TPHCM thúc đẩy tái chế rác thải

(ĐTTCO) - 9.500 tấn là lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày được thu gom trên địa bàn TPHCM. Lượng rác này tăng thêm khoảng 10%/năm, đã và đang gây ra áp lực lớn đến hạ tầng tiếp nhận và xử lý rác thải của thành phố. Do đó, việc đầu tư hạ tầng “xanh” được thành phố thúc đẩy nhằm kiểm soát chặt chất lượng môi trường, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân. 
Nhà máy Xử lý rác sinh hoạt Vietstar xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện, công suất 2.000 tấn/ngày. Ảnh: CAO THĂNG
Nhà máy Xử lý rác sinh hoạt Vietstar xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện, công suất 2.000 tấn/ngày. Ảnh: CAO THĂNG
Đưa công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải
Phân tích tình hình phát sinh chất thải nói chung trên địa bàn thành phố, Sở TN-MT TPHCM không khỏi quan ngại khi lượng chất thải phát sinh ngày càng tăng. Không chỉ rác thải sinh hoạt ước 9.500 tấn/ngày, mỗi ngày thành phố còn tiếp nhận khoảng 3.000 tấn rác xây dựng, công nghiệp, chất thải nguy hại. Lượng rác thải phát sinh lớn và nhanh nên công tác xử lý chất thải trước đó đã không còn phù hợp.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, ngoại trừ lượng chất thải rắn xây dựng, công nghiệp và chất thải nguy hại, các chủ nguồn thải phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý nên việc kiểm soát chéo khá chặt chẽ. Còn rác thải sinh hoạt thì phần lớn phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Biện pháp xử lý này đã bộc lộ nhiều ô nhiễm thứ phát cho môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng.
Mặt khác, trong những năm gần đây, khi tốc độ đô thị hóa TPHCM diễn ra nhanh chóng, số lượng người dân nhập cư tăng nhanh với khoảng 200.000 người/năm, dẫn đến quỹ đất dành cho việc xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng thu hẹp. Trong khi đó, khoa học công nghệ đã có những bước phát triển vượt bậc, cho phép ứng dụng những công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt vừa không tốn quỹ đất mà còn tạo ra nguồn điện sạch, an toàn cho môi trường.
Trước thực tế đó, UBND TPHCM đã gấp rút triển khai giải pháp xã hội hóa đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại đốt rác phát điện. Hơn 20 nhà đầu tư từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Châu Âu, Nga, Hoa Kỳ… đã tham gia dự thầu đầu tư xử lý rác thải. Kết quả đã có 4 dự án được chọn triển khai. Dự án đầu tiên đi vào triển khai sớm nhất phải kể đến là của Công ty CP Vietstar. Theo đó, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện có công suất 2.000 tấn/ngày. Lượng điện sạch phát sinh sau xử lý có công suất khoảng 40MW. Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay. 
3 dự án đầu tư công nghệ đốt rác phát điện còn lại tuy khởi công chậm hơn nhưng cũng dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm nay. Cụ thể, nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày. Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu có nhà máy nhỏ hơn với công suất 500 tấn/ngày. Riêng Công ty CP Môi trường Tasco, ngoài đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn/ngày, còn đầu tư thêm nhà máy xử lý chất thải công nghiệp có công suất xử lý 500 tấn/ngày và chất thải nguy hại 120 tấn/ngày. 
Giảm 40% rác thải chôn lấp
Không dừng lại những dự án đầu tư mới, những doanh nghiệp đang xử lý rác thải của thành phố cũng được hỗ trợ chuyển đổi công nghệ xử lý sang công nghệ đốt rác phát điện. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết, hiện công ty đang hoàn tất các thủ tục đề xuất UBND TPHCM cho phép tiếp tục đầu tư công nghệ đốt rác ở bãi chôn lấp số 3. Cũng theo ông Nhựt, công nghệ đốt rác hiện nay không còn là vấn đề khó đối với các doanh nghiệp mà hoàn toàn có thể triển khai ngay.
Quan trọng hơn, việc ứng dụng công nghệ đốt rác phát điện không những giúp giảm quỹ đất dành cho chôn lấp rác mà còn giúp tránh nguy cơ ô nhiễm thứ phát từ nước rỉ rác phát sinh trong quá trình chôn lấp; lợi ích bền vững về kinh tế và an toàn cho môi trường. Cái cần nhất vẫn là kêu gọi thực hiện tốt công tác phân loại rác thải tại nguồn. 
Có thể thấy, với việc triển khai xây dựng gấp rút các nhà máy chuyển đổi công nghệ nêu trên, dự kiến cuối năm 2020 cơ bản hoàn thành trước một số lò đốt để đáp ứng chỉ tiêu của chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cụ thể, tỷ lệ rác xử lý bằng biện pháp đốt phát điện và tái chế thành phân compost sẽ chiếm tỷ lệ 40%. Lượng rác chôn lấp theo đó sẽ giảm xuống còn 60%. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ rác đốt phát điện, tái chế lên khoảng 50% và giảm tỷ lệ rác chôn lấp xuống còn 50% vào năm 2020-2023.
Ông Ngô Xuân Tiệc, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa khẳng định, dự án do công ty đầu tư có tổng vốn 5.000 tỷ đồng. Ngay khi dự án đi vào hoạt động, không những giải quyết áp lực quỹ đất cho thành phố do giảm 2.000 tấn rác phải chôn lấp mà còn góp phần tạo ra nguồn điện sạch với công suất 40MW. Công ty cũng sẽ thu được lợi nhuận lớn từ việc bán điện sạch với giá 9 cent/kWh. Việc nâng công suất xử lý rác cũng đã được công ty tính đến. Do vậy, nếu thành phố cần gia tăng tỷ lệ rác xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện, các nhà đầu tư cũng rất sẵn sàng.
 Xu hướng thế giới đang chuyển mình sang nền kinh tế tuần hoàn. Theo đó, rác thải sẽ không còn được coi là chất nguy hại cho môi trường mà ngược lại sẽ là nguồn tài nguyên thứ phát. Nguồn tài nguyên này sẽ được tận dụng tối đa để làm nguyên liệu đầu vào cho nhiều hoạt động sản xuất khác. Với sự chuyển đổi bước đầu trong hoạt động xử lý rác thải, Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đã khẳng định mình không nằm ngoài xu hướng đó.

Các tin khác