“Xanh hóa” FDI

(ĐTTCO) - Trước những yêu cầu phát triển mới và nhìn nhận những khó khăn từ đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy “xanh hóa” nền kinh tế. Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Xanh hóa” FDI
 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1-10-2021, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Những mô hình kinh tế cụ thể có tính thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có kinh tế tuần hoàn, cũng đang được nghiên cứu, tạo thuận lợi, hướng tới thúc đẩy chuyển đổi xanh ngay trong quá trình phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch từ nền “kinh tế nâu” sang nền “kinh tế xanh” khó có thể đạt hiệu quả cao nếu thiếu sự đồng thuận, chủ động thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Lấy đơn cử các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bắt đầu có sự chuyển hướng rõ nét.
Đó là một số dự án năng lượng sạch đã được cấp phép trong thời gian gần đây, như dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD (năm 2020); hay dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD, với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An (năm 2021).
Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với “kinh tế xanh, sản xuất xanh” ít nhiều tạo được những tác động lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Như mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái đã được quan tâm nhiều hơn, đi kèm với hoàn thiện chính sách liên quan cũng như sự gia tăng đầu tư của các DN phát triển bất động sản công nghiệp (thí dụ KCN sinh thái Nam Cầu Kiền).
Ban quản lý các KCN cũng nhìn nhận tích cực hơn về vai trò của việc bảo vệ môi trường như là yếu tố tiên quyết để thu hút FDI. Trước đây, bảo vệ môi trường thường được nhìn nhận với tác động làm tăng chi phí, do đó không đồng nhất với lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, các KCN hiện đã quan tâm hơn đến sàng lọc, đánh giá tác động nhằm bảo đảm các dự án đầu tư thân thiện với môi trường.
Cần lưu ý, Việt Nam nằm trong số các quốc gia gia tăng xu hướng tiêu dùng bền vững, nên đã góp phần tạo “cầu” đáng kể đối với các sản phẩm xanh. Theo đó, thu hút FDI vào các ngành, hoạt động kinh tế xanh được thực hiện một cách tự nhiên, vì chính nhu cầu tự thân của Việt Nam.
Và chính sự quan tâm đi kèm với hiện diện nhiều hơn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng khiến các tập đoàn, DN Việt Nam có thêm động lực đầu tư vào các ngành, hoạt động kinh tế xanh. Không ít DN đã và đang nghiên cứu triển khai các dự án đầu tư theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Các DN khác đã quan tâm hơn đến sản xuất an toàn, bền vững, không chỉ để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, còn để được người tiêu dùng chấp nhận. Dù vậy, chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều để hướng tới “kinh tế xanh, tăng trưởng xanh”.
Nhiều năm qua, Việt Nam luôn gặp phải những vấn đề trầm kha ảnh hưởng đến sức lan tỏa của các dự án FDI đối với nền kinh tế. Trong đó, kết nối DN FDI với DN trong nước không đơn giản, một phần do nhận thức, động lực và tiêu chuẩn, công nghệ của DN trong nước chưa đáp ứng yêu cầu DN FDI. Ở các ngành, các hoạt động kinh tế xanh, những chênh lệch này còn lớn hơn.
Có thể tin rằng, chuyển đổi lên quy trình xanh, sản phẩm xanh cũng sẽ giúp đầu ra của DN chuyển lên những phân khúc giá cao hơn, có thể bù đắp được phần chi phí gia tăng. Chính ở đây, sự chuyển hướng của FDI sang kinh tế xanh, cùng với các tác động cạnh tranh và/hoặc chuyển giao công nghệ, cần được coi là xu hướng kinh tế tích cực.

Các tin khác