Trái phiếu ngân hàng: Ai mua? Có rủi ro?

(ĐTTCO) - Năm nay, thị trường không còn chứng kiến cuộc đua huy động giữa các nhà băng dù huy động vốn tăng rất chậm. Nguyên nhân chính do sự chuyển hướng huy động vốn từ trái phiếu (TP) khi hầu hết lô TP do NHTM phát hành đều được các công ty chứng khoán (CTCK) và NH khác ôm trọn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nhà băng đổ xô phát hành TP
Huy động vốn của hệ thống NH đến 25-8 chỉ tăng trưởng 4,44% so với cuối năm 2020, trong khi tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng 7,06%. Huy động thấp, cho vay cao, tuy nhiên khác với trước đây các NHTM không sốt ruột tăng lãi suất đầu vào để hút vốn, thậm chí giảm nhẹ lãi suất.
Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, tính tới cuối tháng 9 lãi suất huy động tiếp tục duy trì đà giảm từ các tháng trước đó.
Trong đó, lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 6 và 12 tháng lần lượt giảm 0,03% và 0,002% trong tháng 9, xuống còn 4,71% và 5,561%. Huy động vốn rất thấp trên bề nổi được lý giải là đáp ứng yêu cầu giảm lãi suất của NHNN. Hơn nữa, tốc độ tăng tín dụng hiện nay vẫn rất chậm do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên các hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp (DN) giảm.
Tính tới 7-10, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt mức 7,42%, tuy cao hơn đáng kể so với mức 5,48% của cùng kỳ năm ngoái, nhưng nếu tính từ 25-8 đến thời điểm này, tín dụng chỉ tăng thêm 0,32%. 
Tuy nhiên, khi DN mở cửa lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, NHNN đánh tiếng có thể sẽ xem xét việc gia tăng hạn mức tín dụng cho các NHTM để kích thích cho nền kinh tế, nhưng các NH vẫn đang tự tin về thanh khoản. Có thể khẳng định sự dồi dào thanh khoản của hệ thống hiện nay thông qua mức lãi suất liên NH vẫn liên tục duy trì ở mức thấp.
Bằng chứng gần đây NHNN chào thầu trên thị trường mở, nhưng không có NH nào đặt thầu. Song cái chính các NH vẫn tự tin là nguồn tiền khổng lồ đang chảy vào nhiều nhà băng thông qua hoạt động phát hành TP.
Theo Hiệp hội thị trường TP Việt Nam, dựa trên dữ liệu công bố đến ngày 30-9-2021 của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), có tổng cộng 42 đợt phát hành TP trong tháng 9 theo hình thức phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 29.734 tỷ đồng.
Trong đó, nhóm NH dẫn đầu về khối lượng phát hành, chiếm 47% tổng giá trị phát hành, với mức 13.860 tỷ đồng. Các NH có khối lượng phát hành lớn gồm BIDV 3.240 tỷ đồng, OCB 2.000 tỷ đồng, Vietinbank 2.050 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, nhóm NHTM dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 132.300 tỷ đồng. Trước đó năm 2020 nhóm NH đã phát hành tổng cộng 138.916 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2019, chiếm 31,7% tổng khối lượng TP DN phát hành, là chủ thể phát hành lớn nhất trên thị trường.

Công ty chứng khoán gom mua
NHTM tích cực phát hành TP có thể xem là mũi tên trúng nhiều đích. Thứ nhất, NHNN cho phép duy trì tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn với mức 40% đến hết ngày 30-9-2021. Sau đó từ 1-10-2021 đến 30-9-2022, tỷ lệ này giảm về 37%.
Từ 1-10-2022 đến 30-9-2023 còn 34% và giảm xuống 30% từ ngày 1-10-2023. Như vậy, phát hành TP sẽ giúp các nhà băng sớm đạt được yêu cầu này, tăng nguồn vốn dài hạn để cho vay trong bối cảnh dịch bệnh khó huy động vốn từ dân cư. 
Thứ hai, một số nhà băng thúc đẩy kênh này để vừa tăng vốn trung và dài hạn, vừa tăng vốn cấp 2. Đơn cử trong tháng 9, có 6.210 tỷ đồng TP phát hành tăng vốn cấp 2 của BIDV, Vietinbank, VIB, MB. Lũy kế 9 tháng, nhóm NH đã phát hành 31.700 tỷ đồng TP cho mục đích tăng vốn cấp 2, chiếm 24% tổng giá trị phát hành của nhóm này.
Đáng chú ý, báo cáo phát hành TP của các NH cho thấy hầu hết lượng TP được phát hành đều do các CTCK và các NH trong nước mua nhau. Có ý kiến cho rằng CTCK “ôm” TP NH lô lớn nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Nhưng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, CTCK mua rất nhiều TP không phải cho danh mục đầu tư mà để có hàng tồn kho bán cho nhà đầu tư (NĐT) cá nhân. 
Lý giải của TS. Hiếu, tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ NĐT chuyên nghiệp mới được quyền mua TPDN. Thế nhưng vấn đề lách luật để NĐT cá nhân trở thành NĐT chuyên nghiệp rất dễ. Theo quy định, cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng theo xác nhận của CTCK, được xác định tư cách là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp.
Để có được “tài sản” này, CTCK có thể cho NĐT vay dưới dạng hợp đồng repo (thỏa thuận mua lại). Vì trong luật không quy định NĐT cá nhân phải là NĐT chuyên nghiệp trong bao lâu, nên việc vay - trả có thể thực hiện trong thời gian rất ngắn. Theo đó, các CTCK có liên hệ trực tiếp với NH, sẽ là kênh phân phối TP đắc lực cho nhóm này để NH hút vốn.

Các NH mua qua lại lẫn nhau
Thông thường, TP NH có độ an toàn cao, nên việc NĐT quan tâm mua TP, thay vì chỉ đổ tiền vào cổ phiếu cũng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, trước hiện tượng các NH đang mua TP lẫn nhau cũng có không ít lời cảnh báo.
Trao đổi với ĐTTC, một chuyên gia kinh tế nhận định việc NH này mua TP của NH khác có thể xem là một hình thức “tăng vốn kỹ thuật” thông qua đầu tư chéo TP. Bởi nhà băng mua TP sẽ có danh mục đầu tư đa dạng, nhưng nếu mua TP dài hạn trên 5 năm thuộc loại TP chuyển đổi hoặc nợ thứ cấp, NH phát hành sẽ được tính vào vốn cấp 2.
Thực tế, họ không được phép làm như vậy, vì là vốn dài hạn phải thực chất. Còn việc nhà băng này phát hành, nhà băng khác mua lại có thể là hình thức trao đổi với nhau cùng một lượng tiền, thông qua việc mua - bán lòng vòng, có thể làm tăng vốn cấp 2 ảo. 
Chuyên gia này cho rằng NHNN nên kiểm tra vấn đề này, nếu có xảy ra cần dùng biện pháp mạnh, vì việc tăng vốn kỹ thuật không có lợi cho nền kinh tế, con số thể hiện trên sổ sách nhưng thực chất dòng tiền không thay đổi.
Nhìn tổng thể, thị trường TP Việt Nam do một số chủ thể tham gia chưa đặt tinh thần tuân thủ quy định lên hàng đầu, nên tác dụng luôn đi kèm rủi ro. Phát hành tốt sẽ tạo ra nguồn vốn cho các chủ thể, nhưng nếu không cẩn thận sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Điều lo ngại này thể hiện rõ qua việc các cơ quan liên quan đã vào cuộc, thông qua nhiều quy định về phát hành và giao dịch TP trong thời gian gần đây.

Các tin khác