Vui bóng đá, lo cho nền kinh tế

(ĐTTCO) - Có thể nói, World Cup 2022 là một trong những vòng chung kết sóng gió và kỳ lạ nhất trong lịch sử, từ việc diễn ra vào mùa đông cho đến việc vấp phải nhiều sự phản đối từ các ngôi sao bóng đá, các nền bóng đá lớn, thậm chí mới đây cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter thừa nhận việc trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar là sai.
Vui bóng đá, lo cho nền kinh tế
 Và ngày hôm qua, 20-11, khi quả bóng của World Cup 2022 là Al Rihla bắt đầu lăn trên các sân cỏ, thì tại nhiều nơi khác vẫn phải đang đau đầu giải quyết các thách thức và hệ quả đến từ dịch bệnh, thiên tai, xung đột vũ trang và cả những rủi ro về khủng hoảng, suy thoái kinh tế. 
Tại Việt Nam, phải đến trước ngày khai mạc hơn 3 tuần, VTV mới công bố có được bản quyền truyền hình World Cup 2022 với 6 nhà tài trợ, có lẽ là nhiều nhất trong lịch sử, bao gồm 4 ngân hàng VP Bank, LienvietPostBank, Techcombank, SHB và 2 tập đoàn là Vingroup cùng T&T.
Phó Tổng biên tập của một tờ báo lớn đã viết trên trang cá nhân một cách hài hước: Các bình luận viên của nhà đài sẽ phải tập dượt cho việc đọc tên của 6 nhà tài trợ sao cho lưu loát, còn hơn là việc đọc và nhớ tên 32 đội tuyển bóng đá tham dự giải lần này. Một thông tin đáng chú ý, bản quyền truyền hình World Cup lần này dù không có con số chính thức, nhưng nhiều ước tính và dự đoán vào khoảng 15 triệu USD, một số tiền không hề nhỏ.
Và đặt trong bối cảnh thanh khoản đang là thách thức của nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện nay, thì 15 triệu USD, tương đương khoảng 375 tỷ đồng lại càng giá trị hơn. Số tiền này gửi tiết kiệm với lãi suất khoảng 9%/năm thì tiền lãi đem về cũng gần 34 tỷ đồng, còn nếu đem ra cho vay với lãi suất chỉ 12%/năm thôi thì tiền lãi cũng đã 45 tỷ đồng. 
Một mùa World Cup được cả thế giới chờ đợi trong 4 năm qua, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng xem ra kỳ này vẫn vui, nhưng vui trong âu lo. Ai đó đã nói rằng, mùa World Cup này sẽ có tác dụng xoa dịu dân chứng khoán, bất động sản, doanh nghiệp sản xuất và tiền số vốn đã mang tâm trạng ngổn ngang.
Niềm vui khi thị trường chứng khoán (TTCK) giảm thường được mô tả như sau: Bắt đáy cổ phiếu, may mắn bắt trúng sau ngày T+2,5 (bán vào chiều ngày T+2), nhà đầu tư (NĐT) lãi được hơn 10%. Đây cũng là niềm an ủi theo hướng NĐT là fan ruột của đội bóng nào, đánh cược bằng một bữa ăn uống với bạn bè, nếu thắng coi như cũng được giải… an ủi.
Sự xoa dịu này có thể diễn ra ngay lập tức sau phiên giao dịch, vì múi giờ châu Á nên các trận đấu ở vòng bảng sớm nhất bắt đầu lúc 17 giờ và trễ nhất cũng chỉ là 2 giờ sáng, tương tự giờ của 1 trận Champions League. Nếu 14 giờ 45 kết thúc phiên giao dịch, danh mục suy giảm, nhưng đến 17 giờ lại được xem Messi rê bóng qua 3-4 hậu vệ, Neymar nhảy múa với trái bóng, hay Mbappe dốc bóng thần tốc cũng là… sự chữa lành cho tâm hồn. 
Gọi bóng đá là môn thể thao vua bởi nhiều lẽ, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là sự tương phản muôn màu của cuộc sống, mà hiếm có môn thể thao nào tạo ra. Trong 5 kỳ World Cup gần nhất từ 2002 đến 2018, có đến 4 lần các nhà đương kim vô địch bị loại ngay từ vòng bảng bao gồm Pháp năm 2002, Italia năm 2010, Tây Ban Nha 2014 và Đức năm 2018.
Nói đến đây chợt có sự liên tưởng những nhà đương kim vô địch với những NĐT bất động sản cá nhân cũng như tổ chức. Trong 3 năm gần đây cho đến cách đây 3 tháng, cũng thắng như chẻ tre, cũng dũng mãnh như các nhà vô địch, nhưng bỗng chốc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thậm chí còn có thể dính vào lao lý… 3 tháng trước, không ai có thể nghĩ đến tình cảnh của những người làm bất động sản hay chứng khoán như hiện nay. 
Thực tế bóng đá có thắng, có thua và người hâm mộ không thể đòi hỏi đội đương kim vô địch lại tiếp tục… vô địch, nhưng nếu nhìn lại việc các nhà đương kim vô địch bị loại tại vòng bảng sẽ thấy điều mà người hâm mộ thất vọng chính là… niềm tin dường như bị phản bội. Nó cũng giống như cái cách mà một số NĐT tham gia trái phiếu doanh nghiệp đang phải gánh chịu khi dường như đã đặt niềm tin nhầm chỗ. Sự hoành tráng, hào nhoáng, kể cả là uy tín của doanh nghiệp bỗng chốc tan thành mây khói.
Cư dân mạng có thuật ngữ “fan phong trào”, chỉ những fan bóng đá bỗng dưng thích một đội nào đang có một chuỗi phong độ ấn tượng cũng chỉ để… theo trend. Và các đội bóng nhỏ hoặc trung bình như Costa Rica, Senegal, Mexico, Thụy Sĩ… trong một giải đấu thăng hoa thì cũng rất dễ có fan phong trào. Nhiều người thích các đội này vì khoảnh khắc, vì những chiến thắng bất ngờ.
Tới đây chợt liên tưởng đến nhiều… coin thủ, tức những người chơi tiền số vài năm gần đây, cũng mua coin vì thấy bitcoin tăng, nên chuyển sang mua coin khác cũng hy vọng tăng. Có người thắng, nhưng cũng có người đổ nợ. Nhiều đồng tiền số đã sụt giảm nghiêm trọng, nhiều sàn coin cũng đã sập, và tất nhiên tham gia coin theo kiểu phong trào này thì niềm vui cũng ngắn chẳng tày gang vì bất ngờ không đến nhiều lần. 
Bóng đá là cuộc đời, cuộc đời cũng như trận bóng đá. Kết thúc trận đấu, nếu thắng thì vẫn phải tìm cách để duy trì chiến thắng, nếu thua phải có chiến lược để gượng dậy. Trước khi trở lại với chức vô địch World Cup 2014, Đức đã có nhiều kỳ World Cup thất bại cay đắng và buộc phải cải tổ, từ hệ thống đào tạo trẻ đến giải vô địch quốc gia. Pháp sau thời kỳ thống trị những năm 1998 cũng đã sa sút và phải làm lại đến năm 2018 mới được nâng cup vàng trở lại. Và người hâm mộ bóng đá, sau một kỳ World Cup, cũng đang kỳ vọng một sự thanh lọc, tái sinh của nền kinh tế, tài chính sẽ sớm quay trở lại, 
Ai đó đã nghĩ, TTCK 2006 đã không thể lặp lại thì đã lặp lại vào năm 2020-2021, và chỉ cần có những giải pháp thì dù kinh tế đang có vẻ giống 2008, cũng hy vọng một sự lặp lại tương tự như năm 2009 hay một giai đoạn nào đó mà các giải pháp hỗ trợ, cứu trợ được ban hành.

Các tin khác