Xây dựng “xanh” khởi sắc

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây, số lượng công trình xây dựng bằng nguồn vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường ngày càng nhiều vì tính tiện lợi, tiết kiệm chi phí.

Công trình được xây dựng bằng VLXD thân thiện với môi trường

Công trình được xây dựng bằng VLXD thân thiện với môi trường

Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

Công ty TNHH SX TM & DV Đông Châu (TPHCM) dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hầu hết doanh nghiệp (DN) xây dựng khác nhưng việc thi công công trình từ nhà xưởng đến nhà tình thương không bị gián đoạn. Ngay trong giai đoạn dịch căng thẳng nhất, đơn vị đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân và duy trì tốt doanh số trong năm.

“Lý do chúng tôi vượt qua được dịch là trong thi công công trình đã sử dụng VLXD lắp ghép nên có thể thu xếp làm việc “3 tại chỗ”. Đặc biệt, trong dịch, nhiều DN cần xây dựng gấp nơi lưu trú cho công nhân ở lại sản xuất, VLXD mà chúng tôi sử dụng đã đáp ứng được yêu cầu tiến độ nhanh, giá thành hợp lý nên nhận được nhiều hợp đồng xây dựng”, ông Lê Tiến Linh, Giám đốc Công ty Đông Châu, cho hay.

Tương tự, đại diện Công ty Dịch vụ địa ốc Tecco Tây Sài Gòn cho biết, từ khi thiết kế cho đến khi xây dựng công trình cho đối tác, DN luôn tư vấn cho chủ đầu tư lựa chọn VLXD mới và thân thiện với môi trường, từ gạch, khung nhôm, cửa kính, miếng ốp tường. Việc này đã và đang tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chính DN trên thị trường.

Theo kỹ sư Nguyễn Thanh Nhân (Đại học Bách khoa TPHCM), VLXD mới và công nghệ xây dựng lắp ghép đang dần trở thành phổ biến nhờ có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với công nghệ xây dựng truyền thống.

“Theo nghiên cứu, việc xây dựng một công trình lắp ghép bằng VLXD panel EPS, DN có thể tiết kiệm được ít nhất 30% chi phí cho mỗi mét vuông so với nhà truyền thống. Với nhà lắp ghép, tải trọng công trình được giảm đáng kể nên vừa tiết kiệm xà gồ, thi công nhanh vừa giúp giảm chi phí xử lý cách nhiệt, giảm tiêu thụ điện năng. Chưa kể, các vật liệu này có kích thước chính xác nên vừa dễ thi công vừa ít hao hụt vật liệu trong quá trình thi công. Thời gian thi công nhà lắp ghép chỉ bằng khoảng một nửa thời gian so với xây dựng nhà truyền thống và không phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố thời tiết, khí hậu vì các modul đã được gia công, sản xuất trong xưởng trước. Thiết kế cho các công trình xây dựng bằng VLXD mới ngày càng đa dạng, có tính thẩm mỹ cao nên ngày càng được ưa chuộng”, kỹ sư Nguyễn Thanh Nhân phân tích.

Kiến trúc sư Hoàng Văn Tín (Hội Kiến trúc sư TPHCM) cho biết thêm, với công nghệ nhà lắp ghép sử dụng VLXD nhẹ như tấm panel EPS có nền móng thiết kế đơn giản có thể thi công trên bất kỳ địa hình nào từ nền bê tông, nền đất yếu, thậm chí trên nước. Chưa kể, việc cơi nới rộng hơn trong tương lai khá đơn giản mà chi phí không cao như nhà truyền thống. Nhà lắp ghép khi không có nhu cầu sử dụng có thể dễ dàng tháo dỡ và di chuyển đến vị trí khác một cách dễ dàng và thuận tiện.

Vẫn cần cú hích mạnh mẽ hơn

 Trên thực tế, việc sử dụng các VLXD truyền thống đang tác động xấu đến môi trường, gây ra nhiều hệ lụy như mất đất (lấy đất làm gạch, ngói…), gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các loại khí thải độc hại khác cho môi trường.

Theo số liệu thống kê, cứ một tỷ viên gạch nung quy chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu mét khối đất được khai thác ở độ sâu khoảng 2m, tương đương với 75ha đất nông nghiệp.

Cách nay hơn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg/2010 về Phát triển xây dựng vật liệu xây dựng không nung - một dạng VLXD mới thân thiện với môi trường như là một trong những quyết tâm bảo vệ môi trường.

Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 1.600 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không nung với rất nhiều sản phẩm như gạch bê tông (gạch xi măng cốt liệu), gạch bê tông khí chưng áp/không chưng áp, gạch bê tông bọt, tấm bê tông rỗng đùn ép (acotec), tấm tường bê tông khí chưng áp... Tổng công suất thiết kế của các cơ sở này khoảng 10,2 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm, chiếm gần 30% tổng công suất thiết kế sản xuất vật liệu xây dựng nói chung. Với mức này, hàng năm Việt Nam tiết kiệm được khoảng 7,5 triệu m³ đất sét (tương đương 375ha đất khai thác ở độ sâu 2m), giảm tiêu thụ khoảng 750.000 tấn than đá, và giảm lượng phát thải xấp xỉ 2,85 triệu tấn khí CO2 .

Tuy nhiên, so với tổng nhu cầu xây dựng của nước ta, con số này vẫn rất khiêm tốn. Theo nhiều kiến trúc sư, khó khăn lớn nhất trong việc sử dụng VLXD xanh hiện nay là do thói quen sử dụng sắt, bê tông cốt thép trong công trình nhà phố của người dân theo kiểu ăn chắc, mặc bền. Vì vậy, nhiều người vẫn e dè khi sử dụng các sản phẩm mới.

Còn đối với các DN sản xuất các loại vật liệu mới này, hạn chế lớn nhất là về công nghệ, vốn và kinh nghiệm sản xuất nên những sản phẩm mới, thân thiện với môi trường. Do đó, để phát triển lĩnh vực này, trước hết các DN cần có sự liên kết với nhau để chuyển giao công nghệ, trao đổi thông tin và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Trong định hướng phát triển ngành VLXD, Chính phủ, bộ ngành cần có những chính sách ưu đãi và cụ thể nhằm khuyến khích những DN sản xuất VLXD thân thiện với môi trường.

Chưa có thống kê chính thống về việc sử dụng VLXD mới nhưng ghi nhận trên thị trường xây dựng cho thấy, loại vật liệu này đang dần được ưa chuộng. Rất nhiều kiến trúc sư trong Hội Kiến trúc sư TPHCM chia sẻ, đã và đang nhận được nhiều hợp đồng thiết kế các công trình xây dựng bằng VLXD mới.

Các tin khác