VASEP: Xuất khẩu thủy sản 2021 chỉ đạt khoảng 8,4 tỷ USD

(ĐTTCO) - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản 2021 của Việt Nam khó cán đích mục tiêu 8,8 tỷ USD. 
Theo đại diện VASEP, nếu kịch bản lạc quan nhất thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ tương đương với năm ngoái, đạt khoảng 8,4 tỷ USD.
Theo đại diện VASEP, nếu kịch bản lạc quan nhất thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ tương đương với năm ngoái, đạt khoảng 8,4 tỷ USD.
Tại hội nghị đánh giá 4 năm triển khai chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống Khai thác IUU”, do VASEP phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức sáng 23-10, đại diện VASEP cho biết xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2021 khó đạt được mục tiêu đã đề ra. Ở kịch bản lạc quan nhất, xuất khẩu thủy sản năm nay chỉ có thể đạt mức 8,4 tỷ USD, tương đương năm 2020.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, cho rằng năm 2021 là năm các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản phải đối mặt với nhiều thách thức bên cạnh đại dịch Covid-19.
Thứ nhất, do dịch Covid -19 bùng phát mạnh nên số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thuỷ sản trong quý III-2021 đã giảm mạnh. Nhiều đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ.
Thứ hai, việc thực hiện cơ chế kiểm soát IUU nên xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU (EU một trong ba thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực, cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản) thực sự vẫn gặp khó khăn, bởi “thẻ vàng”, chưa “thuận buồm xuôi gió”.
Thứ ba, do các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Thứ tư, cước vận tải đường biển tăng mạnh do Covid-19, đã vượt quá sức chịu đựng chi phí của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước đó, mục tiêu xuất khẩu của ngành thủy sản cả năm 2021 là đạt 8,5 - 8,8 tỷ USD. Như vậy, trong 4 tháng cuối năm, ngành thủy sản cần phải đem về 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, dự tính của VASEP cho thấy hiện chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách. Số doanh nghiệp còn lại đang rất khó khăn, hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại sản xuất.
Dự báo năm 2021, xuất khẩu hải sản chỉ đạt 3,1 tỷ USD (giảm 3% so với 2020), xuất khẩu cá tra đạt khoảng 1,5 tỷ USD (bằng năm 2020). Xuất khẩu tôm dù đơn hàng được dự báo sẽ tăng mạnh trong quý cuối năm, song cũng chỉ đạt mức 3,8 tỷ USD (tăng nhẹ 3% so với năm 2020) và không đủ sức kéo mục tiêu xuất khẩu chung cho toàn ngành thủy sản.
Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU
Theo Tổng cục Thủy sản, sau 4 năm thực hiện các biện pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” IUU trong lĩnh vực khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản, do Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra (2017 – 2021), Việt Nam cơ bản đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác ở các nước, quốc đảo Thái Bình.
Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực đã giảm; xử phạt các hành vi khai thác IUU đã có kết quả bước đầu. Một số tỉnh đã xử phạt các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối VMS, như Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận...
EC cũng đã có những ghi nhận nỗ lực của Việt Nam, như công tác giám sát bốc dỡ thủy sản qua cảng; kiểm soát tàu cá rời cảng, cập cảng có sự cải thiện đáng kể so với trước; nỗ lực trong việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đưa ra quy định đánh dấu tàu cá theo khuyến nghị của EC, nhằm quản lý hoạt động khai thác trên biển.
Tổng cục Thủy sản cho biết từ ngày 27-10 tới đây, Việt Nam sẽ đàm phán với EC để đánh giá lại 4 năm thực hiện các biện pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” IUU. Để EC sẽ quyết định có gỡ “thẻ vàng” cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU hay không. 

Các tin khác