Ví điện tử đối thủ thẻ ngân hàng

(ĐTTCO) - So với 10 năm trước, các ví điện tử (VĐT) tại Việt Nam đã có sự “lột xác”, trở thành điểm sáng trên thị trường thanh toán di động. Trong các năm tới, diện mạo VĐT có thể còn nhiều thay đổi, khi  cuộc đua sẽ càng khốc liệt hơn trong bối cảnh phương thức thanh toán này dự báo tăng trưởng mạnh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Dự báo đầy khả quan
Theo báo cáo nghiên cứu dự báo về xu hướng phát triển hoạt động thanh toán chủ đạo trên thế giới năm 2022 của Capgemini (công ty tư vấn dịch vụ kỹ thuật số của Pháp), trong số các phương thức thanh toán thế hệ mới, ví kỹ thuật số/VĐT đang giành được thị phần quan trọng trong hệ sinh thái thanh toán nhờ ưu điểm dễ sử dụng, nhanh chóng và tiện lợi.
Dự báo đến năm 2025, số lượng VĐT đang hoạt động đạt khoảng 4,8 tỷ ví và có đến 60% dân số thế giới sử dụng (năm 2020 chỉ khoảng 2,8 tỷ ví). Trong đó, các thị trường có tốc độ tăng trưởng dịch vụ VĐT tốt bao gồm khu vực Đông Nam Á, Mỹ Latin, châu Phi và Trung Đông. 
Trên quy mô toàn cầu, năm 2020 VĐT vượt qua thanh toán thẻ vật lý và tiền mặt trong các giao dịch tại cửa hàng. Dự báo năm 2024, VĐT chiếm khoảng 1/3 giao dịch thanh toán tại các cửa hàng và sẽ được áp dụng trong hơn một nửa số giao dịch thanh toán thương mại điện tử (TMĐT) trên toàn thế giới.
Ngược lại, các phương thức thanh toán truyền thống như thẻ NH hay nhận tiền khi giao hàng (COD), đang mất dần thị phần và có thể chỉ chiếm dưới 40% trong thanh toán TMĐT vào năm 2024. Nếu so sánh trên phương diện thanh toán không dùng tiền mặt, trong những năm tới VĐT sẽ trở thành “đối thủ” của thẻ NH. 
Trong nước, điểm lại số liệu những năm gần đây cho thấy VĐT đang có bước chuyển mình thần tốc. Ra đời từ năm 2008, VĐT thời điểm đó phát triển khá chật vật. Năm 2013, cả nước mới có khoảng 1,84 triệu VĐT, tổng lượng giao dịch đạt 23.350 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD). Từ năm 2015 trở đi, VĐT bắt đầu tăng tốc.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch bằng VĐT được xử lý thành công đạt xấp xỉ 802,56 triệu món, với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 302.160 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017-2021, thanh toán qua VĐT có tốc độ tăng trưởng bình quân 80,43% về số lượng và 71,86% về giá trị.
Mặc dù giá trị giao dịch chưa bằng thẻ NH, song Vụ Thanh toán NHNN từng nhận định, số giao dịch qua VĐT đã gần tương đương giao dịch NH. Số liệu của NHNN cũng cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, tổng số VĐT đã kích hoạt đã tăng 10,37% so với cuối năm 2021. 

Cuộc đua sẽ còn hấp dẫn
Hiện thị trường có khoảng 43 VĐT và tổ chức trung gian thanh toán được NHNN chính thức cấp phép hoạt động, tăng 7 lần so với năm 2015. Trong đó, ngoài các ví sớm có mặt trên thị trường như MoMo, VNPAY, ShopeePay (trước đó là AiPay), ViettelPay, ZaloPay, Moca (GrabPay), Payoo, nhiều NH, tập đoàn lớn đã vào cuộc.
Chẳng hạn, VNPT Pay của VNPT, SenPay của FPT, ECPay thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… Hiện 3 VĐT dẫn đầu là Momo, Moca và ZaloPay chiếm 90% thị phần. Nhóm này đang cải tiến mạnh mẽ để cạnh tranh với kênh thanh toán truyền thống là thẻ NH hay mobile banking.
Theo thống kê của Asian Plus, hiện mức độ nhận diện của người dùng VĐT với Momo đã đứng đầu thị trường trong nước. Ra mắt năm 2013 với sự hậu thuẫn của nhiều nhà đầu tư tên tuổi như Warburg Pincus, Standard Chartered, Goldman Sachs… MoMo nhanh chóng chiếm được lòng tin người tiêu dùng, khi có hơn 31 triệu người dùng ở thời điểm hiện tại.
Siêu ứng dụng này đã hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) vào cuối năm 2021, nhận số tiền đầu tư trị giá 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management.
Nguồn vốn mới được sử dụng với mục đích củng cố vị trí siêu ứng dụng dẫn đầu thị trường. Trong khi đó, ZaloPay được xem đối thủ cạnh tranh lớn nhất của MoMo, khi đơn vị chủ quản của VĐT này là CTCP Zion không ngừng “đốt tiền” để giành thị phần. Hoạt động của 2 VĐT nhóm đầu cho thấy sự đầu tư lớn trong cuộc chiến giành thị phần của các fintech trên thị trường thanh toán.
Thời gian gần đây, các VĐT cũng bắt đầu mở rộng dịch vụ, lấn sân sang mảng tài chính, cạnh tranh với nhiều dịch vụ của NH. Chẳng hạn, MoMo triển khai dịch vụ ví thần tài để người dùng gửi tiền sinh lời, hay ví trả sau cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm do TPBank cung cấp để thanh toán một số dịch vụ trên ví. Người dùng ví có thể vay để mua sắm rồi trả sau hoặc chọn trả góp nhiều kỳ cho khoản tiền.
ZaloPay cũng có dịch vụ gửi tiền nhàn rỗi, sinh lời 5%/năm, lợi nhuận chi trả theo ngày. Đầu năm 2022, VĐT SmartPay hợp tác cùng FE Credit tung ra gói hỗ trợ vốn đến 200 tỷ đồng cho tiểu thương. Chỉ cần đăng ký qua tính năng ví trả sau, mỗi tiểu thương, nhà bán hàng nhỏ lẻ được hỗ trợ tài chính 3 triệu đồng, lãi suất 0%.
Theo nhiều dự báo, các nhà cung cấp VĐT sẽ còn nhiều “chiêu” cạnh tranh hấp dẫn hơn, cũng có thể sáp nhập thành vài siêu ứng dụng hàng đầu để tiếp tục cuộc đua giành thị phần. Thực tế, hiện nay thẻ NH hay mobile banking có lợi thế vì đa số người trưởng thành đều sở hữu tài khoản NH. Song quan sát trong thanh toán TMĐT, VĐT thường được ưu tiên lựa chọn hơn.
Đầu tiên là vì VĐT thường kết hợp với các nền tảng TMĐT để giảm giá cho người mua. Kế đến, liên kết thanh toán qua VĐT không phức tạp như liên kết đến tài khoản NH. Hơn nữa, tâm lý ngại lộ thông tin tài khoản NH cũng dẫn đến việc chọn thanh toán qua VĐT. Đó là lợi thế của VĐT. 
Vấn đề của VĐT hiện nay là giá trị thanh toán qua ví còn nhỏ, người dùng chưa sẵn sàng trả phí khi sử dụng các dịch vụ, trong khi đầu tư phát triển VĐT lại ngốn khoản tiền rất lớn. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư vẫn không ngừng rót vốn vào các doanh nghiệp fintech, cho thấy tiềm năng của mảng này vẫn còn rất lớn, và thời gian tới cuộc cạnh tranh của các VĐT sẽ còn rất khốc liệt. 
 Với tốc độ tăng trưởng kép lên tới 30,2%/năm trong giai đoạn 2020-2027, thị trường thanh toán di động tại Việt Nam có thể cán mốc 2.732 tỷ USD vào năm 2027. VĐT chắc chắn sẽ không bỏ qua tiềm năng to lớn này trong thời gian tới.

Các tin khác