Mua hoài niệm ở chợ đồ cổ Cao Minh

(ĐTTCO) - Giữa vòng xoáy cuộc sống hiện đại không ít người vẫn luôn hoài niệm về quá khứ, nơi chất chứa những kỷ niệm không thể nào quên. Và nếu muốn tìm một phần hoài niệm ấy, chợ đồ cổ Cao Minh đúng là một điểm hẹn không thể bỏ qua giữa lòng Sài Gòn tấp nập. 
Nằm trên một con hẻm nhỏ 311 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, suốt 6 năm qua, chợ đồ cổ Cao Minh trở thành điểm hẹn của nhiều người vào mỗi cuối tuần chủ nhật từ 6 giờ đến 14 giờ. Đến đây người ta có thể tìm được đủ thứ, từ những món đồ cũ, đồ cổ được người bán dày công sưu tầm từ khắp các vùng miền trên cả nước và nhiều nước trên thế giới, cho đến cả những món đồ còn rất mới nhưng độc và lạ. 
Người đến chợ đủ cả, người đam mê đồ cổ, người thích tìm lại chút hoài niệm xưa với những món đồ cũ, người thích sưu tầm những món có một không hai, có người đến vì tò mò chỉ để ngắm nghía các món đồ được bày bán, rồi cà phê nghe người ta bán mua, truyện trò và hòa mình vào những bản nhạc trầm lắng và thân quen. Một không gian không quá rộng, những gian hàng san sát nhau nhưng chợ không quá ồn ào, người bán thân thiện, người xem thích thú. 
Mua hoài niệm ở chợ đồ cổ Cao Minh ảnh 1 Quang cảnh chợ đồ cổ Cao Minh.
Sưu tầm và chia sẻ
Vừa bước vào chợ, nhiều người hẳn sẽ dừng chân ngay ở gian hàng của ông Jon Allsop, một người Pháp bán ở khu chợ này mấy năm rồi. Theo lời kể, ông và vợ (bà Linh Đào) dành khoảng 3 tháng lang thang khắp nước Pháp, tìm kiếm những món hàng độc, lạ, cổ để mang về đây chia sẻ lại cho những người có cùng đam mê.
Có những món hàng như chiếc đèn dầu từ những năm 1920, phải rất kỳ công mới có thể mang về Việt Nam nguyên vẹn vì phần trên của đèn làm bằng thủy tinh. Nhưng cái khiến ông vui và hứng thú với công việc chính là sự ủng hộ của những người mua ở chợ đồ cổ này. 
Rảo thêm một vài bước chân vào khu giữa chợ, có một người đàn ông lớn tuổi, dáng người cao gầy tự giới thiệu là Nguyễn Hữu Hiệp, luôn thích sưu tầm nhiều món hàng ở Mỹ để mang về đây như tẩu thuốc, hộp quẹt, đồng hồ, mắt kính, đĩa, mũ, bút… Thậm chí ông còn “bật mí” đang sở hữu một chiếc bút của Tổng thống Mỹ đời xưa rất quý giá nhưng không bày bán. Ông hào hứng giới thiệu từng món đồ cho khách xem bất kể người đó có muốn mua hay không. 
Mua hoài niệm ở chợ đồ cổ Cao Minh ảnh 2 Một gian hàng đồ cổ.
Cái thú ở chợ đồ cổ Cao Minh chính là người bán không hề tỏ thái độ khi khách chỉ xem mà không mua, bởi có những món đồ chỉ nhìn cách khách hỏi thăm là người ta cũng biết chưa đủ “trình” để chơi, nhưng vẫn nhiệt tình giới thiệu để chia sẻ với họ. Những người bán hàng vui tính trong khu chợ đồ cổ này như anh Khánh, một người đàn ông có nước da đen, mập, để bộ râu nhìn hơi dữ, nhưng thực tế lại luôn nở nụ cười tươi với bất cứ ai ghé thăm gian hàng của mình.
Anh giới thiệu với chúng tôi những vỏ lon sữa Ghi gô (Gulgoz) cách đây đã mấy chục năm, cái thời mà chỉ có những gia đình trung lưu mới mua sữa bột này về cho con của mình. Bỏ ra 50.000 đồng là nhiều vị khách trung niên có thể mua cho mình cả một tuổi thơ. Theo như chia sẻ của khách mua, nếu những lon sữa này còn giữ được lớp giấy ghi nhãn bên ngoài thì giá không dưới 300.000 đồng/lon, nhưng cái đó rất khó tìm. 
Mua hoài niệm ở chợ đồ cổ Cao Minh ảnh 3 Đến chợ đồ cổ không chỉ mua mà còn nhâm nhi ly cà phê, nghe những bản nhạc trữ tình để hoài niệm một thời.
Việc tìm đến những hoài niệm thì khu chợ này đúng là cả một trời quá khứ. Những chiếc đài cassette cổ được bày bán rất nhiều, những chiếc máy đánh chữ, những chiếc quạt cũ mà tuổi đời cũng phải trên 50, 60 năm được người bán mang đến đây giới thiệu, chia sẻ đầy say mê.
Rồi cả chiếc ấm tích cũ đựng trong cái giỏ nhôm bằng tuổi đời người mua cũng được bày bán như đưa họ trở về cách đây mấy chục năm. Ở đây người ta còn sưu tầm được những thẻ căn cước từ năm 1957, những tấm hình chân dung của rất nhiều người mà nếu có duyên chính những người mua có thể mua lại được chân dung của mình. 
Một món đồ khác cũng được bày bán rất phổ biến trong chợ đồ cổ Cao Minh chính là tiền. Tiền xu, tiền giấy, tiền cũ, tiền cổ, tiền trong nước, tiền nước ngoài đều có hết. Giá cũng vô vàn nhưng không quá khó để sở hữu được những loại tiền yêu thích. Bên cạnh tiền thì đồng hồ và hộp quẹt cũng là mặt hàng được bán rất nhiều.
Đồng hồ cũ có, cổ có nhưng hầu hết chúng đều còn chạy tốt, thậm chí có những cái người bán còn bao xài. Ở chợ đồ cổ này người ta bày bán cả máy nghe nhạc cổ dùng đĩa nhạc lớn, những chiếc xe vespa cổ, nhiều máy ảnh cơ cái nhỏ, cái to, cái còn dùng được, cái chỉ để làm kỷ niệm cho một thú chơi.  
Không chỉ đến chợ được mua đồ cũ, đồ cổ mà cả những món đồ còn rất mới nhưng độc đáo cũng được sưu tầm bán ở đây. Anh Nhuận, chủ một gian hàng nhiệt tình giới thiệu với khách xem những chiếc bình anh mới sưu tầm được từ Hồng Kông (thoạt nhìn không khác gì cây đèn thần của Aladin).
Theo anh những chiếc bình, ly và cả những bộ bình đầy đủ này đều là hàng độc được tiếp viên mua về bán lại cho anh. Người bán tìm đến đây vì niềm vui, đôi khi chỉ bày ra giới thiệu cũng vui chứ không nhất thiết phải bán cho bằng được. Vì thế nên ở chợ này không có chuyện “sờ vào là phải mua”. 
Có lẽ cũng vì bày bán đủ thứ đắt có, rẻ có, cổ có, hiện đại có, “thượng vàng hạ cám” nên khu chợ đồ cổ này còn được nhiều người gọi với cái tên là chợ ve chai Sài Gòn. 

Nghiện săn hàng
Ở chợ đồ cổ Cao Minh không chỉ có người bán dễ thương mà người mua hàng cũng rất dễ mến. Từ những người không quen biết, chỉ cần đứng chung gian hàng, cùng xem một vài món đồ, hỏi dăm ba câu thế là có thể cà phê nói chuyện với nhau cả buổi. Chia sẻ với nhau nhiều bí kíp săn hàng độc, lạ ở khu chợ này.
Anh Hùng, một khách hàng quen ở chợ sau khi sở hữu cho mình chiếc bình ở gian hàng của anh Nhuận, chia sẻ rất thường xuyên ghé chợ này, mua được nhiều món hàng mà không đâu bán, thậm chí có những món chỉ tìm mua được một lần, lần sau quay lại có tiền cũng không mua được. 
Trong câu chuyện vui giữa những người chuyên mua hàng ở chợ đồ cổ Cao Minh, anh Dũng cũng là một khách quen ở chợ cười vui, chủ nhật nào cũng tốn vài triệu khi đến đây. Thậm chí giờ ở nhà tủ cũng không còn chỗ trưng bày, có khi phải đóng tủ mới nhưng vẫn thích đến, vẫn thích mua. Hỏi sao anh mua nhiều rồi không đem chia sẻ lại như những người bán ở đây, vừa để quay vòng vốn, vừa thu thập thêm những món hàng mới. Anh chỉ cười bảo mỗi người mỗi thú, anh thích thêm chứ không thích bớt. 
Anh Dũng còn “bật mí” cho chúng tôi cách trả giá khi mua hàng ở đây. Theo anh không phải người bán nào cũng hét giá, nhưng với một vài gian hàng, một vài món đồ nếu không trả giá mua hớ là điều khó tránh khỏi. Anh còn dẫn chúng tôi đi một vòng mấy gian hàng, chỉ cho cách trả giá hợp lý để người bán không bực mà người mua không hớ.
Một thí dụ nhỏ, cũng lon sữa Ghigô nhưng gian hàng đầu chợ người bán rao giá 80.000 đồng/lon, mà vào tới trong chợ chỉ có 50.000 đồng. Tất nhiên, đôi khi người mua đến mua vì hàng độc, vì hoài niệm nên giá có chênh chút đỉnh, hay có mắc cũng không phải quá quan trọng, nhưng cái tâm thế của người đi chợ được trả giá, được mua rẻ một chút so với giá bán đưa ra lúc đầu cũng rất vui. 
Chợ không chỉ thu hút khách là người Việt Nam, mà rất nhiều khách nước ngoài cũng ghé xem và mua đồ. Chợ cũng không chỉ có khách là những cánh mày râu thích hoài niệm, mà nhiều chị em phụ nữ cũng thường đến tìm cho mình những món đồ ưng ý. 
Những câu chuyện giữa người bán, người mua, giữa những người đến cà phê cứ thế kéo dài lẫn trong giai điệu của những bài hát về Giáng sinh, về năm mới nhẹ nhàng ngân vang. Những bài hát ấy không được bật lên từ đĩa, từ máy tính mà được cất giọng bởi một nữ ca sĩ không mấy tiếng tăm nhưng mọi người lại cảm thấy rất thú vị.
Thực ra, nếu nói về những khu phố chuyên bán đồ cổ TPHCM không phải chỉ có nơi đây. Như phố đồ cổ Lê Công Kiều (quận 1) đã nổi tiếng từ lâu, nhưng ở đó lại mang dáng dấp của một con phố với những cửa hàng cách biệt, ít có sự giao lưu giữa người mua, người bán. Còn ở đây không chỉ mua, không chỉ bán mà còn giao lưu, chia sẻ, kể chuyện đời, chuyện sưu tầm hàng hóa và nhiều thú vui khác.

Các tin khác