TPHCM không thiếu lương thực, thực phẩm

(ĐTTCO) - Từ nhiều tháng qua, Sở Công thương TPHCM đã kích hoạt hệ thống chuỗi cung ứng, đáp ứng cung cầu hàng hóa và bình ổn thị trường trong điều kiện vừa phòng chống dịch vừa sản xuất kinh tế. Các siêu thị đã chủ động nguồn hàng đảm bảo cung ứng đến 6 tháng.
Các doanh nghiệp cung ứng hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố vẫn hoạt động bình thường khi thành phố thực hiện giãn cách chống dịch, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: VNE
Các doanh nghiệp cung ứng hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố vẫn hoạt động bình thường khi thành phố thực hiện giãn cách chống dịch, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: VNE

Theo Sở Công Thương TPHCM, hiện hàng hóa trên địa bàn dồi dào, đầy đủ, đáp ứng sức mua của người dân. Tại Gò Vấp và phường Thạnh Lộc - quận 12, nơi đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nhu cầu mua hàng có tăng mạnh nhưng nguồn cung vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. 

Sở Công thương cho biết tác doanh nghiệp đều có phương án dự phòng, và không tăng giá hàng hóa. Trong kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2021, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng phương án bình ổn thị trường kết hợp thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp dịch bệnh Covid-19, nhằm chủ động bình ổn thị trường, kể cả khi dịch Covid-19 lan rộng trên cả nước và TPHCM. 

Từ nhiều tháng trước, Sở đã kích hoạt liên kết 22 tỉnh thành trong chương trình kết nối cung cầu và bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. 
Sở cũng đã yêu cầu các nhà bán lẻ đẩy mạnh bán hàng online để giảm tiếp xúc, tụ tập đông người, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Do vậy, người dân thành phố không lo thiếu lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch.

Cũng theo Sở Công thương TPHCM, hiện hệ thống siêu thị, doanh nghiệp lớn đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ba chợ đầu mối lớn của thành phố, gồm Bình Điện, Thủ Đức, Hóc Môn đáp ứng khoảng 70%. Mỗi ngày 3 chợ này nhập khoảng 8.000 tấn rau củ quả, 700 tấn thịt heo, 250.000 con gia cầm, 800 - 900 tấn thủy hải sản...

Trong giai đoạn giãn cách, các hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu tại thành phố vẫn hoạt động liên tục, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Người dân không nên mua hàng tích trữ, tập trung đông người, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Hiện Vụ Thị trường trong nước- Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương TPHCM để bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường; xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa kịp thời, nhằm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Các tin khác