Từng bước thích nghi điều kiện “bình thường mới”: Cơ quan công quyền lên phương án đón dân

(ĐTTCO)-Đến thời điểm này, TPHCM ghi nhận 3 địa phương (quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ) đã kiểm soát được dịch Covid-19 theo các tiêu chí của Bộ Y tế. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo việc thí điểm quận 7, huyện Củ Chi cho kịch bản bình thường mới sau ngày 15-9. Cơ quan nhà nước các cấp đã chuẩn bị gì cho trạng thái bình thường mới khi bộ máy từng bước vận hành trở lại?
Chuyên viên Bảo hiểm xã hội TPHCM làm việc online, giải quyết hồ sơ trực tuyến cho người dân tại nhà trong những ngày giãn cách. Ảnh: MẠNH HÒA
Chuyên viên Bảo hiểm xã hội TPHCM làm việc online, giải quyết hồ sơ trực tuyến cho người dân tại nhà trong những ngày giãn cách. Ảnh: MẠNH HÒA

Giải quyết hiệu quả hồ sơ trực tuyến

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch UBND phường 14 (quận 8), thông tin, thời gian qua, trụ sở UBND phường này đã được trưng dụng làm điểm tập kết lương thực, thực phẩm phục vụ công tác an sinh. Trước ngày 15-9, số hàng trên có thể phải di dời sang nơi khác, trả lại mặt bằng làm việc cho trụ sở UBND phường. “Chúng tôi khôi phục ở trạng thái bình thường mới để phục vụ người dân, đúng nghĩa là trụ sở hành chính và đảm bảo các quy định giãn cách, 5K theo quy định khi tiếp dân”, ông Trần Ngọc Thuận chia sẻ.

Ở quận Gò Vấp, trụ sở cơ quan hành chính UBND các phường cũng đều là điểm tập kết hàng hóa phục vụ công tác an sinh xã hội. Bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết, nếu hoạt động trở lại, các phường sẽ dọn dẹp, phun khử khuẩn, phân công cán bộ công chức trực giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân. Người dân đến giao dịch sẽ tuân thủ việc khai báo y tế, khử khuẩn, đo thân thiệt, đeo khẩu trang. Đội ngũ cán bộ, công chức sẽ được trang bị các biện pháp bảo hộ phòng chống dịch khi giao dịch với người dân.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch UBND quận 1, quận đã có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng trong giai đoạn nới lỏng, đảm bảo hoạt động và an toàn phòng dịch. Ngoài các thủ tục hành chính đã thực hiện trực tuyến, quận thiết lập kênh tiếp nhận hồ sơ hành chính qua Zalo và có cán bộ hướng dẫn cho người dân. “Sau khi đã hoàn chỉnh và nộp hồ sơ qua Zalo, người dân nộp hồ sơ giấy tại hộp tiếp nhận hồ sơ. Cuối buổi, chúng tôi sẽ khử khuẩn trước khi nhận chuyển hồ sơ cho phòng ban thụ lý”, ông Nguyễn Duy An thông báo.

Là địa phương cơ bản kiểm soát được dịch, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết, nếu sau ngày 15-9, huyện Củ Chi được giảm cấp độ giãn cách xã hội, chuyển sang áp dụng theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, huyện sẽ xem xét việc tiếp nhận trực tiếp đối với một số thủ tục, hồ sơ hành chính. Về việc này, huyện đang chờ chỉ đạo của thành phố.

TS Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhận định, thời gian thực hiện giãn cách đã tạo ra thuận lợi cho xu thế giải quyết thủ tục trực tuyến. “Nhà nước tạo hạ tầng, tạo không gian, người dân theo đó tự thực hiện. Cán bộ công chức dù ở nhà hay ở đâu cũng duyệt được hồ sơ, thủ tục. Phương án này không chỉ dành cho thời gian giãn cách, mà hoàn toàn có thể áp dụng sau này, khi người dân làm quen và tham gia quá trình chuyển đổi số trong quản lý nhà nước”, TS Huỳnh Thanh Điền tâm đắc.

Duy trì nhiệm vụ phòng chống dịch

Trong chương trình “Dân hỏi thành phố trả lời” số đặc biệt vào tối 6-9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin, nếu làm tốt, có hiệu quả các giải pháp đặt ra thì sau ngày 15-9, thành phố có cơ sở và lộ trình để nới lỏng giãn cách.

Điều đó cho thấy, tùy thuộc vào mức độ kiểm soát dịch sẽ có sự nới lỏng giãn cách từng phần, trên cơ sở an toàn đến đâu nới lỏng đến đấy. Các cơ quan, đơn vị nhà nước của thành phố đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, bố trí tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công nhân viên chức - lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở... Do đó, nếu thành phố nới lỏng giãn cách với các quy định cụ thể thì việc bố trí nhân sự làm việc tại các trụ sở, cơ quan nhà nước cũng cần nới lỏng từng phần, hạn chế tập trung đông người cùng lúc và đảm bảo khoảng cách tiếp xúc theo quy định.

Từng bước thích nghi với điều kiện 'bình thường mới' - Bài 3: Cơ quan công quyền lên phương án đón dân ảnh 1Trụ sở UBND phường 10, quận Gò Vấp được trưng dụng làm điểm tập kết lương thực thực phẩm phục vụ công tác an sinh

TS Huỳnh Thanh Điền cho rằng, sự tái hoạt động của các cơ quan hành chính cần thực hiện đồng bộ, cùng lúc trên toàn thành để thông suốt. Chúng ta có thuận lợi là đến ngày 15-9 sẽ đạt độ phủ mũi 1 vaccine cho người trên 18 tuổi, trong khi chính quyền đang nghiên cứu áp dụng “thẻ xanh vaccine” trên toàn thành phố. Nếu các địa phương làm đồng bộ, đồng thời sẽ giảm được khối lượng công việc cho cán bộ công chức và cũng dễ cho việc kiểm soát, quản lý. Nếu thành phố dần nới lỏng, cần tăng cường hậu kiểm, kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy định phòng dịch thay vì duy trì lực lượng như hiện nay để giảm bớt khối lượng công việc không cần thiết cho các sở ngành. 

Một trong những “điều kiện an toàn với dịch” khi các công sở mở cửa trở lại là cán bộ, công nhân viên chức - lao động đều đã được tiêm vaccine. Các địa phương cũng đang tích cực vận động người dân tiêm chủng để đạt mục tiêu an toàn trước khi mở cửa từng phần các hoạt động kinh tế - xã hội.

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, cho biết, mỗi năm, cơ quan BHXH giải quyết trên 2 triệu hồ sơ, kể cả lúc giãn cách xã hội. Trong khi đó, số lượng công nhân viên chức - lao động của ngành có hạn (tổng số 1.300 người). Để giải quyết lượng hồ sơ khủng, bắt buộc BHXH phải ứng dụng mạnh công nghệ thông tin. Khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, BHXH TPHCM tiếp tục phục vụ giải quyết hồ sơ trực tuyến và sẽ mở cửa trở lại, tiếp nhận trực tiếp đối với một số trường hợp người dân không tiện làm trực tuyến.

Năm nay, học sinh, sinh viên sử dụng thẻ BHYT điện tử có sẵn trong ứng dụng BHXH số - VssID. Trường hợp nào không xài thẻ BHYT số thì ngành BHXH sẽ in thẻ và phối hợp với bưu điện phát thẻ tận tay học sinh, sinh viên.

Các tin khác