Xây dựng lộ trình mở cửa lại kinh tế

(ĐTTCO)-Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại nhiều địa phương đã khiến các doanh nghiệp (DN) vốn đã bị tổn thương càng trở nên khó khăn hơn. Thị trường tiếp tục ngưng trệ vì giãn cách xã hội, nguồn lực dự trữ cạn dần, trong khi DN vẫn phải gánh nặng chi phí như thuê mặt bằng, tiền lương và các chi phí sản xuất kinh doanh khác. Mở cửa và nối lại các hoạt động kinh tế đang là vấn đề sống còn đối với DN hiện nay.
Xây dựng lộ trình mở cửa lại kinh tế
Nhiều trọng điểm kinh tế tê liệt
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8-2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành ngành chế biến, chế tạo suy giảm rất sâu tới 9,2%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. 
Một số địa phương có chỉ số IIP 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng cao, như Ninh Thuận tăng 34,1%; Nghệ An 23,1%; Hải Phòng 20,6%; Bắc Ninh 9,8%; Quảng Ngãi 9%; Hưng Yên 7,8%; Quảng Ninh 7,4%; Bắc Giang 6,5%; Đồng Nai 4,4%; Bình Dương 4,3%. Nhưng nhìn chung chỉ số sản xuất IIP 8 tháng đầu năm của nhiều địa phương giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
TPHCM là trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông, giao thương nhộn nhịp bậc nhất khu vực phía Nam và cả nước, hiện phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. TPHCM đã trải qua hơn 3 tháng siết chặt giãn cách, các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu đều dừng hoạt động. Nhiều DN, nhà máy phải tạm ngưng vì không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”. Các chỉ số sản xuất công nghiệp của TP giảm mạnh.
Khi chưa kịp phục hồi sau 3 đợt dịch trước đó, làn sóng dịch thứ 4 ập đến đã tiếp tục bào mòn năng lực tài chính của nhiều DN. Số DN rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng là 85.500, tăng 24,2% so với cùng kỳ 2020, trong đó TPHCM có 24.000 DN (chiếm 28,1% tổng số DN) rút lui khỏi thị trường.       
Tuy vậy, để mở cửa trở lại kinh tế ưu tiên trước hết vẫn phải đảm bảo an toàn để giữ được những thành quả chống dịch trong thời gian qua. Cần đưa ra các điều kiện an toàn và lộ trình phù hợp để mở cửa trở lại nền kinh tế. 
Trước hết, triển khai tiêm vaccine rộng rãi trong cộng đồng tại các TP lớn, có mật độ dân cư cao, khu công nghiệp, DN có lượng lao động tập trung đông, tốt nhất là tiêm đủ 2 mũi và có đủ thời gian để vaccine phát huy hiệu quả. 
Bên cạnh đó, Chính phủ cho phép chính quyền địa phương cấp tỉnh, TP được phép lựa chọn các DN, khu công nghiệp để thực hiện mở cửa trở lại sản xuất phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương. Các cơ quan chức năng cũng cần lựa chọn các DN, lĩnh vực ngành nghề để thực hiện mở cửa trở lại sản xuất phù hợp. 
Đối với ngành nghề sản xuất nhu yếu phẩm, công nghiệp, hàng xuất khẩu... nên ưu tiên mở cửa trở lại sản xuất trước để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đảm bảo DN thực hiện các hợp đồng đã ký kết với bạn hàng trong nước cũng như nước ngoài, nhằm giữ mối quan hệ, bạn hàng và thị phần xuất khẩu hàng hóa. 
Đối với ngành thương mại, dịch vụ cũng từng bước cho hoạt động trở lại, nhưng phải tuân thủ các quy định về quy mô, điều kiện giãn cách, thực hiện 5K… Trên cơ sở đó, mở cửa các ngành khác để đảm bảo an sinh cho người dân.

Thí điểm mở cửa kinh tế
Mở cửa phục hồi sản xuất, kinh doanh ngay trong quý III sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn cho DN, phục hồi được nền kinh tế, tạo sức bật cho kinh tế phát triển trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Đã đến lúc nên thí điểm mở cửa dần theo địa bàn. Đầu tiên, cho phép các khu công nghiệp, DN sản xuất kinh doanh tại các vùng an toàn (vùng xanh) được trở lại sản xuất bình thường cùng với việc thực hiện 5K. Cùng với đó, tiêm chủng mở rộng vaccine đủ 2 liều, có thể thu hẹp tới mức tối đa vùng đỏ, bóc tách và điều trị tích cực, chủ động cho các F0, dần tiến tới trạng thái bình thường hóa mới hoạt động kinh tế-xã hội. 
Trong khi các địa phương vẫn còn các vùng có nguy cơ cao (vùng đỏ) và việc một bộ phận lao động chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, để việc bình thường hóa hoạt động mở cửa lại sản xuất, các DN có thể cho phép người lao động đang sinh sống ở vùng đỏ nghỉ việc tạm thời, hoặc bố trí một tỷ lệ nhất định thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và hạn chế được vùng đỏ sẽ cho áp dụng các biện pháp bình thường mới. 
Trường hợp có F0 xử lý bình thường như một người mắc bệnh, không đóng cửa vì người lao động đã được tiêm vaccine nên khả năng diễn biến nặng rất ít. Lúc đó, người lao động bị F0 sẽ được đưa vào khu vực cách ly điều trị hoặc cách ly tại khu vực DN bố trí sẵn, hoặc đưa tới các bệnh viện nếu quá nặng với quy trình đơn giản và nhanh nhất.
Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ DN trong việc tiếp cận, mua những vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch chất lượng với giá hợp lý. Bởi hiện nay các công ty tự đi tìm mua thường chịu sự tăng giá, ép giá, rủi ro mua phải hàng kém chất lượng dẫn đến không có hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19. 
Về phía DN cần đẩy mạnh công cuộc số hóa và áp dụng các hình thức hóa đơn điện tử, số hóa chữ ký, sử dụng công nghệ cao trong việc cung cấp và kiểm tra các giấy tờ, thủ tục hành chính.
Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thống nhất các thủ tục, giấy tờ, hóa đơn, chứng từ để giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian, chi phí vận chuyển, logistics, bến bãi, kho tàng… để cùng với các chính sách hỗ trợ về lãi suất, vay nợ, miễn giảm thuế, phí, lệ phí… của Chính phủ, giúp DN nhanh chóng hồi phục và phát triển sau khi mở cửa lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau giãn cách.
Quý IV hàng năm đặc biệt quan trọng vì thị trường cung cầu hàng hóa tăng cao và việc thực hiện gấp rút các hợp đồng của DN với đối tác trong và ngoài nước để kịp phục vụ dịp lễ, tết. Vì vậy, cần kiên quyết và thận trọng mở cửa phục hồi sản xuất, kinh doanh sớm trong tháng 9 hoặc cuối tháng 9 sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn cho DN, phục hồi được nền kinh tế, tạo sức bật cho kinh tế phát triển trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Các tin khác