẽ thị trường, có sự tích hợp sản phẩm cá tra với văn hoá ẩm thực của các vùng miền, địa phương, các quốc gia để tạo thêm giá trị gia tăng cho cá tra.

Năng suất và chất lượng cá tra ngày càng tăng cao đã tạo dư địa cho các doanh nghiệp phát triển thêm các sản phẩm từ cá tra để gia tăng giá trị. Việc tìm ra các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sẽ còn giúp mở rộng thị trường cho cá tra Việt Nam.

Các tin khác