Ước mong thời Covid

(ĐTTCO) - Đại dịch Covid 19 đã sang năm thứ 2, đợt dịch thứ 4 mang lại những căng thẳng cho cả bộ máy nhà nước các cấp và thiệt hại lớn cho nền kinh tế, cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) và ảnh hưởng trực tiếp tới đông đảo người dân. 
Lực lượng cán bộ y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân.
Lực lượng cán bộ y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân.
Một cuộc điều tra ngẫu nhiên với gần 12.000 DN cả tư nhân trong nước lẫn FDI tại 63 tỉnh, thành phố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào cuối năm 2020, cho thấy cứ 10 DN thì có đến gần 9 DN (8,7) cho biết đã tác động rất tiêu cực hoặc tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của mình.
Đặc biệt những DN và hộ kinh doanh trong các ngành hàng dịch vụ, du lịch trên nhiều tỉnh, thành phố đã lẳng lặng đóng cửa. Con số chính thức được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố lên đến 70.000 DN đã rời khỏi thị trường chỉ trong 6 tháng đầu năm nay. 
Bên cạnh số ca nhiễm tăng nhanh hàng ngày, đội ngũ y tế và bộ máy chính quyền các cấp đang căng mình, căng sức cho công tác chống dịch bệnh. Bộ máy các cấp có lẽ đang hoạt động hơn 100% công suất. Căng thẳng. Mệt mỏi. 
Đối với khu vực kinh doanh, nhiều DN ở những vùng dịch đang đứng ngồi không yên vì nguy cơ người lao động mắc Covid, nguy cơ phải đóng cửa bất cứ lúc nào. Lo lắng không phải là đình trệ sản xuất, chi phí tăng, mà có lẽ điều lo lắng và ám ảnh nhất là mất khách hàng.
Khi DN Việt Nam không sản xuất, không cung cấp được đơn hàng thì khách hàng, nguồn hàng, mối làm ăn trên thế giới đâu có chờ Việt Nam được. Ngừng lần này thì có sẵn các nhà cung cấp ở Trung Quốc hay các nước sẵn sàng thay thế ngay. Công sức nỗ lực gây dựng bao nhiêu năm giờ có thể đổ xuống sông, xuống bể. Lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. 
Đã có giải pháp 3 tại chỗ (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) để đảm bảo duy trì sản xuất liên tục. Đây cũng là cách làm sáng tạo của nhiều địa phương tại Việt Nam để thích nghi với bối cảnh dịch bệnh. Nhưng không phải DN nào cũng đủ điều kiện để duy trì điều này khi số lượng công nhân quá đông, khi cơ sở, vật chất của DN chật chội, không thể đảm bảo được.
Với nhiều DN, dịch bệnh đồng nghĩa với không kiểm soát được chi phí tăng phi mã. Tất cả các chi phí để phòng chống dịch đều đổ vào chi phí kinh doanh. Ngoài các chi phí mua sắm trang thiết bị phòng dịch, hỗ trợ, trợ cấp cho công nhân, còn các chi phí xét nghiệm định kỳ. Với những DN có hàng ngàn công nhân thì khoản này lớn lắm.
Trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng phi mã, chi phí vận tải logistics cao ngất ngưởng, gồng gánh chịu đựng để tồn tại, để khỏi sụp đổ là thử thách hàng ngày với các chủ DN. 
Nhiều DN chỉ ước mong sao có những giải pháp thiết thực để hỗ trợ chi phí cho DN. Chẳng hạn như các chi phí xét nghiệm định kỳ Covid cho công nhân, các chi phí liên quan đến chống dịch… mà Nhà nước hỗ trợ bằng ngân sách có phải đỡ bao nhiêu không, cái này có ích hơn nhiều các chính sách nghe chừng to lớn khác.
Và nó cũng rất thiết thực và động lực. Những DN nào đang sử dụng công nhân nhiều nhất, giữ được việc làm nhiều nhất thì Nhà nước hỗ trợ nhiều nhất. 
Có lẽ điều ám ảnh nhất với các DN trong bối cảnh dịch bệnh là sự lưu thông bị hạn chế. Giờ các hoạt động kinh doanh luôn cần sự kết nối. Không có cơ sở sản xuất kinh doanh nào là riêng biệt, biệt lập được. Để sản xuất thì cần nguyên liệu, nhiều loại nguyên liệu, có cái từ DN, cơ sở trong nước cung cấp, có cái phải nhập khẩu từ cảng.
Sản xuất xong sản phẩm thì phải chở đi bán, đi giao, phải ra cảng để xuất. Nhưng khi dịch bệnh căng thẳng thì các địa phương sẽ dựng ngăn cách, phong tỏa.
Để đi vào địa phận tỉnh này hay ra cảng địa phận nơi thành phố nọ sẽ cần chìa ra các xét nghiệm âm tính với Covid, giấy này lấy rất mất công và tốn kém. Nhưng hiệu lực thì đa dạng, có nơi chỉ chấp nhận hiệu lực trong 24 giờ, có nơi 48 giờ, có nơi lại 72 giờ. Một số tỉnh, thành phố thì đi sang tỉnh có dịch về đối mặt với yêu cầu cách ly 21 ngày, chở một chuyến hàng và lái xe bị cách ly 21 ngày thì không biết bao nhiêu lái xe cho đủ. Ám ảnh nữa là tắc ở cửa ngõ thành phố, hàng km, mất cả ngày để đi chặng đường trước đây chỉ cần vài tiếng đồng hồ. 
Nhiều DN thầm ước, giá như có một kịch bản và hình thức điều phối vận chuyển thống nhất, nhất quán giữa các địa phương. Vận tải giống như mạch máu, nó phải lưu thông thì cơ thể mới sống được. Tất nhiên dịch bệnh là khẩn cấp, cấp bách, là quyết định nhanh, nhưng dù sao đây cũng đã là năm thứ 2, cũng là đợt dịch thứ 4 và nhiều bộ, ngành, tỉnh thành phố không phải lần đầu đối mặt.
Thế nhưng vẫn tắc, vẫn rối. Và giá như lái xe, những người nằm trong hệ thống lưu chuyển này cần phải được xem là nhóm đối tượng cần được ưu tiên tiêm vaccine đầu tiên thì cách thức vận hành đã khác. 

Các tin khác