Yếu tố tác động lên chỉ số giá tiêu dùng

(ĐTTCO)-Theo các chuyên gia, vòng xoáy lạm phát thường lặp lại từ 2 - 3 vòng, hiện mới chỉ vòng 1, vòng 2 và 3 sẽ đè nặng từ nay đến cuối năm, thậm chí sang đầu năm 2023. Một điểm khác của lạm phát ở Việt Nam là do chi phí đẩy, yếu tố tiền tệ là thứ yếu. Bởi vậy, việc giảm thiểu tác động tiêu cực từ giá nguyên vật liệu, xăng dầu, thực phẩm… sẽ quyết định hiệu quả hoạt điều hành lạm phát.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, xăng dầu có vị trí rất quan trọng trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Giá xăng dầu vừa tác động trực tiếp, vừa tác động gián tiếp tới giá cả các loại hàng hóa và nhiều lĩnh vực dịch vụ, sản xuất như vận tải, đánh bắt thủy hải sản…; do đó, khi chi phí xăng dầu tăng thì mặt bằng giá các hàng hóa khác cũng tăng.

Xăng dầu trở thành tâm điểm

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, trong thời gian gần đây, dầu thô có xu hướng chịu sức ép do lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu về dầu hơn là những rủi ro về nguồn cung. Sắc đỏ liên tục duy trì trên thị trường dầu thô thế giới trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ đang có xu hướng chậm lại ngày một rõ ràng.

Cả hai mặt hàng dầu thô là WTI và Brent đều đang ở trong vùng giá thấp nhất trong gần 6 tháng. Đồ thị giá của dầu Brent vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng giảm có thể sẽ tiếp tục được mở rộng.

MXV cũng nhận định thêm, thị trường vắng bóng các chất xúc tác mới có khả năng gây ảnh hưởng lên giá, do vậy, các nhà đầu tư tiếp tục hấp thụ các tác động tiêu cực được cảnh báo từ báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Mức tiêu thụ xăng trung bình trong bốn tuần của Mỹ, thước đo tốt nhất cho nhu cầu của nước này hiện lùi về 8,59 triệu thùng/ngày, thấp hơn 1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng, giá xăng dầu giảm chịu tác động bởi yếu tố gián tiếp từ việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, khiến cầu đầu tư bị hãm lại. Đơn cử, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát leo thang. Tuy nhiên, đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong vòng 27 năm có thể khiến cho kinh tế Anh rơi vào suy thoái và kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu cũng bị ảnh hưởng.

Tại Việt Nam, sau lần đạt đỉnh trên 30 nghìn đồng/lít xăng, đến nay giá xăng dầu đã giảm đến lần thứ 4. Kết quả này phản ánh xu hướng giá xăng dầu thế giới giảm khá rõ rệt trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, tại sao giá xăng dầu giảm đến lần thứ 4 nhưng giá các hàng hóa khác vẫn neo cao? Theo TS. Ngô Trí Long: “Những mặt hàng do Nhà nước định giá thì rất đơn giản rồi. Nhưng hiện nay chỉ có một số mặt hàng như vậy. Chẳng hạn xăng dầu, hàng không, Nhà nước quy định giá trần. Còn những mặt hàng khác, Nhà nước không quyết định giá mà do thị trường, người bán, người mua quyết định”.

Theo ông, vừa rồi, giá nguyên liệu đầu vào tăng rất cao, lạm phát ở các nước lập đỉnh lịch sử nhưng lạm phát của Việt Nam vẫn thấp. Lý do là lúc đó, nếu các doanh nghiệp tăng giá cao quá thì người tiêu dùng không chấp nhận, cho nên buộc họ chưa thể tăng giá hoặc tăng vừa phải.

Ngoài ra, giá xăng dầu của mỗi quốc gia chủ yếu phụ thuộc 2 yếu tố là giá thế giới và thuế. Hiện nay, xăng, dầu ở Việt Nam chịu 4 loại thuế là: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Như vậy, giá xăng dầu từ nay đến cuối năm 2022 còn dư địa giảm do hội tụ cả 2 yếu tố: giá thế giới giảm và giảm thuế.

Còn theo một chuyên gia về thống kê, nếu giá xăng dầu giảm 10% thì chỉ số giá tiêu dùng sẽ giảm được 0,31%. Như vậy, khi xăng dầu giảm được 20% thì lạm phát sẽ giảm được 0,6%.

Thách thức từ các nhóm hàng thiết yếu

Tuy nhiên, xăng dầu không phải là “thủ phạm” duy nhất khiến giá hàng hóa tăng vọt. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào, nhất là hàng hóa nhập khẩu của nhiều ngành tăng mạnh. Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, đầu vào quan trọng của ngành sản xuất lương thực, thực phẩm vọt tăng ở mức hiếm thấy. Những yếu tố này hình thành nên chi phí đẩy trong các yếu tố cấu thành lạm phát.

Hiện tại, Chính phủ đang theo dõi sát diễn biến giá thịt lợn khi mà giá thịt đóng góp khoảng 4% vào CPI của Việt Nam trong bối cảnh giá cả đầu vào của ngành chăn nuôi tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất chăn nuôi. 

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi đang phụ thuộc khoảng 70% lượng thức ăn nhập khẩu. Tính riêng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp khoảng 90% và chủ yếu nhập khẩu từ các quốc gia như: Mỹ, Argentina, Brazil, Ukraine, Ấn Độ…

Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không chủ động được nguồn giống, giá thức ăn chăn nuôi, đầu ra không ổn định, nguy cơ thua lỗ lớn, cho nên ở thời điểm này, họ hầu như không mặn mà tái đàn dù đây là thời điểm tái đàn, tăng đàn cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán, mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm. 

Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định 3 nguyên nhân dẫn đến giá thịt lợn tăng, đó là: (i) thiếu hụt nguồn cung ở một số tỉnh do dịch ASF (dịch tả lợn châu Phi) bùng phát trong quý 1/2022; (ii) chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao và (iii) tác động từ đà tăng giá lợn ở Trung Quốc. 

VNDirect dự báo giá lợn có thể chạm mốc 80.000đ/kg trước khi hạ nhiệt vào quý 4/2022; trung bình đạt 65.500đ/kg (tăng 31,8% so với cùng kỳ) trong nửa cuối 2022 và 60.000đ/kg (giảm 2,9% so với cùng kỳ) trong cả năm 2022.

Chuyên gia nói gì về kiểm soát giá cả?

Đánh giá về tổng thể, ông Ngô Trí Long cho rằng thời gian tới, giá cả hàng hóa sẽ giảm bởi một số yếu tố.

Thứ nhất, là áp lực cạnh tranh. Ví dụ, doanh nghiệp nào không chịu giảm giá, đưa ra mức giá phù hợp thì khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ của bên khác. Như vậy, giá không cạnh tranh thì dần dần bị mất thị phần. Chỉ có áp lực đó mới khiến giá giảm.

Thứ hai, là phản ứng của người tiêu dùng. Giá cao quá, người tiêu dùng tẩy chay thì doanh nghiệp buộc phải hạ giá.

Thứ ba, là vai trò của cơ quan nhà nước trong quản lý, điều hành giá. Mặc dù Nhà nước không thể buộc doanh nghiệp phải hạ giá, “Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không giảm giá, Nhà nước có thể sử dụng các biện pháp thanh, kiểm tra. Nếu giá không hợp lý thì sẽ xử phạt,… nhưng đây là biện pháp bất đắc dĩ”, ông Long nói.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhấn mạnh ở góc nhìn chính sách, miễn, giảm thuế, phí trong bối cảnh hiện nay theo hướng tránh “ném cát bụi tre”, nghĩa là không cào bằng mà hỗ trợ đúng người, đúng việc, đúng thời điểm.

Việc trợ giá xăng, dầu cũng cần lựa chọn đối tượng ưu tiên, chẳng hạn như hỗ trợ ngư dân đánh bắt thủy sản, hỗ trợ một số doanh nghiệp sản xuất sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại.

Ngoài ra, Nhà nước cần tính toán được cơ cấu giá thành sản phẩm một số mặt hàng chính, từ đó mới quản được giá bán của doanh nghiệp. Nếu thanh tra, kiểm tra mà giá bán của doanh nghiệp vượt quá xa so với giá thành thì có biện pháp xử phạt. Ngoài ra, tăng cường truyền thông đến người dân về giá mua hợp lý để người tiêu dùng tự quyết định.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, Pháp lệnh Giá năm 2002 và Luật Giá năm 2013 đã quy định về niêm yết giá, theo đó các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa dịch vụ. Bởi vậy, Luật Giá sửa đổi tới đây cũng cần hoàn thiện các quy định về niêm yết giá để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

TS. Ngô Trí Long cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên sử dụng công cụ bảo hiểm giá (hedging) để tránh các cú sốc biến động giá. Theo đó, với công cụ hedging, khách hàng thực hiện mua, bán một khối lượng hàng hóa tại mức giá xác định và việc giao nhận hàng được thực hiện trong tương lai. Tại thời điểm giao hàng, dù giá lên hay xuống, các bên tham gia vẫn đảm bảo hàng hóa được giao theo giá đã chốt trước.

Các tin khác