Xuất khẩu 400.000 tấn gạo: Có dấu hiệu bất thường, bỏ trúng thầu sang xuất khẩu

(ĐTTCO)-Trong thời gian rất ngắn (vài tiếng), tờ khai xuất khẩu gạo với số lượng 400.000 tấn (theo hạn ngạch) đã nhanh chóng được doanh nghiệp đăng ký hết. Đằng sau diễn biến này, cơ quan Hải quan đã phát hiện những dấu hiệu bất thường, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết.
Xuất khẩu 400.000 tấn gạo: Có dấu hiệu bất thường, bỏ trúng thầu sang xuất khẩu

Xin ông cho biết cụ thể về việc có doanh nghiệp từ chối tham gia vào hợp đồng cung cấp dự trữ gạo quốc gia nhưng lại có tên trong danh sách mở tờ khai xuất khẩu gạo ngày 12/4 vừa qua?

Ông Âu Anh Tuấn: Qua rà soát nhận thấy từ 0 giờ ngày 12/4 có 39 doanh nghiệp đăng ký tờ khai XK gạo, số lượng hạn ngạch đạt 400.000 tấn theo Quyết định của Bộ Công Thương. Hệ thống của cơ quan Hải quan hoàn toàn tự động tiếp nhận tờ khai đăng ký và tự động chấp nhận tờ khai, phản hồi doanh nghiệp mà không có sự can thiệp của công chức hải quan, đảm bảo công khai minh bạch. Hệ thống tự động này hoạt động 24/7. Trung bình một tờ khai từ khi đăng ký đến khi nhận lại kết quả chỉ trong vòng vài giây, điều đó cho thấy con người không thể can thiệp vào quá trình đăng ký này.

Tuy nhiên, cũng từ việc rà soát số lượng DN đăng ký các tờ khai XK, Tổng cục Hải quan nhận thấy có dấu hiệu khá bất thường.

Trong danh sách đăng ký tờ khai XK xuất hiện những DN đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo (theo đấu thầu của Tổng cục Dự trữ Quốc gia) nhưng theo báo cáo của Tổng cục Dự trữ thì những DN này lại không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai XK thì các DN này lại đăng ký tờ khai XK lên tới hàng ngàn tấn gạo.

Cụ thể  đó là những doanh nghiệp nào thưa ông?

Ông Âu Anh Tuấn: Có 4 DN nằm trong danh sách nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020. Đơn cử như Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng, tuy nhiên DN này lại đăng ký XK 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn. Hay Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, DN cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.

Hai DN khác gồm: Công ty CP Mỹ Tường và Công ty CP XNK Thuận Minh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực, tuy nhiên hai DN này cũng đăng ký tờ khai XK trên 10.000 tấn. Như vậy các DN này chưa thực hiện quy định cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia. Cơ quan Hải quan cho rằng hiện tượng này làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo dự trữ quốc gia.

Ngoài ra theo quy định tại Nghị định 107 liên quan đến XK gạo thì các DN cũng phải có trách nhiệm dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng XK của DN trong 6 tháng trước đây. Như vậy DN này không đảm bảo quy định này, phát sinh lo ngại ảnh hưởng an ninh lương thực trong dự lưu thông cũng như dự trữ quốc gia.

Tổng cục Hải quan dự kiến sẽ tổng hợp lại toàn bộ tình hình thực hiện xuất khẩu gạo trong thời gian qua, báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành, đồng thời kiến nghị giải pháp để đảm bảo quản lý mặt hàng gạo XK hiệu quả, chủ động hơn cho DN, tránh việc thời gian qua DN khá bị động trong việc đăng ký tờ khai và thực hiện thủ tục XK theo hợp đồng của DN đã ký trước đây với đối tác nước ngoài.

Vậy hiện nay có chế tài nào buộc DN phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu lượng gạo dự trữ quốc gia thì mới được xuất khẩu hay không?

Ông Âu Anh Tuấn: Hiện nay chưa có chế tài buộc DN phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu lượng gạo dự trữ quốc gia thì mới được xuất khẩu. Do vậy theo Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương cần xem xét lại quy định quản lý XK gạo. Thay bằng phân bổ hạn ngạch tổng lượng hàng tháng thì có thể đấu giá hạn ngạch như mặt hàng đường mà Bộ Công Thương đang thực hiện. Việc đấu giá dựa trên nguyên tắc DN tham gia đấu giá đáp ứng điều kiện XK theo quy định tại Nghị định 107. Ngoài ra DN phải thực hiện hợp đồng cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia và DN phải ký hợp đồng với một siêu thị liên kết để cam kết đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng hàng hóa XK của DN trong 6 tháng trước, đảm bảo cung ứng ra thị trường khi Chính phủ và các bộ, ngành có yêu cầu. Đáp ứng các quy định đó, doanh nghiệp mới được tham gia vào đấu giá hạn ngạch. Như vậy DN sẽ chủ động hơn, khi có hạn ngạch rồi DN sẽ thực hiện ký hợp đồng và thực hiện đăng ký tờ khai XK.

Thực hiện như vậy sẽ không dẫn đến tình trạng như thời gian vừa qua, những DN nào đăng ký tờ khai trước sẽ chiếm hết hạn ngạch của DN đăng ký tờ khai sau. Thực tế thống kê của Hải quan cho thấy có DN trong thời gian rất ngắn đã đăng ký hơn 100 tờ khai với số lượng gần 100.000 tấn (như Công ty CP tập đoàn Intimex đăng ký 102 tờ khai với khối lượng 96.234 tấn)  và những DN còn lại sẽ không còn hạn ngạch để đăng ký tờ khai. Thực tế này khiến cơ quan  chức năng khó quản lý, hỗn loạn trong hoạt động XNK trong thời gian ngắn, dẫn đến nhiều DN bị ảnh hưởng bởi những hợp đồng đã ký trước đây nhưng không đăng ký được tờ khai XK gạo.

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan cũng kiến nghị Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành khi thay đổi chính sách cần thông báo cho cơ quan Hải quan và DN trước một thời gian.

Theo ông, hiện tượng doanh nghiệp từ chối tham gia vào hợp đồng cung cấp dự trữ gạo quốc gia như lại có tên trong danh sách mở tờ khai xuất khẩu gạo sẽ phát sinh rủi ro như thế nào?

Ông Âu Anh Tuấn: Theo dự báo của Tổ chức Lương thực thế giới, hiện nay do ảnh hưởng dịch Covid 19 và một số yếu tố về thời tiết (xâm nhập mặn, hạn hán…) nguồn lương thực sắp tới sẽ khan hiếm và đẩy nhu cầu lên cao sau dịch. Do vậy giá một số mặt hàng, đặc biệt là nông sản, sẽ tăng và có thể có sự chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá trên thị trường. Dẫn đến một số DN có thể chuyển sang không ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng với Bộ Tài chính để xuất khẩu.

Thực tế này đặt ra vấn đề phía Tổng cục Dự trữ không mua đủ và dự trữ đủ lượng lương thực cần thiết phục vụ an ninh lương thực. Bên cạnh đó nếu không có sự kiểm soát của Bộ Công Thương thì có thể DN không có đủ lượng dự trữ lưu thông tối thiểu 5% sản lượng XK 6 tháng trước. Điều này ảnh hưởng lượng cung ứng gạo ra thị trường.

Điều này ảnh hưởng đến cung ứng và an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh xâm nhập mặn cũng như hạn hán thời gian qua. Do vậy Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải pháp đảm bảo quyền lợi DN XK cũng như đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Các tin khác