Tư nhân đầu tư vào đường sắt: Cần gỡ vướng từ cơ chế

(ĐTTCO)- Sau nhiều năm giằng co, với không ít phương án được đưa ra, đến nay phương án đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam đã cơ bản “ngã ngũ”.

Đường sắt không thể trở nên hiện đại nếu vẫn còn cô độc.
Đường sắt không thể trở nên hiện đại nếu vẫn còn cô độc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xã hội hóa phương tiện toa xe và hút vốn tư nhân đầu tư vào các nhà ga lâu nay vẫn đang vướng như “gà mắc tóc”.

Sau khi có kiến nghị của tư vấn thẩm tra, Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT đã thống nhất phương án tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam có vận tốc thiết kế 180-250 km/giờ, khai thác tốc độ 160-225 km/giờ.

Đây là quyết định quan trọng để Hội đồng thẩm định Nhà nước trình Thủ tướng để báo cáo Quốc hội xin chủ trương đầu tư.

Trong đó, tuyến mới sẽ chở hành khách và tàu hàng cao tốc có vận tốc 250 km/giờ; các điểm dừng của tàu khách chỉ ở 6 ga chính gồm Ngọc Hồi, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Long Thành, Thủ Thiêm. Tuyến hiện hữu nâng cấp để chở hành khách liên vùng và tàu hàng container với vận tốc 180 km/giờ sẽ dừng tại tất cả ga dọc Bắc - Nam.

Cũng theo phương án này, tư vấn thẩm tra đề xuất xây 50 nhà ga cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Kinh nghiệm từ các nước có đường sắt phát triển lâu đời như Anh, Pháp, Đức, Canada và Nhật Bản cho thấy, ngay từ rất sớm họ đã chú trọng xã hội hóa nhằm thu hút nguồn lực để đầu tư, khai thác và quản lý kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các nhà ga đường sắt hoạt động rất hiệu quả.

Nơi đây trở thành những trung tâm thương mại vô cùng sầm uất, không chỉ phục vụ khách đi tàu mà còn thu hút nhiều đối tượng tới mua sắm, vui chơi giải trí. Nhờ đó mà doanh thu từ kinh doanh ngoài vận tải của các công ty đường sắt ở Nhật Bản chiếm tới 35% tổng doanh thu.

Trong khi đó, ngành đường sắt VN hiện đang quản lý gần 300 nhà ga dọc đất nước; tổng diện tích đất nhà ga, khu ga lên tới 9,4 triệu m2, trong đó hơn 10 khu ga có vị trí “đất vàng” ở các thành phố, đô thị lớn. Ý tưởng xã hội hóa nhà ga cũng đã có từ rất lâu, nhưng do vướng hàng loạt cơ chế nên chưa thể thu hút xã hội hóa đầu tư.

Theo quy định hiện hành, kinh doanh khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt là của Nhà nước, Tổng Công ty Đường sắt VN chỉ thay mặt Nhà nước quản lý tài sản hạ tầng đường sắt, không được phép trực tiếp đầu tư hoặc hợp tác với các doanh nghiệp khác xây mới, nâng cấp tài sản hạ tầng đường sắt.

Trong khi các loại hình vận tải hàng không, hàng hải được giao tài sản hạ tầng cho doanh nghiệp để khai thác, kinh doanh thì đường sắt lại chưa được phép.

Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, nhiều năm qua Tổng Công ty Đường sắt VN đã đề xuất Chính phủ giao phần tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư gồm toàn bộ 297 nhà ga, kho hàng, bãi hàng…cho đơn vị theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện nay Bộ GTVT cũng đang trình “Đề án quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư”, thế nhưng sau nhiều lần họp bàn, lấy ý kiến đề án này vẫn chưa được phê duyệt.

Do vướng chính sách và việc đầu tư nửa vời đã không khai thác triệt để lợi thế nhà ga, gây lãng phí nguồn lực đất đai trong nhiều năm qua. Để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại tại các nhà ga, nhằm bù đắp chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trước hết cần gỡ vướng từ cơ chế.

Đặc biệt, Chính phủ cần sớm phê duyệt "Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư", đồng thời sớm đầu tư, hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối. Có như vậy, mới đủ lực “hút” nhà đầu tư tư nhân dốc “hầu bao” vào đường sắt.

Các tin khác